Thăng Long - Hà Nội, nghìn năm khát vọng hòa bình

Thăng Long - Hà Nội, đất địa linh nhân kiệt, hội tụ tinh hoa dân tộc. Trong ngàn năm lịch sử, các thế hệ cư dân nơi đây luôn có lòng yêu chuộng hòa bình, khát khao một 'Thăng Long phi chiến địa', nhưng cũng sẵn sàng, quyết tâm chiến đấu để bảo vệ nền hòa bình, độc lập của dân tộc.

Nằm ở khu vực đồng bằng sông Hồng trù phú, Hà Nội đã sớm trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước. Năm 1010, đức Thái tổ Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của nhà Lý đã quyết định xây dựng kinh đô ở vùng đất “rồng cuộn, hổ ngồi” này với cái tên “Thăng Long”.

Qua các triều đại Lý, Trần, Lê, kinh đô Thăng Long liên tục được mở mang, phát triển, là nơi giao thương sầm uất. Sau khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế, Thăng Long mang tên Hà Nội. Thời kỳ thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã khởi nghĩa giành chính quyền. Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, tài chính, đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

 Công viên Hòa Bình là một trong những biểu tượng khát vọng hòa bình của Thủ đô Hà Nội

Công viên Hòa Bình là một trong những biểu tượng khát vọng hòa bình của Thủ đô Hà Nội

Có một điều đặc biệt là trong suốt chiều dài lịch sử gần 1.000 năm giữ vai trò kinh đô/ thủ đô, Thăng Long - Hà Nội luôn đan xen chiến tranh và hòa bình, chiến đấu và xây dựng.

Trước thế giặc mạnh, đã có ba lần các triều đình phong kiến trước đây tạm thời rút khỏi kinh đô để rồi sau đó lại ca khúc khải hoàn, trở về giải phóng kinh đô. Lần thứ nhất là trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ năm 1558. Ba vạn quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy ồ ạt kéo vào Đại Việt. Trước thế giặc mạnh, vua tôi nhà Trần đã rút khỏi kinh thành Thăng Long, thực hiện kế “vườn không nhà trống” làm suy yếu giặc, để rồi nửa tháng sau, dưới sự chỉ huy của vua Trần Thái Tông và Thái tử Trần Hoảng (tức vua Trần Thánh Tông), quân ta đã dùng thuyền đánh một trận tập kích lớn mang tính quyết định vào Đông Bộ Đầu (nay là dốc Hàng Than), khiến quân giặc tan rã, phải tháo chạy về nước. Sau này, vua Trần Nhân Tông trong một lần thăm lăng mộ Trần Thái Tông (ông nội) đã cảm khái làm bài thơ “Xuân nhật yết Chiêu Lăng” (Ngày xuân thăm Chiêu lăng):

“Tì hổ thiên môn túc,

Y quan thất phẩm thông.

Bạch đầu quân sĩ tại,

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”

(Nghìn cửa, nghiêm từ hổ

Bảy phẩm, đủ cân đai

Lính bạc đầu còn đó

Chuyện Nguyên Phong kể hoài)

Hai mươi bảy năm sau, Hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt sau khi lên ngôi đã cử hàng chục vạn quân xâm lăng Đại Việt để “rửa hận”. Chúng tiến vào nước ta theo thế gọng kìm, quân bộ từ phía Bắc tiến xuống, còn thủy quân từ Chiêm Thành theo đường biển đánh lên. Một lần nữa nhà Trần đã dùng kế “thanh dã”, rút quân khỏi Thăng Long về vùng Thiên Trường (Nam Định) và Trường Yên (Ninh Bình) dưới sự truy kích ráo riết của kẻ địch. Đợi khi quân Nguyên gặp khó khăn về cung ứng lương thực, mệt mỏi, suy giảm nhuệ khí thì quân ta nhanh chóng chấn chỉnh đội ngũ rồi tiến hành phản công. Ngày 6 tháng Sáu năm Ất Dậu (9-7-1285), sau khi quân ta đánh thắng các trận Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên), Chương Dương (Thường Tín, Hà Nội), vua Trần Nhân Tông trở về kinh thành Thăng Long trong tiếng reo vui của muôn dân và cờ xí rợp trời. Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải phò giá vua trở về đã làm bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” (Phò giá về kinh) với lời lẽ đầy hào sảng:

“Đoạt sáo Chương Dương độ,

Cầm Hồ Hàm Tử quan

Thái bình tu nỗ lực,

Vạn cổ thử giang san”

(Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu)

Lần thứ ba là cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, kết thúc bằng chiến thắng trên sông Bạch Đằng do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy. Ngày 28-4-1288 (tức 27 tháng Ba âm lịch), nhà Trần lại kéo quân trở về kinh đô Thăng Long, và vua Trần Nhân Tông đã có hai câu thơ:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu”

(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng)

Năm 1946, trước âm mưu trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp, Chính phủ và Bác Hồ đã tạm xa Hà Nội để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 10-10-1954, bộ đội ta trở về tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa rực rỡ và niềm hân hoan chào đón của hàng chục vạn người dân. Nhà thơ Tạ Hữu Yên đã viết trong bài thơ “Cảm xúc tháng Mười”:

“Tháng Mười - ấy là khúc ca say

Khúc ca chở những chiến công đầy

Ôi, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội

Nghìn năm vẫn một trái tim này”

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc, cha ông ta cũng đã ba lần đánh chiếm lại kinh thành Thăng Long từ tay kẻ thù xâm lược. Thế kỷ XV, Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) đã đem quân vây hãm thành Đông Quan (Thăng Long), buộc giặc Minh phải đầu hàng (năm 1428). Nguyễn Trãi đã viết trong “Bình Ngô đại cáo”:

“Xã tắc từ đây vững bền

Giang sơn từ đây đổi mới

Càn khôn bĩ rồi lại thái

Nhật nguyệt hối rồi lại minh

Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu

Muôn thuở nền thái bình vững chắc”

Ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (năm 1789), vua Quang Trung thần tốc kéo quân ra Bắc để đại phá quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long. Thi sĩ Ngô Ngọc Du đã có những câu thơ xúc động trong bài “Long thành quang phục kỷ thực” (“Ghi chép việc khôi phục thành Thăng Long”):

“Tam quân ngũ quán chỉnh đội tiến

Bách tính tước dược già đạo nghênh

Vân vũ bạt khai thiên nhật

Mãn thành lão thiếu câu hoan nhan

Ma kiên bả tý quân tương ngữ:

Cố đô hoàn thị ngã hà san”

(Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến

Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh

Mây tạnh mù tan trời lại sáng

Đầy thành già trẻ mặt như hoa

Chen vai thích cánh cùng nhau nói:

Cố đô vẫn thuộc núi sông ta)

Trong 12 ngày đêm tháng 12-1972, đế quốc Mỹ dùng máy bay B-52 ném bom hủy diệt Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc hòng đưa chúng ta “trở về thời kỳ đồ đá”. Thủ đô Hà Nội đã cùng quân dân miền Bắc chiến đấu anh dũng, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay chiến lược B-52, làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” khiến chúng phải ký Hiệp định Paris và rút quân khỏi Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa” như sau:

“Chúng muốn đốt ta thành tro bụi

Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm

Chúng muốn ta bán mình ô nhục

Ta làm sen thơm ngát giữa đầm”

Lịch sử còn chứng minh, người Việt Nam có truyền thống nhân nghĩa, luôn “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn”, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, mà truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Rùa Vàng tại hồ Hoàn Kiếm, hay chính Lê Lợi khi tướng giặc Vương Thông đầu hàng đã cấp cho 500 chiến thuyền và hàng ngàn con ngựa cùng lương thảo để quan quân nhà Minh rút về nước là những ví dụ điển hình. Tương tự, sau chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa, vua Quang Trung đã truyền lệnh gom xác quân Thanh chôn cất tử tế, cho xây chùa để hương khói cho những oan hồn. Trong thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta đã đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược nhưng cũng tận tình giúp đỡ họ khắc phục hậu quả chiến tranh với mong muốn khép lại quá khứ, làm bạn với tất cả các nước. Đó chính là biểu hiện của lòng nhân nghĩa, tình yêu hòa bình, là một nét đẹp văn hóa trong ứng xử ngoại giao của người Việt.

Sau mỗi cuộc chiến tranh vệ quốc, người Việt Nam lại chung tay xây dựng lại Thủ đô và đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Điều này được thể hiện rõ qua những thành tựu của công cuộc đổi mới hiện nay, đặc biệt là từ khi Hà Nội được phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố vì Hòa bình”.

PV

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/thang-long-ha-noi-nghin-nam-khat-vong-hoa-binh-453378.html
Zalo