Khi 'mẹ bỉm sữa' làm chủ công nghệ AI

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã không còn bị giới hạn trong khuôn khổ của các chuyên gia, mà thực tế đã lan rộng đến mọi tầng lớp xã hội như người làm trong lĩnh vực sáng tạo hay cả các 'bà mẹ bỉm sữa'. Tuy nhiên, sự bùng bổ của các nhóm học tập, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng AI đang khiến nhiều người lo lắng, choáng ngợp, lạc vào 'ma trận'.

Công nghệ AI ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, mang lại cả thuận lợi và thách thức cho các quốc gia.

Công nghệ AI ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, mang lại cả thuận lợi và thách thức cho các quốc gia.

Nói đến công nghệ AI, chắc hẳn nhiều người có quan tâm vẫn còn nhớ "cơn sốt" về MidJourney hay DALL-E. Đây là những công cụ thiết kế cho phép người dùng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt, huyền ảo từ những mô tả bằng ngôn ngữ. Đối với lĩnh vực âm nhạc, có thể kể đến những bản nhạc bắt tai với "tác giả" là những bộ não điện tử Suno, Udio AI...

AI đã không còn là công nghệ của tương lai, mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung, AI có thể hỗ trợ người dùng dùng tạo ra các bài viết nhanh chóng, chính xác hơn với khả năng phân tích dữ liệu, tổng hợp thông tin và thậm chí sản xuất những văn bản hoàn chỉnh.

Khi "mẹ bỉm sữa" học AI

Trước nhu cầu ngày càng lớn, thời gian qua, đã có không ít hội, nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội với chủ đề về công nghệ AI ra đời, thu hút từ hàng chục đến hàng trăm nghìn thành viên tham gia, tạo nên một "làn sóng" thể hiện sự quan tâm rất lớn trong cộng đồng.

Chị Liên Lê, một phụ nữ đang nuôi con nhỏ, thành viên một nhóm tìm hiểu về AI, chia sẻ: "Tôi không ngờ công nghệ hiện đại ngày nay đã phát triển đến như vậy. Chỉ sau vài ngày làm quen với sự hỗ trợ của các chuyên gia, tôi đã tự tay làm được một câu chuyện kể bằng tranh tặng con mình. Vậy là, con thì thích thú với bài học, mẹ lại vui mừng vì được thỏa sức sáng tạo, khám phá năng lực bản thân".

Đồng tình với quan điểm trên, chị Hương Trà, một nhà sáng tạo nội dung trẻ, cho biết: "Thời gian đầu tìm hiểu về AI, mình gặp khá nhiều khó khăn và thường rơi vào trạng thái tự giới hạn chính mình, nghĩ rằng bản thân không phải típ người công nghệ. Nhưng từ khi tham gia các nhóm học AI trên mạng xã hội, tôi đã biết cách sử dụng trợ lý AI Claude để biên soạn nội dung, dùng ChatGPT tạo nên những hình ảnh độc đáo... Tất cả đã mở ra một chân trời mới ở cả góc độ công việc lẫn giải trí”.

Các nhóm tìm hiểu, học tập về AI hiện nay có thành phần học viên đa dạng.

Các nhóm tìm hiểu, học tập về AI hiện nay có thành phần học viên đa dạng.

Qua tìm hiểu thực tế, thành viên của những nhóm cộng đồng nêu trên thường trao đổi theo hình thức chia sẻ ngang hàng các bài viết, clip hướng dẫn để tạo không gian thảo luận về việc sử dụng AI trong chính cuộc sống thường ngày.

"Không dừng lại ở việc học hỏi, mà các thành viên thường mạnh dạn áp dụng AI vào công việc, mô hình kinh doanh và nhiều khía cạnh khác. Vì vậy, chúng tôi luôn chào đón, khuyến khích sự tham gia của cả những người mới bắt đầu cho đến các cá nhân đã có kinh nghiệm nhất định trong sử dụng AI", anh Lê Công Thành, đồng sáng lập nhóm "Bình dân học AI" với hơn 220 nghìn thành viên, cho hay.

Nỗi lo và giải pháp cho sự bùng nổ của AI

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cụ thể, nhưng sự phát triển quá nhanh của các nhóm về AI trên mạng xã hội đã dẫn tới những lo ngại nhất định. Trong đó, có việc bị choáng ngợp trước quá nhiều loại công cụ cũng như cách ứng dụng AI khiến người dùng bị choáng ngợp và rơi vào trạng thái "hụt hơi".

Nhận định về tình trạng trên, Thạc sĩ Lương Dũng Nhân, chuyên gia AI, cho rằng: các học viên cần nắm vững nguyên lý sử dụng AI thay vì tìm cách học thuộc mọi thứ tiếp cận được.

"Trong giảng dạy về AI, tôi luôn chú trọng phổ biến các nguyên lý trước khi đi vào thực hành, dù là với loại công cụ nào đi nữa. Bởi dù có rất nhiều công cụ, nhưng nguyên lý sử dụng lại tương tự. Nắm chắc nguyên lý, học viên sẽ có thời gian, sức lực phát triển tư duy sáng tạo để có thể làm chủ AI thay vì chạy theo chúng", ông Nhân gợi mở.

Thông qua việc tương tác, làm việc nhóm, các học viên có thể trau dồi kiến thức, kỹ năng sử dụng AI một cách nhanh chóng.

Thông qua việc tương tác, làm việc nhóm, các học viên có thể trau dồi kiến thức, kỹ năng sử dụng AI một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, những người có kinh nghiệm trong việc học AI thường một chọn phương pháp đơn giản, đó là học từ những người giỏi ở ngay trong nhóm thông qua các bài viết chia sẻ mỗi ngày.

"Trong các nhóm, có không ít thành viên là những người tài giỏi trên nhiều lĩnh vực, không chỉ về AI hay công nghệ nói riêng, mà còn cả về truyền thông, marketing, xã hội học... Chỉ cần chú tâm học hỏi, các thành viên mới sẽ dễ dàng tiếp cận với hàng loạt kiến thức chuyên sâu, đồng thời được hỗ trợ một cách nhanh chóng từ những người đi trước", anh Nguyễn Phú Trung, thành viên nhóm "Biệt đội Trăng Đen 4.0 - AI content khummm" với hơn 100 nghìn người tham gia, chia sẻ.

"Các bạn học viên nên ghi nhớ câu "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa". Nói cách khác, việc học không cần lan man quá rộng, thay vào đó nên chịu khó thực hành càng nhiều càng tốt. Việc này sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho sau này, nhất là khi AI sẽ ngày càng phát triển đa dạng, phong phú hơn trong tương lai", anh Đỗ Chí Dũng, chuyên gia về AI, khẳng định.

NGỌC VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khi-me-bim-sua-lam-chu-cong-nghe-ai-post828682.html
Zalo