Thành kiến đối với kinh tế tư nhân?

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW “về phát triển kinh tế tư nhân”. Trong rất nhiều nội dung quan trọng của Nghị quyết, Bộ Chính trị xem việc “Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam” là một trong những điểm cốt lõi của “Quan điểm chỉ đạo”. Dân gian ta từng có câu: “Tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng”. Và theo đó, thành kiến chính là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của vấn đề được đề cập. Do vậy, việc tìm hiểu cơ sở hình thành định kiến về kinh tế tư nhân để “xóa bỏ” nó sẽ rất có ý nghĩa.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: D.Út)

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: D.Út)

Trước hết, chúng ta cần làm rõ các khái niệm liên quan đến chủ đề. Thành kiến hay định kiến được hiểu là những ý kiến, quan điểm đã được hình thành. Là những ý kiến cố định về người hay vật, xuất phát từ cách nhìn sai lệch hoặc dựa trên cảm tính và thường có chiều hướng đánh giá thấp. Còn kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế thuộc cơ cấu kinh tế của một Quốc gia, được hình thành và phát triển dựa trên sự sở hữu của tư nhân về tư liệu sản xuất cũng như lợi ích cá nhân. Kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Trong lịch sử về nhận thức, mỗi người, cộng đồng, dân tộc, thậm chí là loài người cũng đã từng có định kiến về một hoặc một số vấn đề. Xem xét riêng việc định kiến đối với kinh tế tư nhân ở xã hội Việt Nam, chúng ta có thể nhận diện từ nguồn gốc nhận thức trong các đảng cộng sản và thực tiễn xã hội.

Về nhận thức

Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhất quán lựa chọn con đường phát triển đất nước là làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Và theo đó, trong rất nhiều năm, đa số người trong Đảng đã có quan niệm không đúng hay ấu trĩ về sở hữu công đối với tư liệu sản xuất khi thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Họ cho rằng, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa dựa trên sở hữu công về tư liệu sản xuất với hai hình thức chủ yếu quốc doanh và tập thể. Nhận thức sai này có tính phổ biến ở hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa.

Sự sai lệch bắt nguồn từ việc lấy dự báo của học thuyết Marx về giai đoạn sau (giai đoạn cao) của hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa (Lenin gọi là Cộng sản chủ nghĩa) áp dụng cho thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội kể cả nước đang phát triển tiền tư bản chủ nghĩa. Một điểm nữa, nhận thức đối lập hoàn toàn và cực đoan giữa xã hội xã hội chủ nghĩa với xã hội tư bản chủ nghĩa mà trong đó cho rằng xã hội tư bản có kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân thì xã hội xã hội chủ nghĩa ngược lại.

Thật ra, ngay từ khá sớm, các nhà sáng lập học thuyết Marx đã lưu ý không thể tự tiện xóa bỏ kinh tế tư nhân. Frieddrich Engels, bạn gần gũi với Marx, lưu ý phải: Bắt con ngựa tư bản chủ nghĩa cày trên mảnh đất chủ nghĩa xã hội. Đến Lenin, người phát triển học thuyết Marx thành học thuyết Marx - Lenin, đã nhận ra việc phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa khi ông chủ trương Chính sách kinh tế mới (NEP) vào năm 1921. Nhưng do những hoàn cảnh lịch sử khác nhau ở mỗi nước, những tư tưởng này chẳng những không được tuân thủ, mà còn bị phủ nhận “sạch trơn”. Định kiến đối với kinh tế tư nhân lan tràn, nặng nề và kéo dài.

Về thực tiễn

Không thể phủ nhận rằng, trong nền kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản, kinh tế tư nhân tồn tại và phát triển vì lợi nhuận ích kỷ của chủ sở hữu. Để tìm kiếm lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã tăng thời gian và cường độ lao động, khai thác lao động nữ và trẻ em; cạnh tranh khốc liệt kiểu “cá lớn nuốt cá bé” dẫn đến độc quyền, áp đặt, chi phối không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn những mặt của đời sống xã hội; thúc đẩy việc tìm kiếm, xâm chiếm thuộc địa dẫn đến gây chiến khắp nơi; bất chấp tất cả đạo đức, luật lệ dù “treo cổ nó vẫn làm”. Ngay trong các nước xã hội xã hội chủ nghĩa, thực tế từng cho thấy khi sự câu kết chặt chẽ thế lực “ngầm”, “đen” trong thành phần kinh tế này với những kẻ thoái hóa, biến chất của hệ thống chính trị đã khuynh đảo, gây tổn thất lớn đối với chính trị và kinh tế - xã hội. Định kiến đối với kinh tế tư nhân không phải vô cớ.

Nhưng, nền kinh tế Việt Nam đã bước lên nấc thang mới. Dù có đặc điểm chung tìm kiếm lợi nhuận, kinh tế tư nhân Việt Nam có tính chất khác biệt, đặc thù. Hiện nay, kinh tế tư nhân Việt Nam hoạt động trong môi trường toàn cầu hóa với những thể chế, luật lệ minh bạch. Cùng với sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, doanh nghiệp và hộ sản xuất - kinh doanh từng bước vươn lên hiện đại, văn minh.

Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa, việc sản xuất - kinh doanh sẽ có cơ hội hỗ tương và cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế tạo nên sự hài hòa, đồng điệu vì lợi ích riêng và chung trong quá trình phát triển của đất nước. Dĩ nhiên, nhà nước xã hội chủ nghĩa có trọng trách lớn đối với sự nghiệp kiến tạo “bản đồng ca” này. Trong đó, phải rất “chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên”, cùng tinh thần “thượng tôn pháp luật, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội”.

Cho dù là niềm tin trong sáng, việc lấy quan niệm cũ và thực tiễn của những xã hội trước đó áp đặt đối với hiện tại đều là khập khiễng. Trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, “kinh tế tư nhân Việt Nam đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” như Nghị quyết nhận định. Và tương lai không xa, kinh tế của khu vực này sẽ “là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Hiểu rõ điều này, cơ sở của định kiến đối với kinh tế tư nhân sẽ tan biến.

DÂN BIỆN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/thanh-kien-doi-voi-kinh-te-tu-nhan--131675.aspx
Zalo