Thanh Hóa 'lắc đầu' cơ chế đặc biệt cho dự án 'tre nghìn tỷ'
Thanh Hóa không đồng ý đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế đặc biệt để được hoạt động như một doanh nghiệp chế xuất cho chủ đầu tư dự án sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa.
"Đại bàng" kêu khó xin cơ chế đặc thù
Đầu năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định 1625/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước.
Đây được đánh giá là dự án lớn, quan trọng với địa phương khi có tổng mức đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng, cùng với sự tham gia, hợp tác từ Công ty staBOO Holdings AG Thụy Sĩ kỳ vọng sẽ giúp đưa các sản phẩm từ cây tre Thanh Hóa vươn ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, phía chủ đầu tư có ý kiến được thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù để hoạt động như một doanh nghiệp chế xuất. Việc này theo như ý kiến của đại diện phía chủ đầu tư sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để dự án sớm đi vào hoạt động, nhất là trong khoảng thời gian ban đầu có nhiều khó khăn.
Theo đại diện Công ty Cổ phần staBOO Thanh Hóa, dự án này có nhiều điều kiện phù hợp để có thể đề xuất xin cơ chế đặc biệt hoạt động như một doanh nghiệp chế xuất mặc dù không nằm trong khu vực khu chế xuất, khu công nghiệp hay khu kinh tế.
Cụ thể, do đặc thù ngành nông nghiệp nên dự án staBOO Thanh Hóa phải đặt tại một trong các huyện miền núi có vùng trồng tre lớn như Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh... để gần vùng nguyên liệu, tránh việc vận chuyển nguyên liệu tre thô cồng kềnh đi xa, chi phí vận chuyển cao dẫn đến không hiệu quả. Tuy nhiên tại các huyện này lại không có quy hoạch khu chế xuất, khu công nghiệp hay khu kinh tế sẵn sàng cho Dự án staBOO Thanh Hóa vào thực hiện đầu tư.
Tiếp đó, khi đi vào hoạt động, staBOO sẽ xuất khẩu 100% sản phẩm đi Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản... nên về bản chất cơ bản có đủ điều kiện như một doanh nghiệp chế xuất. Do vậy, nếu được hoạt động theo doanh nghiệp chế xuất thì công ty sẽ giảm nhiều thời gian, nguồn lực và chi phí liên quan đến các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu và hoàn thuế.
Cũng theo phía đại diện chủ đầu tư, một lý do quan trọng khác là tính cộng đồng và ảnh hưởng lan tỏa tích cực từ dự án. Theo đó, dự án sẽ góp phần giúp xóa đói giảm nghèo khu vực phía Tây của tỉnh Thanh Hóa là nơi tập trung nguồn nguyên liệu tre rất lớn lên đến hơn 120.000ha những chưa có đầu ra ổn định, nên bao năm qua người dân ở các huyện này vẫn đang trong nhóm nghèo nhất trong cả nước.
Vì vậy, dự án với quy mô đầu tư 3.200 tỷ đồng, công suất tiêu thụ 300.000m3 nguyên liệu mỗi năm sẽ giúp ổn định, nâng cao thu nhập, giải pháp thoát nghèo cho người dân các huyện miền núi xứ Thanh, từ đó thúc đẩy ngành tre của tỉnh Thanh Hóa và ngành tre Việt Nam phát triển.
Ngoài ra, dự án của staBOO Thanh Hóa giúp đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế xanh của Việt Nam hướng đến Net Zero theo cam kết của Chính phủ Việt Nam đến năm 2050. Đồng thời, dự án sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư khi đây là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của một nhà đầu tư Thụy Sĩ sang Việt Nam trong ngành sản xuất nông nghiệp. Sự thành công của dự án sẽ giúp mở đường cho rất nhiều các dự án mới từ Thụy Sĩ và Châu Âu sang Việt Nam.
"Các thủ tục pháp lý, bồi thường giải phóng mặt bằng cơ bản đã được thực hiện xong. Dự kiến trong quý I/2025 chúng tôi sẽ khởi công, sớm đưa dự án vào hoạt động. Tuy nhiên, để thuận lợi hoạt động lâu dài, cũng như thể hiện sự ủng hộ đồng hành của tỉnh ở giai đoạn ban đầu còn nhiều khó khăn, với nhiều cơ sở phù hợp chúng tôi đã xin đề xuất với tỉnh Thanh Hóa về việc được hoạt động như một doanh nghiệp chế xuất hồi tháng 5/2024 nhưng đã bị từ chối.
Sau đó, chúng tôi đã liên hệ, xin ý kiến hướng dẫn từ các Bộ Kế hoạch đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Đại sứ quán Thụy Sĩ... Tới tháng 8 vừa qua, chúng tôi tiếp tục đề xuất để UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản trình Thủ tướng Chính Phủ xin cơ chế đặc biệt cho Công ty cổ phần staBOO Thanh Hóa trở thành doanh nghiệp chế xuất. Tuy nhiên, phía Sở Kế hoạch đầu tư cho rằng chúng tôi không đủ điều kiện theo quy định nên không đồng ý.
Trong khi doanh nghiệp chúng tôi rất muốn có một khu công nghiệp ở khu vực phía Tây Thanh Hóa phù hợp chế biến, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để các doanh nghiệp chúng tôi vào nhưng lại không có", ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần staBOO Thanh Hóa cho biết.
Vướng quy định, Thanh Hóa "lắc đầu"
Trong tháng 12/2024, Sở Kế hoạch đầu tư Thanh Hóa có văn bản trả lời đề xuất xin cơ chế đặc biệt cho phép Công ty cổ phần staBOO Thanh Hóa hoạt động như doanh nghiệp chế xuất. Trong đó, nêu ra các lý lẽ, quy định trước đề xuất cơ chế đặc biệt cho dự án staBOO Thanh Hóa của chủ đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, Công ty cổ phần staBOO Thanh Hóa được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước tại Quyết định số 1625/QĐ-UBND ngày 22/4/2024. Địa điểm đầu tư dự án trên không thuộc phạm vi khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc khu kinh tế, nên Công ty cổ phần staBOO Thanh Hóa không đảm bảo điều kiện để trở thành doanh nghiệp chế xuất theo quy định.
Tiếp theo, Công ty cổ phần staBOO Thanh Hóa hiện đang trong quá trình triển khai chưa đi vào hoạt động nên chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh (về doanh thu, lợi nhuận, tiền nộp ngân sách Nhà nước hằng năm, số lượng lao động sử dụng) từ dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần staBOO Thanh Hóa không cung cấp được các tài liệu liên quan đối với nội dung Công ty báo cáo: "Chính phủ cho cơ chế đặc thù để Công ty TNHH Nittoku Việt Nam trở thành doanh nghiệp chế xuất mặc dù không nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp hay khu kinh tế". Do đó, chưa có cơ sở thực tiễn để xem xét đối với trường hợp tương tự như báo cáo của Công ty.
Cũng theo phia Sở Kế hoạch đầu tư Thanh Hóa, trong trường hợp UBND tỉnh Thanh Hóa trình Chính phủ cho cơ chế đặc thù đối với riêng dự án trên của Công ty cổ phần staBOO Thanh Hóa sẽ dẫn đến tình trạng mất bình đẳng giữa các nhà đầu tư đã và đang thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, không đảm bảo chính sách về đầu tư kinh doanh được quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật Đầu tư năm 2020.
Trao đổi nhanh với Người Đưa Tin về dự án trọng điểm staBOO trên địa bàn huyện Bá Thước, ôngNgọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, hiện dự án đã hoàn thành cơ bản thủ tục pháp lý và công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị khởi công. Đồng thời, ông Hải cũng cho biết trên địa bàn huyện chưa có kế hoạch xây dựng, hình thành khu công nghiệp, hay khu chế xuất nào trong thời gian tới đây.
Liên quan dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa, ngày 14/5, trong buổi gặp gỡ giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và ngài Thomas Gass - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam, hai bên cũng đã có những trao đổi thể hiện quan tâm, thúc đẩy dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa.
Tại đây, tỉnh Thanh Hóa cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, trước mắt là trong việc thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống. Qua đó, tạo dựng niềm tin, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Thụy Sỹ và Việt Nam cũng như thu hút các nhà đầu tư của Thụy Sỹ đến với Thanh Hóa.
Ngài Đại sứ Thomas Gass tin tưởng với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ phía tỉnh Thanh Hóa, dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO sẽ thành công về mọi mặt, tạo nền tảng cho sự hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực khác.