Minh bạch thông tin: Trách nhiệm không của riêng cơ quan quản lý
Minh bạch thông tin là một tiêu chí quan trọng để nâng hạng thị trường chứng khoán theo tiêu chí của MSCI và FTSE. Do vậy, cần sự quyết liệt của cơ quan quản lý và sự tuân thủ, vượt lên trên tuân thủ của doanh nghiệp.
Cải thiện thêm việc công bố thông tin bằng Tiếng Anh
Theo bà Trần Thị Lan Anh - Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động từ năm 2000, đang trên con đường phát triển mạnh mẽ với mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025. Tuy nhiên, tính minh bạch trên thị trường vẫn còn nhiều thách thức và cần được cải thiện hơn nữa để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
So với trước đây, các quy định về công bố thông tin đã được cải thiện đáng kể do những nỗ lực của các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), các sở giao dịch chứng khoán... Các doanh nghiệp niêm yết buộc phải công bố báo cáo tài chính định kỳ, các thông tin quan trọng về hoạt động doanh nghiệp và các sự kiện bất thường có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, một số vấn đề về minh bạch thông tin vẫn tồn tại, đặc biệt khi so sánh với các thị trường phát triển hơn.
Bà Tạ Thanh Bình – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết, vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh có thể không “hot” như các tiêu chí khác trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi, song, đây là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để nâng cao chất lượng công bố thông tin, tính minh bạch cho thị trường chứng khoán. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rất quan tâm đến việc công bố thông tin bằng tiếng Anh của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán MSCI và FTSE, Việt Nam đã đạt được các tiêu chí về công bố thông tin và minh bạch, tuy nhiên vẫn cần cải thiện thêm về việc cập nhật thông tin bằng Tiếng Anh. Theo quy định hiện hành, ngôn ngữ công bố thông tin chính thức là tiếng Việt, trong khi công bố thông tin bằng tiếng Anh chỉ là điều kiện bắt buộc đối với Sở giao dịch chứng khoán, VSDC, còn các đối tượng khác được khuyến khích và chỉ dành cho mục đích tham khảo. Nghiên cứu thị trường của World Bank cho thấy chỉ khoảng 10% trang chủ của các công ty niêm yết công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh, đa phần các công ty này là công ty vốn hóa lớn.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC sửa đổi Điều 5 Thông tư số 96/2020/TT-BTC về ngôn ngữ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán với từng lộ trình cụ thể đối với các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng từ năm 2025 đến năm 2028. Các chuyên gia cho rằng, đây là một bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công bố thông tin, nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam và phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán, cũng như mong muốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cần sự nỗ lực hơn nữa của doanh nghiệp
Theo ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch UBCKNN, việc công bố thông tin và minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp là điều kiện then chốt để duy trì niềm tin trên thị trường, góp phần vào sự vận hành có hiệu quả của thị trường, công bằng và phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp.
“Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đã và đang tích cực đưa ra nhiều đề xuất chính sách để hoàn thiện các hành lang pháp lý, hướng tới nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động công bố thông tin của các doanh nghiệp”, ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, chỉ cơ quan quản lý nỗ lực thôi là không đủ. Việc công khai, minh bạch trong hoạt động công bố thông tin của các doanh nghiệp phụ thuộc chính vào sự tuân thủ của doanh nghiệp, từ đó, mới có thể cải thiện mức điểm số về quản trị công ty trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và trong mắt nhà đầu tư nước ngoài nói chung.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã bắt đầu có nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc minh bạch thông tin, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế so với các yêu cầu quốc tế. Vì vậy, các doanh nghiệp niêm yết cần phải chú ý làm tốt hơn nữa, chủ động hơn việc công bố thông tin song ngữ.
Theo kinh nghiệm từ các thị trường chứng khoán phát triển trong khu vực như Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc), việc công bố thông tin bằng tiếng Anh là bắt buộc và đây là yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn ngoại. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp niêm yết thực hiện công bố thông tin song ngữ sẽ rất có lợi trong việc thu hút đầu tư vào doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp niêm yết phải minh bạch hơn nữa trong việc công bố báo cáo tài chính. Mặc dù các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam buộc phải công bố báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, nhưng chất lượng báo cáo đôi khi chưa đạt chuẩn. Một số doanh nghiệp vẫn sử dụng các thủ thuật kế toán để “làm đẹp” số liệu, điều này ảnh hưởng lớn đến tính minh bạch của thông tin, cũng như uy tín của doanh nghiệp với các nhà đầu tư.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao tính minh bạch và hợp lý trong quản trị công ty. Tính minh bạch trong quản trị công ty bao gồm việc công khai thông tin về các quyết định quan trọng của hội đồng quản trị, giao dịch của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ, mức thù lao của ban lãnh đạo. Nếu thông tin quản trị công ty hoặc chưa giải thích rõ ràng và hợp lý, doanh nghiệp sẽ mất uy tín trong mắt các nhà đầu tư.
Theo đó, lãnh đạo UBCKNN đề nghị, các sở giao dịch chứng khoán, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý tăng cường hợp tác tuyên truyền, phổ biến tổ chức các khóa đào tạo cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao cao tính minh bạch và chất lượng công bố thông tin.
Về phía doanh nghiệp cũng cần nhận thức rằng, công bố thông tin và minh bạch, thực hành quản trị công ty tốt không chỉ là nghĩa vụ trách nhiệm mà điều này đồng thời mang lại cơ hội cho doanh nghiệp gia tăng giá trị và huy động vốn tốt hơn với chi phí thấp.