Tháng Tư trong miền nhớ
Tôi sinh ra và lớn lên tại một xóm nhỏ ở vùng đất Nam Tây Nguyên, tỉnh Tuyên Đức - Lâm Đồng. Thế nên, mãi đến năm mười tuổi, tức vào tháng Tư năm 1975, khi đất nước được thống nhất, tôi mới được nhìn thấy lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nửa đỏ nửa xanh, có ngôi sao vàng ở giữa. Kể từ tháng Tư lịch sử ấy, tôi bắt đầu biết về cách mạng.

Ảnh: Minh họa
“Cách mạng” trong cảm nghĩ của tôi lúc đó thật ấn tượng. Người lớn giải thích cho tôi, nửa đỏ trong lá cờ thiêng liêng đó tượng trưng cho miền Bắc đã được độc lập; còn nửa lá cờ màu xanh là tượng trưng cho miền Nam đang trong vùng địch tạm chiếm; ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho năm tầng lớp: sĩ, nông, công, thương, binh với tinh thần đoàn kết trong chiến đấu để bảo vệ đất nước. Từ lúc có lá cờ cách mạng treo trên mái nhà, đêm đêm, tôi không còn phải giật mình khi nghe tiếng súng nổ, không phải chạy xuống hầm trú ẩn mỗi khi bị pháo kích nữa. Cái xóm nhỏ ven núi của tôi từ đó đã có giấc ngủ bình yên. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, dù năm học 1974 - 1975 vẫn còn đang dở dang nhưng bọn trẻ con chúng tôi chưa trở lại trường ngay. Tối đến, trong thôn, trong xóm thường có sinh hoạt tập thể, người lớn thì học tập để hiểu biết về cách mạng, còn thiếu nhi thì sinh hoạt văn nghệ theo từng xóm. Ở xóm 1, có cái sân nhà ông Lâm Quang Lạc rất rộng, mấy chục bạn thiếu nhi chúng tôi tập trung hết về đó. Nhớ lắm những đêm múa hát rộn ràng và bao giờ cũng có ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bọn trẻ con chúng tôi vui chơi đến đến khuya mới kéo nhau về nhà ngủ. Cách mạng trong cảm nghĩ của tôi, vì thế không có đáng sợ như trước đó tôi đã từng nghe.
Thời ấy, rất ít nhà có tivi, máy casesstte cũng hiếm. Trong ký ức của tôi còn in đậm nét, cứ vào 5 giờ sáng và 6 giờ chiều, loa phát thanh được đặt trên những cây cột cao ở con đường chính của thôn, đầu vào mỗi xóm (thôn An Hiệp chỗ tôi ở, đường đi được thiết kế theo kiểu bàn cờ). Tôi yêu vô cùng giọng nói ngọt ngào, truyền cảm của nữ phát thanh viên - Nghệ sĩ Nhân dân Tuyết Mai: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”. Ngoài phần tin tức thời sự, người dân còn được nghe những thông tin về khoa học, về cách tăng năng suất cây trồng, nghe đọc truyện,… Tôi rất thích nghe những ca khúc cách mạng như “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục), “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (Xuân Hồng), “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long” (Huỳnh Thơ), “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp)… Thực ra, khi ấy tôi cũng không nhớ tên các nhạc sĩ, tôi chỉ cảm nhận giai điệu và ca từ mà như được truyền lửa từ những bài hát ấy. Cách mạng trong suy nghĩ của tôi là hình ảnh các anh bộ đội thật hào hùng hành quân ra trận; là Nhân dân cả nước, trong đó có cả đồng bào các dân tộc thiểu số anh em đã đóng góp máu xương, công sức vào cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Vào thời niên thiếu, tôi chưa đủ hình dung những khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát mà quân dân ta đã phải trải qua để có được Đại thắng mùa Xuân 1975…
Tôi dần hiểu thêm về cách mạng từ những bài học ở trường. Tôi cảm phục anh Kim Đồng, anh Lượm làm liên lạc khi tuổi đời hãy còn rất nhỏ; chị Võ Thị Sáu - nữ liệt sĩ anh hùng vùng đất Đỏ. Tôi đọc truyện “Sống như Anh” của Trần Đình Vân mà cứ nao lòng, tiếc thương người thợ điện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và hiểu rằng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì đại nghĩa thống nhất giang sơn, rất nhiều người đã hy sinh cả tuổi trẻ, tình yêu hạnh phúc gia đình và mạng sống. Đọc truyện “Quê nội” của nhà văn Võ Quảng để rồi tâm hồn tôi - một nữ sinh lớp sáu rung ngân bao cảm xúc về tình yêu quê hương.
Quê hương trong trái tim tôi có những đàn cò sải cánh trên đồng lúa Đức Trọng xanh mướt; có âm thanh thác nước Liên Khương đêm ngày ầm ào bờ đá. Quê hương trong tôi có bóng dáng cha mẹ lam lũ trên đồng với tấm áo thấm đậm mồ hôi dưới cái nắng gắt của xứ cao nguyên những buổi trưa chiều. Tôi thương lắm ngôi trường nhỏ của làng gộp cả cấp tiểu học và trung học cơ sở mà chỉ có 8 phòng học. Thế nên nhà trường phải tận dụng phòng hội trường của thôn cho hai lớp xoay lưng lại với nhau để học mà không có vách ngăn ở giữa… Từ tháng Tư năm 1975, quê hương trong tôi còn có những buổi phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, của chương trình quân đội, của Đài Phát thanh tỉnh Lâm Đồng lúc sớm lúc chiều trên cột loa đầu thôn. Âm thanh ấy vang vọng trên đường quê, trên những nương rẫy để mùa màng bội thu, dưới đêm trăng khi lứa đôi hò hẹn trong thoang thoảng hương của hoa cà phê nở trắng núi đồi.
Nhờ có tháng Tư lịch sử mà những người dân quê tôi có đời sống tinh thần thêm phần phong phú. Có một thời, đội chiếu bóng lưu động của huyện thường về chiếu phim ở sân trường học. Mỗi tháng các anh trong đội chiếu bóng về năm, bảy lần. Những hôm ấy, từ buổi chiều, người dân trong thôn chúng tôi đã rộn ràng, mọi người rủ nhau cơm nước cho sớm đặng đi xem chiếu bóng. Sân trường hôm nào cũng chật người. Bọn trẻ con chúng tôi vừa xem phim vừa nghịch ngợm, thật vui. Cũng nhờ những buổi chiếu phim lưu động ấy mà tôi biết rất nhiều về cuộc chiến đấu đau thương nhưng anh dũng của dân tộc ta, hiểu tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình độc lập của người dân Việt Nam. Thời thơ ấu ấy, tôi đã được xem những bộ phim Liên Xô thời Chiến tranh vệ quốc như “Khi đàn sếu bay qua”, “Và nơi đây bình minh yên tĩnh”, “Bài ca người lính” hay “Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc”… Qua những bô phim kinh điển ấy, lũ trẻ chúng tôi hiểu rõ tội ác tày trời của bọn phát xít Đức để mà căm thù cái ác và thấy, để thấy có được cuộc sống bình yên, nhân loại đã phải trả giá bằng bao nhiêu máu và nước mắt.
Theo năm tháng, tôi trở thành cô giáo dạy bộ môn Ngữ văn; những ký ức đẹp về tháng Tư lịch sử nơi cái làng nhỏ ven núi đã giúp tôi say sưa hơn với những bài giảng của mình. Thiết nghĩ, tình yêu quê hương không tự nhiên mà có, hơn nữa, tình cảm thiêng liêng ấy sẽ làm tâm hồn con người lớn lên và thấy cuộc đời thật là đáng sống. Ở thời điểm cả dân tộc ta đang náo nức kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, hồi ức về tháng Tư lịch sử, trong lòng tôi lại dậy lên bao cảm xúc. Xin cảm ơn vì lịch sử dân tộc ta đã cho chúng ta một tháng Tư năm 1975 để lá cờ Tổ quốc hòa sắc một màu đỏ thắm! Đang được sống trong một đất nước bình yên, hạnh phúc, nhưng từ trong tâm thức, chúng ta không khỏi nghẹn lòng khi nghĩ về sự hy sinh vô bờ bến của bao thế hệ người Việt chúng ta để giành lại độc lập, tự do, để xây dựng những giá trị quý báu cho cuộc sống hôm nay…