Thanh Hóa: Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Mông
Ngày 10/11, tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Kết luận số 684-KL/TU ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về 'Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa' giai đoạn 2021-2025.
Theo thông tin tại hội nghị, sau 2 năm thực hiện Kết luận số 684 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền, các ban, sở, ngành cấp tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở có đồng bào Mông thực hiện tốt công tác dân vận, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào.
Tại các huyện có đồng bào dân tộc Mông đã xây dựng các mô hình “Chính quyền dân vận khéo”, “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”; triển khai các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm cho người lao động, triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư về phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông; ngăn chặn các hoạt động tàng trữ, buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất ma túy và các tệ nạn xã hội; tuyên truyền bà con không di cư tự do, vượt biên và hoạt động tôn giáo trái pháp luật.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà cấp ủy, chính quyền, các, ban, sở, ngành cấp tỉnh, các địa phương đạt được sau 2 năm thực hiện Kết luận số 684 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa”.
Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế sau 2 năm thực hiện kết luận, như: Nhiều chỉ tiêu vẫn chưa đạt được theo kết luận; đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay biết tiếng Mông chưa nhiều, chưa hiểu biết sâu về phong tục, tập quán của đồng bào Mông nên khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động; định hướng, tạo việc làm cho con em đồng bào Mông còn nhiều khó khăn...
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Kết luận số 684-KL/TU để rà soát lại, xây dựng kế hoạch, chương trình, lộ trình thực hiện cụ thể để thực hiện có hiệu quả trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị. Các đồng chí Thường vụ Huyện ủy phụ trách các bản có đồng bào Mông các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát thường xuyên, định kỳ dự sinh hoạt để nắm bắt và có giải pháp giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc như: lương thực, điện, nước sinh hoạt, nhà ở, đất sản xuất... tạo điều kiện cho bà con tiếp cận tốt nhất về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động theo hướng sâu sát cơ sở, cầm tay, chỉ việc, giúp đồng bào Mông chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với trình độ canh tác, thổ nhưỡng khu vực miền núi. Lực lượng vũ trang tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm tổ chức triển khai các biện pháp nghiệp vụ, công tác dân vận, đối thoại lắng nghe ý kiến của người dân; phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các vấn đề ở cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới, nhất là vấn đề liên quan đến an ninh tôn giáo.