Thành cổ Luy Lâu: Trung tâm đúc trống đồng lớn nhất Việt Nam
Theo tư liệu lịch sử, Luy Lâu là tòa thành cổ bên sông Dâu, vốn là trị sở của quận Giao Chỉ và thủ phủ của cả Giao Châu.
Sau nhiều phát lộ từ các cuộc khai quật và thực hiện nghiên cứu phục dựng, giới khoa học xác định thành cổ Luy Lâu từng là trung tâm đúc trống đồng lớn nhất Việt Nam.
Phát hiện hàng nghìn mảnh khuôn đúc trống
Tại Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích thành cổ Luy Lâu, diễn ra vào ngày 20/12 tại Thuận Thành (Bắc Ninh), giới khảo cổ khiến nhiều người sửng sốt bởi các phát hiện về xưởng luyện kim đúc trống đồng.
Theo TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, từ tháng 10 - 12/2024, các chuyên gia đã phối hợp với Sở VH-TT&DL Bắc Ninh tổ chức cuộc khai quật lần thứ 8, thu được những kết quả đáng mừng.
“Từ những kết quả nghiên cứu mới, mong muốn ngành văn hóa Bắc Ninh sớm đề xuất tổ chức hội thảo quốc tế đánh giá lại giá trị của di tích thành cổ Luy Lâu”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Theo tư liệu lịch sử, Luy Lâu là tòa thành cổ bên sông Dâu, vốn là trị sở của quận Giao Chỉ và thủ phủ của cả Giao Châu. Đây là đô thị lớn vào loại bậc nhất ở miền Bắc Việt Nam, có số lượng và loại hình di tích, di vật phong phú và đa dạng với các khu di tích khác trong giai đoạn lịch sử 10 thế kỷ đầu Công nguyên.
Năm 1998, TS Nishimura Masanari (Nhật Bản) đã phát hiện 1 mảnh khuôn đúc trống đồng đầu tiên trong khu vực thành Nội. Phát hiện này hé mở cho giới nghiên cứu khảo cổ học hy vọng sẽ tìm thấy các dấu tích của một trung tâm đúc trống đồng ngay trong lòng thành cổ Luy Lâu.
Trong hai đợt khai quật năm 2014 và 2015, giới khảo cổ phát hiện hàng trăm mảnh khuôn đúc trống đồng nằm nguyên vị (in situ) trong tầng văn hóa. Phát hiện này đã cung cấp bằng chứng thuyết phục cho thấy trống Đông Sơn được đúc ở ngay trung châu Bắc Bộ và mở ra cơ hội để tìm hiểu một cách thấu đáo về quy trình đúc trống của người Việt cổ.
TS Trương Đắc Chiến, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị sưu tập khuôn đúc trống đồng phát hiện tại thành cổ Luy Lâu” cho hay, đến nay, với hàng nghìn mảnh khuôn đúc trống được phát hiện, cho thấy thành Luy Lâu là nơi duy nhất trên thế giới phát hiện được số lượng lớn các mảnh khuôn đúc trống đồng.
Tháng 11/2023, nhóm nghiên cứu đã công bố giới thiệu gần 90 hiện vật đặc sắc của văn hóa Đông Sơn mới được sưu tầm. Đồng thời tiến hành thành công việc phục dựng trống đồng, đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trong lịch sử khảo cổ Việt Nam sau 4 lần phục dựng thất bại.
Trước đây giới nghiên cứu thiên về phán đoán khuôn trống đồng đặt ngửa để rót đồng; đậu rót được bố trí mở phần chân trống. Tuy nhiên sau những nghiên cứu, tính toán, các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhận định vị trí đặt đậu rót chính ở giữa ngôi sao của trung tâm trống. Sau khi phục dựng, trống đồng cơ bản đạt các yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật, từ độ dày cho tới trọng lượng, hoa văn họa tiết trang trí cũng như biên độ âm vang.
Khẳng định giá trị thành cổ Luy Lâu
Tuy phục dựng thành công nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, và cuộc khai quật lần thứ 8 đã đem lại những kết quả có thể đi đến khẳng định thành cổ Luy Lâu từng là trung tâm đúc trống đồng lớn nhất Việt Nam.
Cuộc khai quật lần thứ 8 được thực hiện nhằm tìm hiểu sâu hơn về sự phân bố của công xưởng luyện kim cũng như các vấn đề liên quan đến hoạt động đúc trống đồng. Diện tích hố khai quật gần 60m2, độ sâu trung bình trên 1,4m bao gồm 5 lớp chính với các giai đoạn lịch sử từ thời Lục Triều (thế kỷ 3 - 6) đến đầu thời Nguyễn (thế kỷ 19).
Trong hố khai quật xuất lộ các vết tích nền đất đắp vào thế kỷ 3 - 6, giếng đất thời Trần (thế kỷ 13 - 14) và đặc biệt là dấu vết của xưởng luyện kim, đúc trống đồng. Qua vết tích, giới nghiên cứu xác định đây là bãi thải của xưởng luyện kim đúc trống đồng, các mảnh khuôn đúc trống đồng, mảnh nồi nấu đồng, mảnh ghi lò, xỉ đồng, xỉ sắt, chân kê, nắp lò...
Các hiện vật phân bố dày đặc lẫn với các mảnh đồ đất nung, gốm, mảnh vật liệu kiến trúc thời Lục Triều. Đồng thời cũng xuất lộ đống đất màu vàng sáng, kích thước 1,5m x 2m, dày 20cm, nghi vấn là đất nguyên liệu đã được pha trộn dùng để tạo khuôn và đắp lò.
Di vật thu được trong lần khai quật này gồm các loại vật liệu xây dựng, đồ gốm đất nung, sành, gốm men thuộc giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên, thời Lý, Trần, Lê trung hưng và Nguyễn và một số mảnh sứ thời Nguyên (Trung Quốc).
Đồ đá gồm phần lớn là đá mài. Đồ kim loại có một số đinh rèn (đinh thuyền). Đáng chú ý có một con dao gấp cán đồng, đúc nổi 2 võ sĩ phương Tây trong tư thế chiến đấu. Đặc biệt, cuộc khai quật này cũng tìm thấy một hiện vật nhỏ làm bằng kim loại màu vàng, tạo dáng như chiếc mũ có chóp hình cầu, vành rộng, đỉnh chóp có đục lỗ nằm lẫn trong lớp mảnh khuôn đúc. Trong hố khai quật còn tìm thấy rất nhiều cục xỉ sắt.
Các hiện vật liên quan đến luyện kim, đúc trống đồng gồm trên 2.300 mảnh khuôn đúc (gồm cả khuôn trong và khuôn ngoài), với đầy đủ các vị trí mặt, tang, thân và chân trống. Các mảnh khuôn ngoài với hoa văn đặc trưng trên trống đồng như: Vạch ngắn song song, văn bông lúa, vòng tròn đồng tâm, vòng tròn tiếp tuyến, người hóa trang lông chim, văn hình trâm hai đầu, hình chim lạc, và tia mặt trời...
Bên cạnh đó là các mảnh nồi nấu đồng, mảnh nắp lò, muôi múc, mảnh ghi lò, xỉ lò, xỉ đồng, chân kê nồi nấu đồng. Đặc biệt, giới khảo cổ cũng tìm thấy một mảnh khuôn ngoài của mặt trống đồng có thể hiện các họa tiết trang trí từ tâm trống ra vành ngoài. Những phát hiện này là căn cứ để kết luận, thành cổ Luy Lâu vào giai đoạn Lục Triều (thế kỷ 3 - 6) từng là một trung tâm luyện kim, đúc trống đồng lớn nhất Việt Nam.
Giới nghiên cứu cũng khẳng định sự tồn tại của giai đoạn lịch sử thời Trần tại Luy Lâu phù hợp với những ghi chép trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”. Đồng thời, các hiện vật cũng như mảnh khuôn đúc lớn nhất tìm được đã chứng minh một trung tâm đúc đồng lớn ở Luy Lâu. Đó là những cơ sở quan trọng để xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích thành cổ Luy Lâu.