Thành công từ nuôi ong lấy mật
Với sự nhạy bén trong tư duy, cùng ý chí, nghị lực quyết tâm làm giàu, anh Đồng Thế Chắt ở xóm Lạc Song, xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình nuôi ong đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, anh Đồng Thế Chắt luôn trăn trở tìm hướng đi mới để cải thiện kinh tế gia đình. Nhận thấy lợi ích kinh tế từ việc nuôi ong trong khi địa phương có lợi thế về khí hậu, nhiều diện tích rừng, đất nông nghiệp, anh Chắt đã học hỏi kinh nghiệm và phát triển số lượng từ vài chục đàn ong giống chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình. Hiện vườn nhà anh đã có hơn 300 tổ ong mật. Năm 2020, anh Chắt đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) nuôi ong mật Lương Nha với 7 thành viên là những hộ nuôi ong trên địa bàn xã, nâng tổng số đàn ong của HTX lên trên 500 đàn.
Nuôi ong cũng không phải là nghề vất vả mà chỉ bận rộn với những kỹ thuật tỉ mỉ và yêu cầu sự cần cù, cộng với niềm đam mê. Người nuôi phải am hiểu tập tính của ong, biết rõ mùa nào hoa nở để di chuyển đàn ong đến chỗ có nguồn mật hoa dồi dào. Ngoài ra, muốn cho đàn ong phát triển mạnh, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật tách đàn, tạo ong chúa, lấy mật, khai thác sữa ong chúa và phấn hoa, đặc biệt là xử lý kịp thời hiện tượng ong bốc bay hoặc bệnh của ấu trùng. Đối với từng thời điểm, cần có biện pháp chống rét, chống nóng thích hợp cho đàn ong.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nuôi ong, anh Chắt chia sẻ: “Mô hình nuôi ong có chi phí đầu tư thấp, nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao và sự chăm sóc tỉ mẩn, nguồn thức ăn, điều kiện thời tiết, khí hậu đều ảnh hưởng tới sự phát triển của ong. Vì vậy, thời gian đầu, khi mới nuôi và nhân đàn ong tôi gặp không ít khó khăn về kỹ thuật. Tuy nhiên với quyết tâm gắn bó lâu dài với nghề nuôi ong, tôi đã tìm hiểu, học hỏi từ nhiều kênh thông tin và sưu tầm được những tài liệu kỹ thuật nuôi mới, dần dần trại nuôi ong của gia đinh tôi đã đi vào ổn định”.
Hằng năm, vụ Đông Xuân là thời điểm dưỡng ong, đến tháng 3 - 5 khi hoa nhãn bắt đầu nở rộ là thời điểm bắt đầu khai thác lấy mật nhãn. Vào thời điểm thu hoạch mật sẽ cho ra 10 - 15kg/đàn. Giá thành sản phẩm bán ra thị trường từ 100 - 150 nghìn/kg. Vào vụ Xuân Hè, đàn ong sẽ được di chuyển sang các địa phương có nguồn hoa phong phú hơn. Từ tháng 7 dương lịch, HTX lại chuyển ong về làm công tác dưỡng ong, nhân đàn, chuẩn bị cho vụ Đông Xuân.
Hiện nay HTX nuôi ong mật Lương Nha đang khai thác các sản phẩm chính là mật ong hoa tổng hợp, mật ong nhãn, mật ong rừng, mật ong táo và nhân đàn ong giống. Nếu vào mùa thuận lợi, việc khai thác mật ong, bán ong giống cho thu nhập từ 100 - 150 triệu/năm đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ là thanh niên nông thôn tiêu biểu thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi anh Đồng Thế Chắt luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động do địa phương tổ chức; nhiệt tình hướng dẫn cho các hộ dân khác kỹ thuật nuôi ong, giao lưu học hỏi giữa các hộ gia đình nuôi ong để học tập và trao đổi kinh nghiệm. Tích cực tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, dọn vệ sinh môi trường, tình nguyện vì an sinh xã hội, tham gia vận động đoàn viên trong chi đoàn không vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội.
Đồng chí Ngô Tuấn Khanh – Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nha cho biết: Đồng Thế Chắt là thanh niên năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Mô hình nuôi ong của Bí thư chi đoàn thanh niên khu Lạc Song là điểm đến tham quan, học hỏi của nhiều hội viên nông dân, đoàn viên, thanh niên trong xã. Với những tín hiệu đáng mừng từ mô hình nuôi ong lấy mật trên địa bàn đã tạo thêm động lực cho nhiều hộ dân chưa nhiều vốn đầu tư, mở ra triển vọng mới phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Với những nỗ lực không ngừng, Bí thư chi đoàn thanh niên khu Lạc Song đã được các cấp đoàn thể khen thưởng. Năm 2023 anh Chắt còn được nhận Giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua trên địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023.