Thanh Hóa: Rà soát quy hoạch, cấp phép khai thác đối với các mỏ khoáng sản
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát công tác quy hoạch, cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, qua kiểm tra, rà soát đã cho kết quả sau:
Theo đó, về quy hoạch (Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023), toàn tỉnh hiện có 557 khu vực mỏ và mỏ khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Số lượng cụ thể bao gồm: 187 mỏ đá, tổng diện tích 3.976 ha, trữ lượng khoảng 652 triệu m3; 233 mỏ đất xây dựng (gồm 156 mỏ đất san lấp), tổng diện tích 2.469 ha, trữ lượng khoảng 235 triệu m3; 124 mỏ cát xây dựng, tổng diện tích 571 ha, trữ lượng khoảng 18 triệu m3; 13 mỏ khoáng sản nhỏ lẻ (được Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân cấp cho UBND tỉnh quản lý), tổng diện tích 146 ha, trữ lượng khoảng 649.351 tấn.

Thanh Hóa hiện có 156 mỏ đất san lấp.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn quy hoạch các mỏ khoáng sản có giá trị phục vụ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất và luyện kim. Trong đó có 09 mỏ khoáng sản công nghiệp (02 mỏ Cromit, 01 mỏ quặng sắt, 01 mỏ thiếc - Wolfram, 01 mỏ đồng, 03 mỏ Secpentin, 01 mỏ Barit); 50 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng (12 mỏ đá vôi làm xi măng, 10 mỏ đá làm vôi, 18 mỏ đá sét xi măng, 01 mỏ cát Silic, 01 mỏ đá phiến sét, 02 mỏ đá ốp lát - mỹ nghệ, 03 mỏ cao lanh - Felspat, 01 mỏ đất sét chịu lửa, 01 mỏ thạch anh và 01 mỏ Quarzit), các mỏ này do Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý và cấp phép.
Về cấp phép khai thác, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 344 mỏ đã được cấp giấy phép khai thác. Trong đó UBND tỉnh cấp phép 327 mỏ (211 mỏ đá xây dựng, 60 mỏ đất san lấp, 28 mỏ cát, 25 mỏ đất sét, đá cát kết làm gạch và 03 mỏ quặng sắt, đồng, phốt pho rít); Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp phép khai thác 17 mỏ (07 mỏ đá sét xi măng, 05 mỏ đá vôi xi măng, 02 mỏ Secpentin, 01 mỏ cao lanh, 01 mỏ cát silic và 01 mỏ Barit).
Các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng và khai khoáng của tỉnh Thanh Hóa, góp phần đáp ứng nguồn vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn cũng như đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.