Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa Xuân năm 1975: Tiếp cận từ lịch sử quốc gia và toàn cầu
Hòa chung không khí của cả dân tộc hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, chiều 25/4, Trường đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia 'Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa Xuân năm 1975: Tiếp cận từ lịch sử quốc gia và toàn cầu'.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và các thế hệ giảng viên của nhà trường.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỷ 20, kết thúc bằng Đại thắng mùa xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc như một trong những mốc son chói lọi.
Chiến thắng đã khẳng định ý chí độc lập thống nhất của một dân tộc được tôi luyện qua hàng nghìn năm lịch sử và đi vào lịch sử thế giới như chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, đồng thời là sự kiện có tầm ảnh hưởng quốc tế quan trọng, mang tính thời đại sâu sắc.
Đối với dân tộc Việt Nam, chiến thắng mùa Xuân năm 1975 hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do và đi lên xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh.

Tiến sĩ Vũ Đức Liêm, Phó Trưởng Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, phát biểu đề dẫn hội thảo.
Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của thế giới về cách thức một dân tộc với lòng yêu nước cùng ý chí và tinh thần chiến đấu kiên cường có thể vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để bảo vệ quyền tự quyết dân tộc, bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước trong bối cảnh thế giới đan xen nhiều mối quan hệ phức tạp và có tính chi phối mạnh mẽ.
Đối với thế giới, chiến thắng của nhân dân Việt Nam đã góp phần tái định hình lại trật tự quốc tế ở thập kỷ cuối cùng của cuộc Chiến tranh lạnh và lịch sử nhân loại thế kỷ 20.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Vũ Đức Liêm, Phó Trưởng Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: kỷ niệm 50 năm Đại thắng mùa Xuân năm 1975, ngày đất nước thống nhất, không chỉ là dịp của những nghi thức tưởng nhớ mà còn là các nỗ lực học thuật nghiêm cẩn, toàn diện nhằm hiểu rõ hơn nữa ý nghĩa, tầm vóc, vị trí của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong khung cảnh lịch sử quốc gia và toàn cầu.
Những sự kiện này không chỉ chấm dứt sự chia cắt đất nước, định hình bản sắc của một quốc gia thống nhất sau năm 1975, mở đường cho một giai đoạn mới của Việt Nam mà còn xác lập vai trò của Việt Nam trên khu vực và thế giới.

Các thuyết minh viên giới thiệu về triển lãm "Xếp bút nghiên ra trận".
Hội thảo đã nhận được 91 bài tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà nghiên cứu giáo dục, giảng viên đại học và giáo viên các cấp học... cùng nhau chia sẻ thành quả nghiên cứu, soi rọi nhiều vấn đề của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Các tham luận gửi tới hội thảo đã làm rõ sự kế thừa và phát triển của nghệ thuật quân sự, chiến tranh nhân dân, truyền thống kháng chiến kiến quốc, nghệ thuật đấu tranh kết hợp chính trị-ngoại giao trong lịch sử; từ đó phản ánh ý nghĩa dân tộc và thời đại sâu sắc, về vai trò của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa xuân năm 1975 trong việc định hình bản sắc, tính thống nhất và củng cố các giá trị truyền thống dân tộc.
Các ý kiến đóng góp cũng làm rõ một cách sâu sắc, toàn diện vai trò và tác động của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa xuân năm 1975 trong các mối quan hệ khu vực, quốc tế; cung cấp thêm nhiều tài liệu, các công trình khảo sát mới và có hệ thống về tác động của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đối với các vấn đề hậu chiến ở khu vực và trên thế giới.

Các đại biểu tham quan triển lãm tại hội thảo.
Hội thảo cũng đề xuất những cách thức tiếp cận mới linh hoạt, sáng tạo nhằm củng cố tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc của thế hệ trẻ; ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu và dạy học như khai thác hồ sơ, tài liệu lưu trữ, tranh ảnh, bản đồ,… nhằm phát huy tính tích cực, năng lực sáng tạo của người dạy và người học, từ đó nâng cao chất lượng dạy học lịch sử ở nhà trường phổ thông, nhất là quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 và chương trình sửa đổi 2022.
Tại hội thảo, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã tổ chức triển lãm "Xếp bút nghiên ra trận". Triển lãm giới thiệu khoảng 150 hồ sơ, kỷ vật gắn liền với những người thầy, người cô và những lớp sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tình nguyện lên đường đi chiến đấu. Các hồ sơ, kỷ vật này nằm trong khối hồ sơ, kỷ vật đi B mà trung tâm đang lưu giữ.