Hội nghị Tỉnh ủy Lâm Đồng lần thứ 18
Chiều 24/11, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 18. Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tham dự Hội nghị.
Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến 2 vấn đề quan trọng gồm: Đề án thành lập Đảng bộ huyện Đạ Huoai (mới) trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ 3 huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên và Phương án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy và các chức danh cán bộ chủ chốt huyện Đạ Huoai (mới) nhiệm kỳ 2020 - 2025; xem xét cho ý kiến về một số chỉ tiêu, mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
• 100% ĐẠI BIỂU THỐNG NHẤT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐẠ HUOAI (MỚI)
Việc ban hành Đề án thành lập Đảng bộ huyện Đạ Huoai (mới) là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các nội dung tiếp theo cho công tác sáp nhập đơn vị hành chính như: Quyết định thành lập Đảng bộ huyện Đạ Huoai (mới), nhiệm kỳ 2020 - 2025; Quyết định chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai (mới) nhiệm kỳ 2020 - 2025…
Việc sáp nhập được thực hiện đúng Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện đúng nguyên tắc, quy định trong sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ; giữ vững ổn định chính trị, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Đảng bộ sau sáp nhập, đảm bảo mọi hoạt động bình thường của các tổ chức cơ sở đảng, các địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Đảng bộ huyện Đạ Huoai (mới) thành lập trên cơ sở sáp nhập Đảng bộ huyện Cát Tiên và Đảng bộ huyện Đạ Tẻh vào Đảng bộ huyện Đạ Huoai có trụ sở làm việc tại thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Huoai (mới). Đảng bộ huyện Đạ Huoai (mới) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/12/2024.
Đề án cũng đã dự kiến nhân sự Ban Chấp hành; Ban Thường vụ; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ huyện Đạ Huoai (mới); đồng thời, định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan khối Nhà nước.
Trên cơ sở quy định của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Huoai (mới) xây dựng Đề án vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xác định lộ trình sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo từng năm để chậm nhất tới 01/12/2029 phải đảm bảo theo quy định chung.
Đối với các trường hợp cán bộ, công chức dôi dư, không đủ điều kiện tiêu chuẩn và không bố trí, sắp xếp được thì Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Huoai (mới) lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan liên quan làm tốt công tác tư tưởng, động viên cán bộ thôi việc hoặc nghỉ công tác và được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương và của tỉnh Lâm Đồng.
Tại Hội nghị, 100% các đại biểu đã thống nhất với nội dung Đề án thành lập Đảng bộ huyện Đạ Huoai (mới).
Quyền Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc kiện toàn nhân sự của huyện Đạ Huoai (mới) là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và được tiến hành trên tinh thần tinh gọn bộ máy, đảm bảo quyền lợi cho các đồng chí xin thôi, xin nghỉ việc. Đây là sự chuẩn bị trước một bước quan trọng cho Đại hội Đảng bộ huyện Đạ Huoai (mới) sắp tới.
• NĂM 2025, PHẢI QUYẾT TÂM ĐỔI MỚI, PHẢI TIẾN LÊN
Báo cáo của UBND tỉnh tại Hội nghị về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2024 cho thấy, có 11/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; còn lại 7 chỉ tiêu không đạt.
Cụ thể, có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm: GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 21%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 985,8 triệu USD, tăng 6,1%; tỷ lệ trưởng công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 83,2%, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình trung học phổ thông và tương đương đạt 82,1%.
8 chỉ tiêu đạt kế hoạch gồm: Tổng lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú đạt 7.600 nghìn lượt khách, tăng 13,4% so với cùng kỳ, khách quốc tế đạt 600 nghìn lượt khách, tăng 50%; tỷ lệ thất nghiệp là 0,53%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 1,02%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 0,8%, trong đó tỷ lệ nghèo đa chiều vừng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,5%; các chỉ tiêu về ngành y tế; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,0%; các chỉ tiêu về ngành văn hóa; tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch đạt 78%, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 97,8%; chỉ tiêu về nông thôn mới.
7 chỉ tiêu chưa đạt: Tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 5,3%; cơ cấu kinh tế: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 43,8%, ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 18,0%, ngành dịch vụ chiếm 38,2%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 28,5% GRDP; thu ngân sách nhà nướ đảh 13.100 tỷ đồng, bằng 92,6% dự toán địa phương; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ chiếm 23%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý đạt 95,6%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 88,89%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,37%.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2024, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, khả năng và năng lực của tỉnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu.
Các công trình trọng điểm tiến độ chưa đảm bảo yêu cầu. Công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý đất đai còn lỏng lẻo. Công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu. An ninh, trật tự xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Đời sống một bộ phận người dân nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn…
Đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Năm 2024, nhiều sở ngành, địa phương làm việc chưa quyết liệt, chưa cật lực. Đồng chí yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cá nhân liên quan đến 7 tiêu chí không đạt. Đây là nội dung quan trọng để đánh giá, kiểm điểm cuối năm.
Năm 2025, UBND tỉnh xác định 7 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu về xã hội, 3 chỉ tiêu về môi trường và 1 chỉ tiêu về nông thôn mới. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cũng đã đề xuất các giải pháp phát triển; tạo đột phá cho mục tiêu 5 năm, trong đó ưu tiên cho tăng trưởng, tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc; huy động mọi nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh, chống lãng phí, giải ngân đầu tư công…
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đã yêu cầu đại diện lãnh đạo Cục Thống kê, Cục Thuế phân tích một vài chỉ tiêu đặt ra năm 2025. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương cho ý kiến về các chỉ tiêu đặt ra. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thống nhất các chỉ tiêu đặt ra năm 2025.
Đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học, nhấn mạnh: Năm 2025, trên tinh thần “Không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”; với phương châm "nhanh nhạy, năng động; đổi mới, đột phá; tăng tốc, phát triển", các sở, ngành, địa phương phải quyết tâm đổi mới về phương pháp, cách làm; phải tiến lên để hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu đề ra, đưa Lâm Đồng tăng tốc, phát triển; thành phố Đà Lạt đạt các tiêu chuẩn của thành phố thông minh.