Phía sau lời 'kêu cứu' của Thu Trang và giới làm phim
Theo các chuyên gia, việc tăng VAT từ 5% lên 10% gây tác động lớn đến giới làm phim, nhà phát hành, thậm chí cả khán giả. Đề xuất này hiện không phù hợp với thực tiễn phát triển của điện ảnh nội địa.
Bản kiến nghị dài gần 3 trang của hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh, đạo diễn, nhà sản xuất trong nước gửi tới Chính phủ và Quốc hội về việc điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng (VAT) trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, gây chú ý trong giới làm phim những ngày qua.
Theo đó, các đạo diễn, nhà sản xuất lẫn nhà phát hành đều không đồng thuận với đề xuất tăng VAT đối với lĩnh vực điện ảnh. Từ thực tiễn phát triển điện ảnh nội địa trong những năm qua, giới làm phim cho rằng việc tăng mức thuế lên 10% trong bối cảnh hiện tại là không phù hợp. Điều này có thể tác động đến nhiều khâu trong quá trình sản xuất, phân phối. Do chi phí tăng, các nhà làm phim buộc phải cắt giảm ngân sách, ảnh hưởng đến chất lượng dự án.
Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn khi rót vốn vào các dự án điện ảnh mới. “Cánh cửa” bước vào bộ môn nghệ thuật thứ 7 của không ít đạo diễn trẻ sẽ ngày càng hẹp hơn.
Điện ảnh Việt bấp bênh
Quý cuối cùng của năm 2024 chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt dự án điện ảnh Việt. Bên cạnh những tác phẩm đạt doanh thu tốt ngoài phòng vé, không ít bộ phim được đầu tư với chi phí lớn nhưng "ngã ngựa", gây lỗ nặng cho nhà sản xuất. Gần nhất, Biệt đội hot girl (đạo diễn Vĩnh Khương) có doanh thu thấp ở mức kỷ lục với gần 70 triệu đồng và phải rời rạp chỉ sau chưa đầy hai tuần phát hành.
Hay một dự án thuộc thể loại hành động/tội phạm khác là Domino: Lối thoát cuối cùng (Nguyễn Phúc Huy Cương đạo diễn) cũng bị khán giả trong nước thờ ơ. Bộ phim có Thuận Nguyễn, Quốc Cường, với bối cảnh quay hầu hết tại Mỹ, mức đầu tư lớn, rút cục chỉ mang về 596 triệu đồng, lọt nhóm phim lỗ nặng nhất của điện ảnh Việt, tính từ đầu năm đến nay.
Theo thống kê trên Box Office Vietnam, từ đầu nay đến nay, tỷ lệ thua lỗ phim Việt thua lỗ ngoài phòng vé luôn dao động từ 70-75%. Ngoài Mai (Trấn Thành) và Lật mặt 7: Một điều ước (Lý Hải) có thành tích cao ngất ngưởng, trên 450 tỷ đồng, đóng góp lớn với tổng doanh thu điện ảnh nội địa trong năm 2024, hàng loạt dự án khác như Trà (Lê Hoàng), Sáng đèn (Hoàng Tuấn Cường), Quý cô thừa kế 2 (Hoàng Duy), Cái giá của hạnh phúc (Nguyễn Ngọc Lâm), B4S - Trước giờ yêu (Tùng Leo, Michael Thái, Huỳnh Anh Duy), Đóa hoa mong manh (Mai Thu Huyền), Án mạng lầu 4 (Nguyễn Hữu Tuấn)... nối đuôi nhau thất bại.
Những dữ liệu kể trên chứng minh về sự phát triển còn nhiều bấp bênh, chênh lệch của thị trường điện ảnh. Không ít nhà làm phim đã phải dừng lại hành trình của họ sau dự án đầu tay vì thua lỗ. Bên cạnh đó, rất nhiều đạo diễn phải bán nhà, đổ nợ khi bước chân vào bộ môn nghệ thuật thứ 7.
Không chỉ vậy, nếu nhìn vào tổng số lượng phim vài năm qua, trung bình khoảng hơn 40 tác phẩm trình làng. Con số này có phần thụt lùi so với thời điểm 2017-2018 (gần 60 phim/năm). Nghĩa là ngành điện ảnh đang không tăng trưởng về số lượng, mà công chúng chỉ thấy sự đột biến doanh thu của một vài phim đặc biệt.
Ngoài ra, theo các nhà làm phim trong nước, sau đại dịch Covid-19, tốc độ hồi phục của ngành điện ảnh năm 2023 mới chỉ tiệm cận về gần với năm 2019 (thời điểm trước dịch) và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng sau đại dịch giảm, tạo nên những khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp, nhà phát hành.
Điều gì xảy ra với điện ảnh nếu thuế tăng 10%
Trao đổi với Tri Thức - Znews, đạo diễn Nhất Trung cho rằng nếu tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 5% lên 10% sẽ tạo ra thách thức lớn đối với các nhà làm phim, nhà phát hành và ảnh hưởng toàn diện đến thị trường điện ảnh Việt.
"Việc tăng thuế sẽ khiến chi phí sản xuất đội lên, từ đó ảnh hưởng đến các khâu khác. Đối với những bộ phim có kinh phí thấp, đạo diễn trẻ, thách thức này lại càng lớn hơn. Điện ảnh Việt đang ở giai đoạn khá non trẻ. Nếu so với những nước khác trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, điện ảnh nước ta vẫn còn khoảng cách khá xa. Trong lúc này, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành để phát triển bền vững hơn", Nhất Trung nói.
Theo cha đẻ của Gặp lại chị bầu, ở những quốc gia khác, Chính phủ có sự hỗ trợ về chính sách, mức thuế cho các nhà làm phim, để thúc đẩy sự phát triển chung của ngành.
"Hành trình phát triển của điện ảnh còn rất dài, cần sự chung tay, đồng bộ của nhiều phía, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà làm phim cho tới sự ủng hộ của khán giả. Song điều chen chốt cuối cùng vẫn là chất lượng của dự án và tay nghề đạo diễn", đạo diễn nhấn mạnh.
Chung quan điểm, nhà sản xuất Cao Tùng chia sẻ bức tranh của thị trường điện ảnh sẽ chịu nhiều tác động lớn nếu dự thảo tăng mức thuế giá trị gia tăng lên 10% được Quốc hội thông qua vào ngày 26/11 tới đây.
Điện ảnh Việt vốn đã khó cạnh tranh với các bom tấn nước ngoài có ngân sách lớn. Việc tăng thuế sẽ làm các nhà sản xuất phim Việt giảm mức độ đầu tư hơn vào các dự án quy mô lớn. Nhiều dự án phim độc lập hoặc mang tính nghệ thuật, vốn phụ thuộc vào nguồn tài trợ, có nguy cơ biến mất khỏi thị trường vì không đủ khả năng đối phó với chi phí tăng cao.
Ngoài ra, VAT cao hơn sẽ đẩy giá vé xem phim tăng, từ đó giảm số lượng khán giả ra rạp, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và khán giả cắt giảm bớt chi tiêu cho những dịch vụ giải trí. Ngành điện ảnh nội địa khó khăn khi phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các dịch vụ giải trí khác.
"Trong bối cảnh hiện tại, việc tăng mức thuế đối với điện ảnh là chưa phù hợp", nhà sản xuất trao đổi.
Từ đó, các chuyên gia, đạo diễn trong nước cho rằng cơ quan ban ngành liên quan cần cân nhắc các chính sách đặc biệt của ngành điện ảnh, giữ mức VAT thấp hơn để tạo ra động lực phát triển cho thị trường. Ở góc độ của doanh nghiệp điện ảnh, các công ty, đơn vị cần tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng và tìm kiếm những nguồn thu khác như tài trợ hoặc quảng cáo để bù đắp chi phí sản xuất.