'Phở treo', 'bún treo' lan tỏa yêu thương giữa lòng Hà Nội
Giữa nhịp sống hối hả của Thủ đô, những suất 'phở treo', 'bún treo' trên phố Bảo Khánh và đường Nguyễn Văn Huyên đã và đang góp phần sẻ chia với những mảnh đời khó khăn, lan tỏa tinh thần 'lá lành đùm lá rách' trong cộng đồng.
“Làm từ thiện là phải làm từ tâm”
Đều đặn mỗi sáng từ 10 giờ - 11 giờ, quán phở Tuệ An trên phố Bảo Khánh của chị Nguyễn Thị Cát Lệ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại mở cửa phục vụ những bát phở miễn phí cho người khó khăn. Đây là những suất ăn đặc biệt, bởi khách hàng đến chỉ cần thưởng thức mà không cần phải thanh toán.
Bà Nguyễn Thị Bình (75 tuổi, mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai gần chợ Long Biên) là một trong những vị khách quen của quán. Với thu nhập bấp bênh, bà luôn chắt chiu từng bữa ăn. Trong một ngày Hà Nội trở gió, bà Bình xuất hiện tại quán với chút ngần ngại, nhưng sự quan tâm của nhân viên ở đây khiến bà ấm lòng. "Phở ở đây đầy đặn, ngon. Thi thoảng tôi mới dám đến ăn một bát. Tôi cảm ơn chủ quán rất nhiều", bà Bình chia sẻ.
Theo chị Cát Lệ, mô hình “phở treo” hoạt động theo nguyên tắc: Khách hàng có thể thanh toán trước một bát phở để dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Học hỏi từ ý tưởng cà phê “treo” ở Ý trong đại dịch COVID-19, chị Cát Lệ đã triển khai hình thức này từ hơn một năm trước.
Mỗi ngày, quán chị Cát Lệ duy trì khoảng 30 bát phở miễn phí. Từ bát thứ 31 trở lên đến từ sự đóng góp của thực khách nếu ai muốn phát tâm. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch, mỗi người chỉ được đóng góp tối đa ba bát, và quán sẽ tạm dừng nhận khi đóng góp đạt 100 suất. Đặc biệt, để xóa bỏ tâm lý ngại ngùng của người nhận, bảng thông báo trước quán chỉ ghi rõ số lượng suất ăn miễn phí còn lại trong ngày.

Chị Nguyễn Thị Cát Lệ bắt đầu triển khai mô hình phở "treo" từ năm 2024
“Tôi không quan trọng ai đến xin, chỉ cần họ thực sự cần. Một bát phở với người bình thường không đáng bao nhiêu, nhưng với người khó khăn lại rất ý nghĩa. Nếu nghĩ đến thiệt hơn, tôi đã không làm từ thiện”, chị Lệ bày tỏ.
Trước khi triển khai mô hình “phở treo”, chị Cát Lệ đã có 15 năm làm thiện nguyện, tổ chức nhiều chương trình phát cơm miễn phí cho bệnh nhân ung thư. Xuất thân trong một gia đình khó khăn, chị càng thấu hiểu nỗi vất vả của những người lao động tự do.

Một vị khách phát tâm treo 2 bát phở tại quán.
Khi tôi còn nhỏ, anh trai tôi bị ung thư. Thời điểm đó, điều kiện y tế không hiện đại như bây giờ, gia đình tôi cũng không đủ khả năng để chữa trị cho anh. Sau đó, tôi tự hứa với anh rằng, khi nào có điều kiện, tôi sẽ chia sẻ với những người khó khăn như gia đình mình đã từng trải qua", chị Cát Lệ chia sẻ.
“Làm từ thiện là bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất”
Không chỉ có “phở treo”, trên đường Nguyễn Văn Huyên, mô hình “bún treo” của anh Nguyễn Hải Anh cũng đang góp phần lan tỏa yêu thương. Anh Hải Anh bắt đầu triển khai hình thức này từ tháng 8/2023, nhưng thực tế, quán của anh đã phục vụ bún miễn phí cho người nghèo từ gần hai năm trước.
Khi mới bắt đầu, anh chỉ dán một tờ giấy trước cửa quán với dòng chữ: “Tặng bún cho người khó khăn”, dự kiến mỗi ngày tặng 10 suất cho người lao động nghèo, người bán hàng rong. Chỉ đến khi mô hình “phở treo” được nhiều người biết đến, anh mới nhận ra việc mình làm cũng có một tên gọi ý nghĩa bên cạnh hai chữ “thiện nguyện”.
Mỗi ngày, quán của anh phục vụ sẵn 29 suất bún miễn phí. Nếu khách hàng có lòng hảo tâm muốn đóng góp, số lượng suất ăn miễn phí sẽ tiếp tục tăng lên. “Tôi tâm niệm rằng, từ thiện không nhất thiết phải đợi đến khi giàu có, mà có thể bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất trong khả năng của mình”, anh Hải Anh chia sẻ.
“Tôi đã làm công việc này từ năm 2017 - 2018. Khi quay lại bán hàng sau đại dịch, tôi vẫn nhớ những việc mình đã làm và tự nhủ, dù sau này kinh doanh mô hình nào, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm từ thiện. Bún ‘treo’ là điều nhỏ bé nhất mà tôi có thể làm khi trong tay chưa có nhiều tiền”, anh nói.
Chị Cát Lệ, chủ quán phở Tuệ An, bày tỏ niềm vui khi biết đến mô hình “bún treo” qua mạng xã hội. “Tôi mong những mô hình như thế này được nhân rộng hơn nữa, chứ không chỉ dừng lại ở cửa hàng của tôi hay anh Hải Anh. Khi thấy clip giới thiệu quán của bạn ấy trên TikTok, tôi rất vui vì sức lan tỏa mạnh mẽ của cộng đồng”, chị chia sẻ.
Những bát phở, bát bún “treo” không chỉ là những bữa ăn đơn thuần, mà còn là sự sẻ chia, tình người, niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những mô hình như của chị Cát Lệ và anh Hải Anh đã và đang góp phần tô điểm thêm nét đẹp văn hóa của người Hà Nội – nghĩa tình, nhân ái và luôn sẵn lòng sẻ chia.