Thanh Hóa phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975, vững tin bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam
Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo là một trong những cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ, oanh liệt nhất và chiến thắng vẻ vang, trọn vẹn nhất. Đại thắng mùa Xuân 1975 là bước phát triển ở quy mô cao nhất trong toàn bộ tiến trình cách mạng ở miền Nam. Là thành quả của lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết và tinh thần 'không có gì quý hơn độc lập tự do' của toàn dân tộc.

Từ giữa năm 1974, cục diện trên chiến trường miền Nam đã thay đổi cơ bản có lợi cho cách mạng, đặc biệt thắng lợi của chiến dịch Đường 14 - Phước Long (từ ngày 13/12/1974 đến ngày 6/1/1975) cho thấy sự suy sụp của ngụy quân, khả năng can thiệp trở lại của Mỹ rất hạn chế. Qua 2 lần họp (từ ngày 30/9 đến ngày 8/10/1974 và từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975), Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam (1975-1976) và dự kiến nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Trên tinh thần đó, công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được tiến hành khẩn trương, đồng bộ.
Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3 đến ngày 3/4/1975), tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 và một bộ phận lực lượng cơ động chiến lược của địch, giải phóng 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức), tạo sự thay đổi cơ bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch, dẫn tới sự sụp đổ về chiến lược và tinh thần của chính quyền và ngụy quân.
Cùng trong thời gian này tại Quân khu Trị Thiên và Quân khu 5, ta mở chiến dịch Trị Thiên - Huế (từ ngày 5 đến ngày 26/3/1975), chiến dịch Đà Nẵng (từ ngày 26 đến ngày 29/3/1975) và phát triển tiến công địch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, diệt và làm tan rã phần lớn Quân đoàn 1 - Quân khu 1 và bộ phận lực lượng tổng dự bị của địch, giải phóng 5 tỉnh (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi) và 2 thành phố lớn (Huế, Đà Nẵng), trực tiếp đập tan ý định co cụm chiến lược của địch, tạo bước nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta.
Nắm vững thời cơ chiến lược, sau khi quét sạch địch ở Phan Rang (16/4/1975), Xuân Lộc (21/4/1975), tập trung lực lượng áp sát và hình thành thế tiến công Sài Gòn từ nhiều hướng, ngày 26/4/1975 ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh với tinh thần chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đập tan lực lượng phòng thủ và các cơ quan đầu não của địch, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện vào ngày 30/4/1975.
Đại thắng mùa Xuân 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc và thế giới như một trang sử chói lọi của thế kỷ XX – mang tầm vóc thời đại và giá trị quốc tế sâu sắc. Chiến thắng vĩ đại ấy là minh chứng hùng hồn cho trí tuệ, bản lĩnh và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng ta; đồng thời khẳng định tinh thần quật khởi, ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm kéo dài suốt nhiều thập kỷ.
Đại thắng mùa Xuân 1975 đã kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, đưa non sông thu về một mối, Bắc – Nam sum họp một nhà, mở ra một kỷ nguyên mới: cả nước cùng tiến bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong cuộc kháng chiến “thần thánh ấy”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh, quân và dân các dân tộc Thanh Hóa đã anh dũng chiến đấu, kiên cường bám trụ, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Sự hy sinh và cống hiến ấy đã trở thành niềm tự hào, là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của con người xứ Thanh. Thanh Hóa đã lập nên những chiến công oanh liệt làm nức lòng bè bạn trong nước và quốc tế. Trong cuộc đọ sức ấy, nhiều địa danh, như: Hàm Rồng, Đò Lèn, Phú Lệ, Đảo Mê, phà Ghép...; những đơn vị, như: Trung đội lão dân quân Hoằng Trường, Trung đội dân quân gái Hoa Lộc... những cái tên như: Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Hằng, Lê Xuân Thanh... và còn rất nhiều tên người, tên đất đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, cách mạng, đi vào lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Với những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất; lực lượng vũ trang tỉnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... Những phần thưởng cao quý và niềm vinh quang lớn lao đó mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn lực tinh thần to lớn cổ vũ Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa bước vào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, từng bước hiện thực khát vọng thịnh vượng của một tỉnh giàu tiềm năng với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Thanh Hóa đã ghi tên mình trên bản đồ kinh tế quốc gia với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2024 đạt hơn 10%/năm. Đặc biệt, năm 2024, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước đạt hơn 56 nghìn tỷ đồng, vượt 59,5% dự toán, tăng 31,4% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 7 cả nước về thu ngân sách, khẳng định sự bứt phá ngoạn mục.
Thanh Hóa không ngừng tăng cường quan hệ đối ngoại, làm sâu sắc thêm hợp tác với tỉnh Hủa Phăn (Lào) và thiết lập các mối quan hệ chiến lược với các quốc gia như Niigata (Nhật Bản), Đại sứ quán Ấn Độ, Hàn Quốc, Thụy Sĩ... Tỉnh đã tiếp nhận 24 chương trình, dự án với tổng vốn viện trợ cam kết lên tới 13 triệu USD, mở ra nhiều cơ hội mới.
Với sự phát triển mạnh mẽ trong hạ tầng, như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Thọ Xuân nâng cấp thành sân bay quốc tế, cảng Nghi Sơn trở thành trung tâm logistics quan trọng, Thanh Hóa đã tạo nền tảng cho sự bứt phá trong kỷ nguyên mới. Các dự án này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn giúp tỉnh khẳng định vị thế trong thời đại hội nhập.
Từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Thanh Hóa đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ hiện đại, minh chứng cho tầm nhìn và khát vọng vươn lên. Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông thu về một mối (30/4/1975). Tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn là nguồn động lực tinh thần to lớn, tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa khơi dậy, vận dụng hiệu quả trong giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt, bước vào thập niên 20 của thế kỷ XXI, Thanh Hóa đang nỗ lực vươn lên trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước, là cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành “tứ giác phát triển” vững chắc vào năm 2025.
Tỉnh đặt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, và đến năm 2045 sẽ là một tỉnh phát triển toàn diện, giàu đẹp, văn minh, kiểu mẫu. Những nỗ lực không ngừng ấy không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, mà còn khẳng định khát vọng vươn lên và ý chí bền bỉ của Thanh Hóa trong kỷ nguyên mới.
Tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975 sẽ mãi là nguồn cảm hứng và sức mạnh, tiếp bước Thanh Hóa vững vàng vươn tới những thành tựu mới, khẳng định vị thế trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam.