Thanh Hóa hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân bền vững
Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) còn thấp, thiếu tính bền vững; một số cơ sở khám chữa bệnh thiếu thốn cả về nhân lực, trang thiết bị, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh; số tiền khám chữa bệnh BHYT không được chấp nhận quyết toán hằng năm còn nhiều... Đó là một số vấn đề được Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp khắc phục, hướng tới mục tiêu về bảo hiểm xã hội toàn dân bền vững.
Số người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng
BHYT mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội cần được triển khai sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHYT, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT luôn được đổi mới nội dung và đa dạng về hình thức, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về BHYT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023 cho thấy, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đều tăng qua các năm. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 91,95%. Một số địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt cao và ổn định như: Thọ Xuân, Thường Xuân, Bá Thước, Như Xuân… BHXH tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm nguồn kinh phí, thực hiện các quy trình, thủ tục trong việc đóng, hỗ trợ mức đóng cho cho các đối tượng theo quy định. Ngân sách tỉnh đã hỗ trợ đóng BHYT cho 70.270 người. Đáng chú ý, cơ quan BHXH đã thực hiện kịp thời, đúng quy định bảo đảm quyền lợi cho người tham gia khi đi khám chữa bệnh BHYT, hạn chế tình trạng trùng thẻ BHYT.
![Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thanh Hóa giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tại thành phố Sầm Sơn. Ảnh: Tô Hà](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_592_51463866/111e9470a43e4d60142f.jpg)
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thanh Hóa giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tại thành phố Sầm Sơn. Ảnh: Tô Hà
Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Tuấn Tưởng cho biết, cùng với đẩy nhanh tiến độ bao phủ BHYT, tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng phát triển mạng lưới các cơ sở y tế để bảo đảm việc khám chữa bệnh BHYT cho người dân. Tính đến ngày 31.12.2023, trên địa bàn tỉnh có 657 cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Tỉnh đã huy động trên 4.000 tỷ đồng đầu tư cho các cơ sở y tế công lập, trong đó có 7 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT ngoài công lập, giai đoạn 2021 - 2023, các doanh nghiệp đã xây dựng mới 4 bệnh viện tư nhân, trong đó 2 bệnh viện đa khoa và 2 bệnh viện chuyên khoa; bổ sung 212 giường nội trú; cấp phép mới 6 phòng khám đa khoa và 285 phòng khám chuyên khoa.
“Trong 3 năm từ 2021 - 2023, số lượng bệnh nhân đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để thực hiện khám chữa bệnh BHYT liên tục tăng. Điều này cho thấy chất lượng khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đang ngày càng được người dân tin tưởng, đánh giá cao” - ông Tưởng khẳng định.
Xem xét tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thanh Hóa chỉ ra, mặc dù số lượng người tham gia BHYT đang tăng qua các năm, song tỷ lệ còn thấp và chưa bền vững. Một số địa phương không hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT do UBND tỉnh giao, như các huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Nông Cống, Quảng Xương… Đặc biệt, việc phát triển đối tượng tham gia BHYT tại các huyện miền núi còn phụ thuộc nhiều vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Qua giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ ra tình trạng cơ sở vật chất tại một số cơ sở y tế khám chữa bệnh BHYT đã xuống cấp, ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh; tình trạng thiếu nguồn nhân lực, bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên sâu. Cá biệt có bệnh viện trong 3 năm không tuyển dụng được bác sĩ; các trạm y tế xã năng lực chuyên môn và kỹ thuật còn hạn chế, nhiều nơi không có bác sĩ nên không thu hút được người tham gia BHYT đến khám chữa bệnh. Thực trạng này cũng khiến cho tình trạng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên ngày càng tăng cao.
Để việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Tuấn Tưởng cho rằng, Trung ương cần xem xét ban hành chính sách phù hợp nhằm khuyến khích nhóm đối tượng hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT. Đồng thời, xem xét tăng mức hỗ trợ đóng BHYT của Nhà nước theo lộ trình đối với đối tượng học sinh, sinh viên; hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình (từ 30% tăng lên 50%); hộ cận nghèo và nghèo đa chiều là 100% để khuyến khích đối tượng tham gia, nhằm mục tiêu phấn đấu BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần có sự phối hợp chỉ đạo, có văn bản hướng dẫn hoặc điều chỉnh để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ở góc độ địa phương, ông Tưởng cho rằng, Sở Y tế tỉnh cần phối hợp với BHXH tỉnh thường xuyên tổ chức giao ban để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh, nhất là tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; hướng dẫn BHXH các huyện, thành phố và các cơ sở y tế khám chữa bệnh BHYT quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến điều trị, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, hạn chế tình trạng bội chi quỹ BHYT.