Thanh Hóa: Thu hút 94 dự án đầu tư trực tiếp trong 9 tháng năm 2024

Trong 9 tháng năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 94 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 17 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 12.432,9 tỷ đồng và 367,86 triệu USD.

Qua thống kê cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay việc thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn ra trên nhiều lĩnh vực, vùng miền, trong đó lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang dẫn đầu về số dự án và tổng vốn đầu tư.

Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang dẫn đầu về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với 33 dự án.

Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang dẫn đầu về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với 33 dự án.

Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: 33 dự án (12 dự án FDI), tổng vốn 5.185,9 tỷ đồng và 185,33 triệu USD, chiếm 45,3% tổng vốn đăng ký; lĩnh vực thương mại dịch vụ: 31 dự án (05 dự án FDI), tổng vốn 569,8 tỷ đồng và 182,53 triệu USD, chiếm 23,3%; lĩnh vực nông nghiệp: 05 dự án, tổng vốn 203,2 tỷ đồng, chiếm 1%; lĩnh vực khai khoáng: 16 dự án, tổng vốn 278,7 tỷ đồng, chiếm 1,3%; lĩnh vực cấp nước: 02 dự án, tổng vốn 2.560,3 tỷ đồng, chiếm 12%; lĩnh vực cấp điện: 07 dự án, tổng vốn 3.635 tỷ đồng, chiếm 17,1%.

Chia theo vùng, miền, hiện vùng đồng bằng đang dẫn đầu về thu hút đầu tư với 63 dự án, trong đó có 14 dự án FDI, tổng vốn 6.987,5 tỷ đồng và 344,43 triệu USD, chiếm 71,7% tổng vốn đăng ký; vùng ven biển: 15 dự án (02 dự án FDI), tổng vốn 1.132,5 tỷ đồng và 1,23 triệu USD, chiếm 5,5% tổng vốn; vùng miền núi: 16 dự án (01 dự án FDI), tổng vốn 4.312,9 tỷ đồng và 22,2 triệu USD, chiếm 22,8% tổng vốn.

Chia theo khu vực khu kinh tế, khu công nghiệp: Trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp thu hút 05 dự án, tổng vốn 403,3 tỷ đồng, chiếm 1,9% tổng vốn đăng ký; ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp: 89 dự án (17 dự án FDI), tổng vốn 12.029,6 tỷ đồng và 367,86 triệu USD, chiếm 98,1%.

Để tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025, Đề án thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch thực hiện khâu đột phá về kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đặc biệt tỉnh Thanh Hóa. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh năm 2024.

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác lập, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; rà soát, điều chỉnh những bất cập, chưa thống nhất giữa các loại quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn; rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường và đẩy mạnh triển khai các dịch vụ hành chính công điện tử cho các nhà đầu tư; thực hiện đồng bộ các biện pháp duy trì các chỉ số thành phần có thứ hạng cao, nâng cao các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp của các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS; rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy định, thủ tục hành chính không cần thiết để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thường xuyên đấu mối, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của các bộ, ngành Trung ương để được giúp đỡ, hỗ trợ, cung cấp các thông tin cần thiết trong quá trình vận động, xúc tiến đầu tư vào tỉnh.

Đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung thu hút đầu tư vào 3 trụ cột tăng trưởng, 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 vùng liên huyện và 6 hành lang kinh tế; ưu tiên tiếp cận các nhà đầu tư theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Tiếp tục hoàn thiện bộ tài liệu xúc tiến đầu tư sử dụng công nghệ số. Chủ động đấu mối với các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài để tăng cường giới thiệu, tuyên truyền về môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh; tham mưu các giải pháp củng cố quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống; đồng thời, thiết lập và mở rộng quan hệ với các đối tác mới, nhằm xúc tiến, kết nối các cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh về tỉnh.

Nâng cao, chuẩn hóa trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác xúc tiến đầu tư; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư; chuẩn bị mặt bằng sạch; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối từng bước đồng bộ, hiện đại; hỗ trợ đầu tư các công trình kỹ thuật đến hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc); hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự vùng dự án, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư...

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị đầu mối hỗ trợ, thu hút đầu tư của tỉnh; tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi dự án hoàn thành các thủ tục đầu tư và đi vào hoạt động, tạo niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ để ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức; tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các nhà đầu tư.

Đình Đông

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thanh-hoa-trong-9-thang-nam-2024-thu-hut-94-du-an-dau-tu-truc-tiep-93700.html
Zalo