Thành họng nổi cục, nổi hạt có phải bị ung thư họng không?
Thành họng nổi cục hay thành sau họng nổi cục, nổi hạt có thể là dấu hiệu bệnh lý tại họng nguy hiểm.
Thành họng nổi cục là tình trạng niêm mạc họng có các nốt (hạt) gồ ghề, sần sùi ở thành sau họng. Các nốt này có xu hướng hình thành từng cụm, tụ lại với nhau, lồi cao hơn so với niêm mạc xung quanh. Thông thường các nốt sần có màu đỏ, cảm giác bị viêm và có thể gây kích ứng cổ họng.
1. Thành họng nổi cục, nổi hạt là bệnh gì?
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng thành sau họng nổi cục, nổi hạt sần sùi. Tùy vào nguyên nhân mà các triệu chứng có thể có sự khác biệt về dấu hiệu và mức độ nghiêm trọng. Chủ yếu liên quan tới các tổ chức ở phía sau họng bị sưng viêm như amidan, VA, tuyến nước bọt,...
Cùng với sự xuất hiện của các nốt sần ở thành họng thì người bệnh cũng có thể có các triệu chứng khác kèm theo như: Sốt, đau đầu, ho khan, nghẹt mũi, phát ban da, sưng hạch bạch huyết, khó nói hoặc khó nuốt, đau rát họng hoặc đau khi nuốt, ợ nóng, khàn tiếng, ngứa họng, cảm giác như có vật gì đó mắc kẹt trong họng, hơi thở có mùi hôi,...
- Nhiễm trùng do virus
Nhiễm trùng do virus là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng nổi cục ở thành sau họng. Các nhiễm trùng này thường là:
+ Cảm lạnh thông thường: Cùng với sưng đau họng hoặc nổi hạt ở thành họng, các triệu chứng bệnh cảm lạnh phổ biến nhất thường gặp là đau đầu, ho, hắt hơi và chảy dịch mũi sau.
+ Cúm: Cúm là một nhiễm trùng do virus nghiêm trọng hơn cảm lạnh thông thường và có thể khiến người bệnh có dấu hiệu thành họng nổi cục. Các triệu chứng cúm có thể bao gồm ho dữ dội, nhức đầu, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, sốt và mệt mỏi nghiêm trọng.
+ Virus Herpes simplex (HSV): Là một chủng thuộc họ virus herpes, gây bệnh bạch cầu đơn nhân ở thanh thiếu niên và trẻ em. Ngoài thành sau họng nổi cục thì bệnh có thể gây ra các triệu chứng họng khác như sưng tuyến nước bọt, gan to, phát ban, mệt mỏi và sốt.
+ Enterovirus: Đây là một loại virus phổ biến khác có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp chẳng hạn như viêm phổi và dẫn tới nổi cục ở thành sau họng. Các triệu chứng bao gồm sốt, sổ mũi, viêm họng, nôn mửa, tiêu chảy ở một số trẻ sơ sinh và trẻ em. Viêm phế quản và viêm phổi kẽ thỉnh thoảng xảy ra ở người lớn và trẻ em.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn
Một số loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp trên cũng có thể gây ra tình trạng chảy dịch mũi sau và thành họng nổi cục.
Trong đó viêm họng do vi khuẩn (phổ biến là liên cầu khuẩn) có thể gây ra sưng đỏ họng, đau họng, sưng hạch bạch huyết ở cổ, đau hạch cổ; đồng thời bệnh nhân bị viêm họng liên cầu khuẩn dễ dàng nhìn thấy các mảng đỏ và đốm trắng có mủ nổi lên ở cổ họng, amidan sưng to và đỏ, khó nuốt; sốt; phát ban, mề đay; đau dạ dày, đau bụng hoặc nôn mửa.
- Viêm họng hạt
Viêm họng hạt là tình trạng viêm nhiễm mạn tính xảy ra ở vùng niêm mạc họng với đặc trưng là sự xuất hiện của các hạt lympho kích thước khác nhau, nhiều nhất là phía thành sau họng. Viêm họng hạt có thể do sự tấn công của virus, vi khuẩn hoặc do biến chứng bệnh lý viêm vùng mũi họng mãn tính như viêm xoang, viêm họng kéo dài,...
- Dị ứng
Dị ứng xảy ra khi các "đường dẫn" ở mũi bị viêm do phản ứng miễn dịch quá mức với các dị nguyên như phấn hoa hoặc các chất gây dị ứng trong không khí khác.
Dị ứng gây chảy dịch mũi sau, khiến niêm mạc họng bị kích ứng và nổi cục sần sùi kèm theo các triệu chứng dị ứng khác như: Ngứa miệng, ngứa mắt, ngứa da, ngứa họng; mất khứu giác; sổ mũi hoặc nghẹt mũi; hắt hơi nhiều lần; chảy nước mắt; ho; viêm tai; đau đầu; cáu kỉnh, khó chịu và mệt mỏi.
- Trào ngược axit dạ dày - thực quản
Một nguyên nhân khác có thể dẫn tới tình trạng thành họng nổi cục là chứng ợ nóng dai dẳng khiến axit từ dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản, họng và kích ứng các tổ chức mô ở đây.
Triệu chứng trào ngược thực quản khác có thể bao gồm: Ợ nóng, ợ chua, khó nuốt, buồn nôn, đau ngực, cảm thấy cổ họng bị vướng. Triệu chứng trào ngược có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi nằm, đặc biệt là nằm ngay sau khi ăn no.
- Thành họng nổi cục có phải ung thư vòm họng?
Hiếm khi thành họng nổi cục là dấu hiệu ung thư, chẳng hạn như ung thư vòm họng. Ung thư vòm họng xảy ra khi các tế bào bất thường phát triển ở khu vực hòm họng, là bệnh có tốc độ tiến triển nhanh với tỷ lệ tử vong cao.
Triệu chứng ung thư vòm họng thường gặp là:
+ Thường xuyên đau họng kéo dài với mức độ đau họng tăng dần kèm theo khó nuốt nước bọt hay khó nuốt thức ăn.
+ Đau đầu âm ỉ tương tự như triệu chứng các bệnh sọ não hay thần kinh do khối u xâm lấn tới sọ não.
+ Xuất hiện hạch vùng cổ, hạch không di động khi ấn vào; hạch vùng cổ càng to thì bệnh ung thư vòm họng càng tiến tới giai đoạn muộn, thậm chí gây biến dạng vùng cổ, biến dạng hàm.
+ Thay đổi giọng nói, trở nên khàn hơn do khối u phát triển lớn và chèn ép dây thanh quản, có thể kèm theo ù tai, khó thở.
+ Ho kéo dài: Triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh hô hấp hay bệnh tai mũi họng khác. Ho kéo dài do ung thư vòm họng có thể kéo dài từ 1 - 3 tháng, cơn ho tăng dần mức độ nghiêm trọng, ho có thể có đờm lẫn máu.
+ Khó thở: Khó thở là triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn muộn do khối u kích thư kích thước lớn chèn ép tổ chức hô hấp.
+ Chán ăn, giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi như kiệt sức do tế bào ung thư phát triển, ảnh hưởng tới sự hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể cũng như khối u vướng họng, dễ nuốt nghẹn khiến cảm giác thèm ăn giảm rõ rệt.
- Hút thuốc
Thành họng nổi cục có thể gặp ở người hút thuốc (bao gồm cả hút thuốc lá điện tử), thành họng có thể sần sùi do khói thuốc lá gây viêm và tổn thương các mô họng. Thói quen hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dẫn tới các triệu chứng bổ sung như khó thở, ho kéo dài, khô họng và khó nuốt.
- Các nguyên nhân ít phổ biến hơn
Một số nguyên nhân ít phổ biến hơn có thể khiến một người bị thành sau họng nổi cục sần sùi là: COVID-19, viêm nắp thanh quản, bệnh bạch hầu.
Trong đó bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bệnh bạch hầu là bệnh cấp tính do một loại vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra, đây là một dạng trực khuẩn tại chỗ, có khả năng sản sinh độc tố, nhưng không di chuyển. Bệnh bạch hầu có đặc trưng là sự xuất hiện của giả mạc ở xung quanh họng ở người mắc bệnh. Màng giả của người bệnh bạch hầu khá dày và bám chặt vào niêm mạc hầu họng, làm khó khăn khi ăn, nói và thở. Nếu cố gắng lấy ra sẽ có thể bị chảy máu.
2. Khi nào thành sau họng nổi cục cần thăm khám bác sĩ?
Đầu tiên, điều trị chứng nổi cục sần sùi ở thành họng cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh là gì. Nếu do các nguyên nhân như dị ứng hoặc nhiễm trùng thì thuốc thông mũi hay thuốc kháng histamin không kê đơn có thể giúp phá vỡ và loại bỏ các chất nhầy dư thừa khiến niêm mạc họng kích thích và sưng viêm.
Với các nguyên nhân khiến thành họng nổi cục do vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định để điều trị loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa tái phát.
Để chữa thành họng nổi cục tại nhà, bạn nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi đầy đủ, uống đồ uống ấm, súc miệng bằng nước muối, ngậm viêm trị đau họng sẽ giúp giảm đau và khó chịu.
Nếu tình trạng thành họng nổi cục gây khó chịu này kéo dài hơn và không biến mất trong vòng vài tuần, các triệu chứng nghiêm trọng hơn cản trở tới ăn uống sinh hoạt thường ngày dù đã áp dụng các biện pháp giảm nhẹ tại nhà, hoặc nếu gặp bất kỳ triệu chứng kèm theo nào dưới đây:
- Sốt cao kéo dài trên 39 độ C.
- Khó nuốt.
- Sưng họng.
- Khó nói, khó nuốt.
- Ho ra máu.
- Nôn mửa quá mức.
Hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ kiểm tra cổ họng để tìm dấu hiệu nhiễm trùng và quan sát mức độ sưng nề. Nếu nghi ngờ tình trạng thành họng nổi cục do nhiễm virus/vi khuẩn, các xét nghiệm như xét nghiệm máu và nuôi cấy dịch họng có thể được chỉ định. Khi thăm khám, hãy cho bác sĩ biết về các triệu chứng bất thường khác mà bạn gặp phải, thời gian họng xuất hiện các nốt sần ở thành sau họng kéo dài bao lâu, có đau hay không; đồng thời cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh hô hấp hay trào ngược axit của bạn.
Để phòng ngừa các tình trạng khiến thành họng nổi cục hay thành họng sau nổi cục sần sùi, bạn cần thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus, hình thành các thói quen tốt như: Rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh hô hấp, tránh hút thuốc, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đóng cửa sổ và hạn chế mũi họng tiếp xúc với không khí khi bên ngoài có nhiều tác nhân có thể gây dị ứng, tiêm vaccine phòng bệnh như cúm, COVID-19,...