Rung lắc xuất hiện, cầu bắt đáy hoạt động tích cực
Thị trường chao đảo rõ hơn trong phiên chiều nay, có lúc VN-Index bị ép nhúng xuống vùng đỏ. Sức ép từ bên bán có lúc khiến đà giảm giá vượt trội, nhưng sau đó dòng tiền bắt đáy vẫn kéo hồi thành công. Tuy vậy thanh khoản khá hạn chế cho thấy chưa có dòng tiền lớn xuất hiện rõ rệt...
Thị trường chao đảo rõ hơn trong phiên chiều nay, có lúc VN-Index bị ép nhúng xuống vùng đỏ. Sức ép từ bên bán có lúc khiến đà giảm giá vượt trội, nhưng sau đó dòng tiền bắt đáy vẫn kéo hồi thành công. Tuy vậy thanh khoản khá hạn chế cho thấy chưa có dòng tiền lớn xuất hiện rõ rệt.
Phiên chiều thanh khoản thậm chí còn yếu đi khá nhiều: Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn giảm tới 21% so với phiên sáng, chỉ còn 5.586 tỷ đồng dù biến động giá mạnh hơn. Giao dịch rổ VN30 trên sàn HoSE giảm gần 41%, đạt 1.983 tỷ đồng. Mức thanh khoản này đã là nhờ một nhịp ép giá xuất hiện.
Trong khoảng 40 phút đầu tiên của phiên chiều, thị trường xuất hiện một đợt giảm giá mới. Chốt phiên sáng độ rộng VN-Index ghi nhận 198 mã tăng/221 mã giảm. Khi chỉ số tạo đáy chỉ còn 162 mã tăng/276 mã giảm. Khá may mắn là nhóm VN30 không gây áp lực quá nhiều, chỉ số của rổ này thậm chí còn không đỏ trong khi VN-Index tại đáy mất 1,33 điểm. Biên độ cũng như thay đổi độ rộng cho thấy nhịp trượt này mang tính chất của nhịp rung lắc hơn là giảm thực sự.
Thanh khoản khá thấp cũng ủng hộ khả năng này vì nếu xuất hiện một đợt bán mạnh, thanh khoản thường tăng cao. Chiều nay thanh khoản lại giảm và giao dịch ở nhịp chỉ số trượt xuống dưới tham chiếu cũng không lớn. Chỉ một vài cổ phiếu vốn hóa lớn bị ép giá khiến VN-Index suy yếu như HPG, FPT, GAS. Tuy nhiên nhóm cổ phiếu ngân hàng trụ lại khá ổn định, giúp VN30-Index không bị tổn hại nhiều.
Giao dịch chậm và thanh khoản thấp của rổ VN30 một mặt thể hiện nhu cầu bán ra ở nhóm blue-chips không cao. Thực tế các cổ phiếu lớn cũng tăng khá hạn chế ở nhịp này, thua xa các mã vừa và nhỏ. Ngược lại, giao dịch chậm cũng chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng của dòng tiền lớn. Thanh khoản rổ VN30 hôm nay tuy tăng 8,5% so với hôm qua nhưng 57,4% là giao dịch ở 14 cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, nhóm ngân hàng trong rổ tăng giao dịch 1.037 tỷ đồng so với phiên trước trong khi cả rổ VN30 chỉ tăng 419 tỷ đồng.
Loạt cổ phiếu ngân hàng mạnh mẽ nhất phiên này là TCB, HDB và LPB. TCB chiều nay đã hạ độ cao khoảng 0,4% so với giá chốt buổi sáng nhưng đóng cửa vẫn tăng 2,02%. Cổ phiếu này xác lập kỷ lục 4 tháng về thanh khoản với 37,58 triệu cổ phiếu tương đương 949,8 tỷ đồng. TCB giúp VN-Index có được hơn 0,8 điểm và ở VN30-Index là 2,12 điểm. HDB lại cải thiện giá buổi chiều, tăng thêm 0,22% so với phiên sáng và chốt trên tham chiếu 1,55%, thanh khoản cao gấp đôi hôm qua với 294 tỷ đồng. LPB có đỉnh cao lịch sử mới phiên này khi tăng 1,67% lên 36.500 đồng/cp. Sự trở lại của cổ phiếu ngân hàng đang giúp chỉ số VN30-Index có sức mạnh rõ rệt so với VN-Index.
Phần còn lại của thị trường chiều nay phân hóa về sức mạnh rõ rệt. HoSE tại đáy chỉ số có 162 mã tăng/276 mã giảm và đóng cửa là 206 mã tăng/233 mã giảm. Trong vài chục cổ phiếu đảo chiều thành công thì thanh khoản khác biệt rất lớn. Nhóm vốn hóa nhỏ thanh khoản trung bình tới thấp đạt biên độ tăng tốt hơn. Thậm chí HoSE có tới 12 cổ phiếu đóng cửa giá kịch trần. PAC, TCL, APG, CSM, BMC là những đại diện có thanh khoản tương đối tốt.
Toàn sàn HoSE chốt phiên có 74 cổ phiếu tăng từ 1% trở lên, thậm chí còn tốt hơn buổi sáng (40 mã). Phiên sáng cũng chỉ có 4 mã tăng kịch trần. Điều này xuất hiện cùng với một nhịp rung lắc ở chỉ số cho thấy các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn đề kháng tốt. Dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực ở nhóm vừa và nhỏ không chỉ kéo hồi mà còn đẩy giá lên cao hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài buổi chiều giảm bán gần một phần ba so với phiên sáng, còn 688,5 tỷ đồng. Mức bán ròng co lại còn -75,9 tỷ trong khi buổi sáng bán ròng 269 tỷ. Vẫn là các đại diện từ sáng như VNM, FRT, MWG, VIX… bị bán nhiều. Phía mua có CTG +62,1 tỷ, PC1 +46,1 tỷ, PDR +29 tỷ, GEX +25,3 tỷ, VIC +22,6 tỷ, VCB +22,4 tỷ.