Thanh Hóa: Nợ bảo hiểm vượt 1.000 tỷ đồng
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến đầu tháng 5/2025, tổng số tiền chậm đóng các loại bảo hiểm trên toàn tỉnh hơn 1.000 tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa nợ đọng bảo hiểm. Ảnh: Nguyễn Chung.
Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm
Tính đến hết quý I/2025, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 3,2 triệu người tham gia các loại bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). So với cùng kỳ năm 2024, tổng số người tham gia giảm 10.417 người, tương ứng giảm 0,32%. Trong đó, có 441.132 người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; 92.781 người tham gia BHXH tự nguyện và 2.713.941 người chỉ tham gia BHYT. Tổng số thu từ các loại bảo hiểm trong quý I/2025 đạt hơn 3.761,3 tỷ đồng, bằng 26,13% kế hoạch năm và tăng 822,6 tỷ đồng (tăng 28%) so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng bảo hiểm tại tỉnh Thanh Hóa vẫn đang là vấn đề nhức nhối và gây nhiều hệ lụy cho người lao động và ngành bảo hiểm. Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng số tiền chậm đóng các loại bảo hiểm trên toàn tỉnh Thanh Hóa là hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, BHXH, các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng hơn 571 tỷ đồng; BHYT là 221,97 tỷ đồng; BHTN 32,64 tỷ đồng; bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp 8,29 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tiền lãi phát sinh do chậm đóng lên đến 144,02 tỷ đồng.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 3.368 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền 527,643 tỷ đồng. Trong đó, khối doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể chiếm đa số với 3.343 đơn vị, nợ 524,088 tỷ đồng (tương đương 99,33%). Khối hành chính sự nghiệp có 25 đơn vị, nợ 3,555 tỷ đồng (0,67%). Trong quý I năm nay, phát sinh thêm 19 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên với tổng số nợ 2,51 tỷ đồng.
Điển hình, Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort (325 lao động) chậm đóng 47 tháng, với số tiền hơn 35 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa (43 lao động) chậm đóng 97 tháng, với số tiền trên 18 tỷ đồng; Công ty CP May Vạn Hà (743 lao động) chậm đóng 16 tháng, với số tiền hơn 13,6 tỷ đồng; Công ty CP Lilama 5 - thị xã Bỉm Sơn (36 lao động) chậm đóng 60 tháng với số tiền hơn 10 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO (11 lao động) chậm đóng 62 tháng, với số tiền là 3,2 tỷ đồng...
Đặc biệt, một số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn, lao động ít hoặc giảm hết lao động, đã thực hiện thanh kiểm tra nhiều lần nhưng chưa thu hồi được tiền chậm đóng như: Công ty CP xây dựng Hancorp.2 chậm đóng 152 tháng, với số tiền hơn 41,6 tỷ đồng; Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Long chậm đóng 141 tháng, với số tiền là 8,379 tỷ đồng: Công ty CP đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838 chậm đóng 181 tháng, với số tiền hơn 7,1 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên JLG Vina chậm đóng 59 tháng, với số tiền hơn 6,1 tỷ đồng...
Cần có chế tài mạnh
Có thể thấy khối doanh nghiệp tại Thanh Hóa vẫn là nhóm có tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm cao nhất. Trong quý I/2025, có thêm 696 doanh nghiệp phát sinh tình trạng nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền lên đến 52,32 tỷ đồng. Đáng lo ngại hơn, một số doanh nghiệp có thời gian nợ đọng kéo dài và đã bị thanh, kiểm tra nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa nộp lại tiền nợ bảo hiểm. Thực trạng này không chỉ gây thất thu cho Quỹ Bảo hiểm mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hàng nghìn lao động trên địa bàn.
Ông Nguyễn Khắc Tuấn - Giám đốc BHXH khu vực VI cho biết: Theo định kỳ hàng tháng, cơ quan bảo hiểm sẽ đôn đốc thu, đối chiếu với doanh nghiệp, không để sót người tham gia, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nếu đến tháng thứ 3, các đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa đóng thì sẽ chuyển hồ sơ qua bộ phận thanh tra chuyên ngành. Đồng thời, để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, ngành bảo hiểm cũng áp dụng biện pháp như: Doanh nghiệp đang trong tình trạng nợ, chậm đóng bảo hiểm mà người lao động có nhu cầu chốt sổ và giải quyết các chế độ như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… đều được cơ quan bảo hiểm hướng dẫn cho đơn vị sử dụng lao động đóng riêng cho từng trường hợp, để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động, làm sao người lao động được bảo đảm quyền lợi tối đa nhất. Tuy nhiên, với các trường hợp này thì đơn vị phải có cam kết lộ trình trả nợ cụ thể.
“Cần phải “mạnh tay” như cách ngành thuế đang áp dụng là cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp có nợ đọng kéo dài, đặc biệt là với các doanh nghiệp FDI. Như vậy mới đảm bảo được quyền lợi cho người lao động cũng như gỡ khó ngành bảo hiểm hiện nay” - ông Tuấn nói.