Thanh Hóa cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển
Những năm qua, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa luôn đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau trong giải quyết công việc. Với phương châm 'lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ', tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới.
Những chuyển biến tích cực
Thời gian qua, hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực như cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư uy tín, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Theo số liệu thống kê, năm 2024, Thanh Hóa có 3.683 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đứng thứ bảy cả nước (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hải Phòng), với tổng vốn điều lệ đạt 25.533 tỷ đồng. Đáng chú ý, vốn điều lệ bình quân đạt 6,93 tỷ đồng/doanh nghiệp, phản ánh nội lực tốt của các doanh nghiệp mới.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh (giữa) kiểm tra tình hình hoạt động và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong KCN Nghi Sơn.
Hiện toàn tỉnh có hơn 21.140 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp quan trọng vào ngân sách địa phương. Tổng thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp ước đạt 12.894,5 tỷ đồng, chiếm gần 38% tổng thu nội địa, đạt 138,6% dự toán và tăng 116,9% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 7.850 tỷ đồng, tăng 35,1%; doanh nghiệp trong nước đóng góp 3.441 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Về xuất khẩu, tỉnh có 304 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đến 68 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa, tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 6,3 tỷ USD. Các mặt hàng chủ lực bao gồm giày da, may mặc, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, hoa quả đóng hộp. Riêng năm 2024, có thêm 19 doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu, góp phần đa dạng hóa nguồn cung.
Riêng tháng 1/2025, toàn tỉnh có 138 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 2.145 tỷ đồng, tăng 162,4%; vốn điều lệ bình quân đạt 15,6 tỷ đồng/doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mới dự kiến tạo việc làm cho khoảng 825 lao động, tăng 8%.
Các doanh nghiệp thành lập mới thuộc 17 ngành, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy, giáo dục - đào tạo, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Những kết quả trên phản ánh sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền tỉnh Thanh Hóa đối với doanh nghiệp. Tỉnh luôn xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang (giữa) tại Hội nghị kết nối cung - cầu và trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn.
Năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành 137 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính, gồm 365 thủ tục mới, sửa đổi 701 thủ tục và bãi bỏ 331 thủ tục. Tất cả các thủ tục này đều được cập nhật, công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Các cấp, ngành tập trung triển khai quy định “4 tăng”, “2 giảm”, “3 không” trong giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 99,5%; 98% tổ chức, doanh nghiệp thực hiện khai và nộp thuế điện tử.
Tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổng công ty Dịch vụ viễn thông Viettel (Viettel telecom) hỗ trợ miễn phí chữ ký số năm đầu tiên cho gần 1.500 doanh nghiệp. Đồng thời, hơn 1.500 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển phát miễn phí kết quả đăng ký kinh doanh.
Về xúc tiến đầu tư, năm 2024, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh cũng duy trì quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

Một góc cảng Nghi Sơn.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối cung - cầu được triển khai mạnh mẽ. Hội nghị kết nối cung - cầu năm 2024 đã thu hút 200 doanh nghiệp trong tỉnh và 62 doanh nghiệp từ 29 tỉnh, thành tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn.
Trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Đồng thời tỉnh cũng siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các hành vi gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Những kết quả tích cực trong phát triển doanh nghiệp tại Thanh Hóa phản ánh sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ, cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực đã tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với quyết tâm cao, Thanh Hóa đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.