'Bản thiết kế' hoàn chỉnh cho phát triển

'Bộ tứ' Nghị quyết 57, 59, 66 và 68 đã tạo nên chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị diễn ra mới đây.

Theo đó, Nghị quyết 66 yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột tăng trưởng mới. Nghị quyết 59 mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế chủ động, tích cực. Nghị quyết 68 thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực trung tâm cho nền kinh tế.

Nghị quyết dù tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu nhưng cùng thống nhất mục tiêu xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Điểm đột phá của các nghị quyết này là tư duy phát triển mới, từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”.

Đánh giá về các nghị quyết này, đại diện một doanh nghiệp cho rằng, đây là bước định hình hệ sinh thái thể chế. Nhà nước mạnh về pháp quyền, doanh nghiệp mạnh về năng lực thị trường, khoa học mạnh về sáng tạo và hội nhập mạnh về tầm nhìn quốc tế. Khi những trụ cột này cùng phát huy sức mạnh, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng chất lượng cao…

Đây là góc nhìn đầy đủ, toàn diện về ý nghĩa và tầm quan trọng của các nghị quyết này. Đó là tính cấp bách, căn cơ và việc tổ chức lại phương thức phát triển. Quan trọng nữa là việc không vì số lượng nghị quyết mà là cấu trúc tư duy. Các nghị quyết không đứng độc lập mà cùng tạo thành một chỉnh thể thể chế hiện đại, liên kết, tương hỗ và thúc đẩy lẫn nhau.

Sự liên kết này không chỉ mang tính chất định hướng chung mà còn thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn. Cụ thể, nếu thể chế không minh bạch thì kinh tế tư nhân khó phát triển; khoa học, công nghệ thiếu môi trường sáng tạo và hội nhập quốc tế thiếu hiệu quả. Ngược lại, nếu đổi mới sáng tạo không đột phá, kinh tế tư nhân sẽ yếu, hội nhập quốc tế sẽ bị hạn chế. Nếu hội nhập không chủ động, bản thân thể chế và các động lực trong nước cũng khó được cải cách toàn diện.

Với việc ban hành các nghị quyết này, có thể khẳng định, nước ta đã có “bản thiết kế” thể chế hoàn chỉnh cho phát triển. Nhưng muốn phát triển nhanh và bền vững, không thể đi theo lối mòn cũ. Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất. Những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai của dân tộc - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có thể nói là những thành tựu vĩ đại. Chúng ta có quyền tự hào, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận phía trước còn nhiều thách thức gay gắt nên không được chủ quan, không được “ngủ quên” bên vòng nguyệt quế. Và với “bộ tứ” nghị quyết này, điều đặc biệt quan trọng, như ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm thì trước nhân dân cả nước, chúng ta cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, bằng tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kiên trì và sáng tạo.

Mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình, biến cam kết chính trị thành kết quả cụ thể, thiết thực. Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa Đổi mới - Khát vọng - Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045 - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ban-thiet-ke-hoan-chinh-cho-phat-trien-10373597.html
Zalo