'Thắng giặc nghèo' không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.

Bài 1: Hướng đến giảm nghèo bền vững

Nhiều chủ trương, chỉ đạo cùng cách làm sáng tạo từ các mô hình của nông dân, phụ nữ giúp những dự án, tiểu dự án giảm nghèo bền vững không còn là lý thuyết suông. Từ đó, tinh thần, ý chí của người dân trong công cuộc giảm nghèo ngày càng được nâng lên.

Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm

Ðể triển khai thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành 13 quyết định, 13 kế hoạch; trình HÐND tỉnh ban hành 16 nghị quyết và nhiều văn bản để cụ thể hóa, triển khai đầy đủ, đồng bộ các chính sách giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) trên địa bàn tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai các nội dung liên quan đến công tác giảm nghèo. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai công tác giảm nghèo phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương.

Công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện toàn diện, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tư duy năng động, sáng tạo. Các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp giảm nghèo được đưa vào nghị quyết của cấp ủy đảng, HÐND và kế hoạch của UBND các cấp. Cấp tỉnh, huyện quan tâm củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (Ban chỉ đạo), ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên. Các địa phương chủ động, quyết liệt, tập trung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chương trình đề ra. Một số đơn vị đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực hiện dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình.

Nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện công tác giảm nghèo được phân bổ theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức, quy định của Trung ương, HÐND tỉnh. Tổng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước phân bổ trong năm 2022 và năm 2023 hơn 151 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương còn chú trọng, linh hoạt vận động các nguồn vốn khác để tập trung cho công tác giảm nghèo gần 1.120 tỷ đồng; trong đó, vốn tín dụng 958 tỷ đồng, vận động quỹ Vì người nghèo 162 tỷ đồng.

Nhiều lớp dạy nghề cho hộ nghèo và cận nghèo được triển khai tại huyện Phú Tân.

Nhiều lớp dạy nghề cho hộ nghèo và cận nghèo được triển khai tại huyện Phú Tân.

Trên cơ sở nguồn vốn ngân sách Nhà nước được phân bổ, các địa phương đã triển khai thực hiện các chính sách cơ bản phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của từng địa phương, bước đầu đạt kết quả tích cực. Người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ về sinh kế, tiếp cận các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản. Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, trao đổi hàng hóa và trẻ em vùng khó khăn được đến trường. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt, vượt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra. Qua đó tạo được sự phấn khởi, đồng thuận trong Nhân dân.

Ông Lê Thanh Mãi, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, huyện U Minh, cho biết: “Ðịa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để Nhân dân trên địa bàn xã sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ theo Chương trình gắn với xây dựng nông thôn mới, UBND xã còn tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên, khát vọng làm giàu chính đáng của người dân; quan tâm, thăm hỏi, hướng dẫn cách thức sản xuất, kinh doanh, được bà con ủng hộ và đồng lòng thực hiện. Trong năm 2023, toàn xã có 144 hộ thoát nghèo”.

Chuyển biến tích cực

Ông Lê Thế Anh, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Từ khi triển khai thực hiện Chương trình đến nay, xã đã hỗ trợ nhà ở cho 10 hộ, chuyển đổi ngành nghề cho 4 hộ, hỗ trợ xây dựng 5 dự án sản xuất, với tổng số hơn 70 hộ nghèo được hỗ trợ. Ðến cuối năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm 32/98 hộ. Ðiều đó cho thấy, việc triển khai thực hiện Chương trình đã thật sự mang lại hiệu quả trên địa bàn xã, diện mạo vùng nông thôn Thanh Tùng ngày càng khởi sắc”.

Kết quả giải ngân vốn ngân sách Nhà nước trong 2 năm được 92/151 tỷ đồng, đạt 60,9%. Trong đó, năm 2022 giải ngân được 43/68 tỷ đồng, đạt 63,2%; năm 2023 giải ngân được 49/83 tỷ đồng, đạt trên 59%. Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo theo nguyên tắc, quy định pháp luật hiện hành. Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, nhất là tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ưu tiên đầu tư, nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu tối thiểu cho hoạt động sản xuất và dân sinh trong vùng, góp phần vào việc tăng cường giao thương, lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân, thúc đẩy giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Ðồ họa: Lê Tuấn

Ðồ họa: Lê Tuấn

Với những chính sách đồng bộ, hiệu quả, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2022, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 7.407 hộ, chiếm 2,41%, giảm 2.162 hộ, giảm 0,73% so với năm 2021 (kế hoạch đề ra là 0,56%); hộ cận nghèo còn 5.710 hộ, chiếm 1,86%, giảm 1.223 hộ, giảm 0,41% so với năm 2021. Năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 4.900 hộ, chiếm 1,6%, giảm 2.507 hộ, giảm 0,81% so với năm 2022 (kế hoạch đề ra là 0,8%); tổng số hộ cận nghèo 4.788 hộ, chiếm 1,56%, giảm 922 hộ, giảm 0,3%.

Nhìn chung, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong 2 năm trên địa bàn tỉnh đạt chỉ tiêu theo Quyết định 652/QÐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao (giảm 0,8%/năm) và chỉ tiêu do Tỉnh ủy, HÐND tỉnh giao.

Kết quả trên thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, sự hỗ trợ, tập trung nguồn lực và ý thức, trách nhiệm cộng đồng, nhất là sự phấn đấu tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững của người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH Cà Mau, cho biết: “Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời, nhưng nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kỳ quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, nỗ lực của các địa phương, nhất là quyết tâm của Nhân dân, các hoạt động thuộc Chương trình đã và đang được triển khai thực hiện, cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Chương trình đã giúp người nghèo tự vươn lên, vượt qua khó khăn, được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều đạt, vượt kế hoạch, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”./.

Lam Khánh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-thang-giac-ngheo-khong-kho-a33795.html
Zalo