Thanh Hóa tích cực giảm thiểu, tái chế và xử lý chất thải nhựa
UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, trong đó có việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhưạ̣.
Theo đó, việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã được tỉnh Thanh Hóa quan tâm và quyết liệt chỉ đạo thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các văn bản triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, như: Kế hoạch hành động số 76/KH-UBND ngày 16/3/2020 về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Công văn số 13801/UBND-NN về triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 30/8/2021 về triển khai thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 11050/UBND-NN ngày 31/7/2024 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa.

Thu gom, xử lý, tái chế rác thải nhựa đại dương tại bãi biển xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND cấp huyện đã xây dựng kế hoạch, triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng dân cư nâng cao nhận thức, hình thành ý thức về quản lý rác thải nhựa đại dương; lồng ghép các nội dung tuyên truyền quản lý rác thải nhựa đại dương tại các ngày lễ về môi trường; lồng ghép tuyên truyền trong các Hội nghị, hội thảo, các buổi sinh hoạt của cơ quan, đơn vị; tổ chức treo băng rôn tuyên truyền tại trụ sở cơ quan, đơn vị và các tuyến đường chính của địa phương, phổ biến, thông tin đến công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh; các hoạt động vệ sinh môi trường, dọn dẹp vệ sinh bờ biển, trồng rừng ngập mặn...
Thông qua các hoạt động truyền thông, tuyên truyền đã giúp cộng đồng dân cư nhận thức về phòng chống rác thải nhựa, qua đó khuyến khích người tiêu dùng giảm tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon, thu gom, phân loại rác thải nhựa để tái chế, tái sử dụng cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Nhiều công sở các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường thị trấn đã thực hiện sử dụng chai thủy tinh, cốc thủy tinh tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và phòng làm việc thay thế cho các chai nước đóng sẵn; các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh khuyến khích người tiêu dùng mang túi khi mua sắm, có chính sách giảm giá, tích lũy điểm thưởng cho những khách hàng mang theo dụng cụ để chứa, đựng hàng hóa, thức ăn, nước uống; cung cấp cho khách hàng các loại túi giấy thân thiện với môi trường để thay thế cho túi nilon...
Nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học liên quan đến rác thải được triển khai thực hiện như đề tài “Nghiên cứu thực trạng, xây dựng mô hình kiểm soát, giảm thiểu rác thải nhựa ra biển tại Thanh Hóa”, đề tài “Nghiên cứu, xây dựng mô hình giảm thiểu rác thải nhựa tại khu du lịch Vườn quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hóa”, nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Các tổ chức chính trị - xã hội như tỉnh Đoàn Thanh Hóa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm sạch biển, phong trào chống rác thải nhựa, điển hình như: Đoàn thanh niên huyện Hậu Lộc với mô hình “Ngôi nhà thu gom rác thải” hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa tại các trường THCS trên địa bàn huyện, tổ chức cho học sinh thu gom phế liệu để bán, gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo trong xã. Đoàn thanh niên huyện phối hợp với Đoàn khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức chương trình tặng giỏ đi chợ hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thiệu Hóa đã cấp làn nhựa đi chợ cho Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn.
Những giải pháp trên đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường cũng như giúp Thanh Hóa hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.