Thanh Hóa: Nhiều dấu hiệu sai phạm trong hoạt động chế biến lâm sản
Thanh Hóa là địa phương có nhiều thế mạnh trong phát triển lâm nghiệp, với diện tích rừng lớn, chiếm khoảng 53% tổng diện tích tự nhiên. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cũng như thúc đẩy các hoạt động chế biến và thương mại lâm sản. Tuy nhiên, song hành với thế mạnh đó là bài toán phát triển bền vững ngành chế biến lâm sản, bởi trong thời gian qua, gần 200 cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mọc lên nhanh chóng, nhưng không đảm bảo các quy định pháp luật. Ghi nhận của phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Công ty TNHH chế biến lâm sản Anh Kiên, ở thôn Minh Sơn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Dù đã đi vào hoạt động từ năm 2018,trên diện tích hàng nghìn m2, nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cơ quan quản lý nghiệm thu phòng cháy chữa cháy và chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Toàn bộ chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất chế biến lâm sản được đưa trực tiếp ra môi trường.
Cách đó không xa là cơ sở của hộ gia đình ông Bùi Văn Sứ, do không đảm bảo các điều kiện về môi trường, đất đai, phòng cháy chữa cháy và vi phạm trật tự xây dựng nên đã bị xử phạt, tuy nhiên vì số tiền phạt không lớn, nên cơ sở này vẫn nộp phạt rồi tiếp tục hoạt động nhiều năm qua.
Tương tự như vậy, tại xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy, Công ty Tiến Đạt hoạt động với quy mô lớn, nhưng không đảm bảo các điều kiện pháp lý, đã bị Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Lộc đình chỉ hoạt động từ tháng 8/2024, song trên thực tế doanh nghiệp vẫn công khai hoạt động.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!