Tháng Tết: CPI tăng gần 1% do nhu cầu mua sắm cao
Tháng Tết, nhu cầu đi lại và mua sắm của người dân tăng cao đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng gần 1% so với tháng trước. Cung cầu, giá cả hàng hóa ổn định trong dịp Tết, không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê chính thức công bố, CPI tháng 1/2025 đã tăng 0,98% so với tháng trước. Đây là mức tăng khá cao so với mức tăng hàng tháng của chỉ số CPI, nhưng lại là xu hướng chung vào các tháng Tết.
Việc một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cũng như việc giá dịch vụ giao thông, thực phẩm tăng do nhu cầu đi lại và mua sắm của người dân tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 1 tăng xấp xỉ 1%.
Tuy nhiên, trong tháng Tết, cung cầu, giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để thu lợi bất chính. Có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất, với mức tăng lên tới 9,43% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,51 điểm phần trăm. Nhóm giao thông tăng 0,95%, một phần do nhu cầu đi lại trong dịp Tết tăng cao.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,74%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,69%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,51%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,38%.
Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng còn lại bao gồm nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 0,35%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,31%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,27%).
Ngược lại, có hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, bao gồm nhóm giáo dục (giảm nhẹ 0,04%) và nhóm bưu chính, viễn thông (giảm 0,12%).
Dự báo về thời gian tới, Tổng cục Thống kê cho rằng, áp lực lạm phát toàn cầu tuy được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong bối cảnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô trong nước cũng tiềm ẩn những rủi ro.
Cụ thể, sức ép điều hành về tỷ giá, lãi suất, lạm phát còn lớn, nhất là trước những tác động bất lợi từ bên ngoài. Do đó, cần theo dõi sát để có giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.