Thặng dư thương mại 1.000 tỉ đô la của Trung Quốc khiến nhiều nước e ngại

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã đạt kỷ lục mới với gần 1.000 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024. Dòng chảy ồ ạt của hàng giá rẻ Trung Quốc gây lo ngại từ EU, Mỹ cho đến Brazil, Indonesia... những bên đang tìm cách bảo vệ nền sản xuất và việc làm trong nước.

Xe điện của BYD chờ đưa lên tàu xuất khẩu tại cảng Thái Thương ở Tô Châu, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Xe điện của BYD chờ đưa lên tàu xuất khẩu tại cảng Thái Thương ở Tô Châu, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Bùng nổ xuất khẩu bù đắp cho nhu cầu suy yếu trong nước

Hôm 13-1, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt 3.580 tỉ đô la vào năm ngoái, trong khi nhập khẩu là 2.590 tỉ đô la. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc tạo ra thặng dư thương mại 990 tỉ đô la vào năm ngoái, phá vỡ lỷ lục trước đó là 838 tỉ đô la vào năm 2022.

Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thặng dư thương mại của Trung Quốc vào năm ngoái vẫn vượt xa bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong thế kỷ qua, thậm chí là cả các cường quốc xuất khẩu như Đức, Nhật Bản hay Mỹ.

Các nhà máy của Trung Quốc đang thống trị ngành sản xuất toàn cầu ở quy mô mà không nước nào sánh kịp kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Ngày càng có nhiều đối tác thương mại lo ngại về việc Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt, đặc biệt là hàng hóa giá rẻ.

Nhiều nước phương Tây và đang phát triển đã gắng kìm hãm dòng chảy hàng hóa từ Trung Quốc bằng cách áp thuế. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc áp thuế trả đũa, đưa thế giới đến gần hơn với một cuộc chiến thương mại có thể làm mất ổn định hơn nữa nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống đắc cử Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào tuần tới đã đe dọa leo thang chính sách thương mại vốn đã khắc nghiệt của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.

Xuất khẩu mạnh trong tháng 12, bao gồm một số mặt hàng có thể đã được vận chuyển đến Mỹ trước khi ông Trump nhậm chức và có thể bắt đầu tăng thuế, giúp Trung Quốc đạt mức thặng dư kỷ lục mới trong một tháng là 104,8 tỉ đô la.

Trong khi Trung Quốc thâm hụt thương mại đối với dầu thô và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, thặng dư của nước này trong hàng hóa sản xuất chiếm đến 10 % nền kinh tế. Để so sánh, thặng dư thương mại trong hàng hóa sản xuất của Mỹ đạt đỉnh ở mức 6 % GDP vào đầu Thế chiến thứ nhất, khi hầu hết nhà máy ở châu Âu hầu hết ngừng xuất khẩu và chuyển sang sản xuất phục vụ chiến sự.

Nhiều nước tìm cách thúc đẩy thặng dư thương mại trong hàng hóa sản xuất vì điều này có nghĩa là các nhà máy tạo ra nhiều việc làm đồng thời củng cố an ninh quốc gia.

Việc Trung Quốc xuất khẩu mọi thứ từ ô tô đến tấm pin mặt trời giúp tạo ra hàng triệu việc làm không chỉ cho công nhân nhà máy, những người có mức lương điều chỉnh theo lạm phát tăng gấp đôi trong thập niên qua, mà còn cho các kỹ sư, nhà thiết kế và nhà khoa học nghiên cứu có thu nhập cao.

Đồng thời, lượng hàng hóa mà các nhà máy ở nước này nhập khẩu giảm mạnh. Trong hai thập niên qua, Bắc Kinh đã đuổi chính sách tự lực cánh sinh, đáng chú ý nhất là thông qua chính sách sản xuất tại Trung Quốc 2025 (Made in China 2025). Chính sách này được công bố vào năm 2015, trong đó Bắc Kinh cam kết hỗ trợ 300 tỉ đô la để thúc đẩy sản xuất tiên tiến. Trung Quốc đã chuyển từ nhà nhập khẩu sang nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico và Đức.

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đang bùng nổ khi nền kinh tế trong nước đang gặp khó khăn. Thặng dư thương mại bù đắp một phần tổn thất kinh tế từ cú sụp đổ của thị trường nhà ở gây tổn thương cho niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hàng triệu công nhân xây dựng đã mất việc làm, trong khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc mất đi phần lớn tiền tiết kiệm. Điều này khiến nhiều gia đình không muốn chi tiêu cho hàng nhập khẩu hoặc hàng hóa và dịch vụ trong nước.

Xuất khẩu là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024. Sự gia tăng các lô hàng thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như nhu cầu cao hơn ở nước ngoài đối với xe điện , pin xe điện và tấm pin mặt trời đã giúp nước này giảm thiểu tác động của sự chậm lại trong hoạt động kinh tế trong nước.

Biểu đồ về kim ngạch xuất khẩu (đường màu đỏ), nhập khẩu (đường màu vàng) và thặng dư thương mại (cột màu đen) của Trung Quốc trong giai đoạn 2000-2024. Ảnh: Bloomberg

Biểu đồ về kim ngạch xuất khẩu (đường màu đỏ), nhập khẩu (đường màu vàng) và thặng dư thương mại (cột màu đen) của Trung Quốc trong giai đoạn 2000-2024. Ảnh: Bloomberg

Nhiều nước lo nhà máy đóng cửa, mất việc làm

Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy quá mức bắt đầu gây tổn hại cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vì phải đối mặt với tình trạng giá cả giảm, thua lỗ nặng nề và thậm chí là vỡ nợ.

Trong khi đó, nhiều nước đang áp thuế với hàng nhập khẩu giá thấp từ quốc gia này vì lo lắng về việc đóng cửa nhà máy và mất việc làm trong các ngành sản xuất không thể cạnh tranh.

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã tăng thuế nhắm vào xe điện Trung Quốc vào năm ngoái. Tuy nhiên, một số rào cản thuế quan lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc lại đến từ các nước đang phát triển như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Indonesia. Những nước này đang tiến gần nền kinh tế công nghiệp hóa nhưng lo ngại cơ hội đó có thể tuột mất nếu các nhà máy trong nước đóng cửa vì không thể cạnh tranh nổi với hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Chính quyền Mỹ chỉ trích Bắc Kinh đang sử dụng quyền kiểm soát đối với các ngân hàng nhà nước để đầu tư quá mức vào năng lực nhà máy. Khoản cho vay ròng của các ngân hàng này dành cho ngành công nghiệp là 83 tỉ đô la Mỹ vào năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Con số này tăng vọt lên 670 tỉ đô la vào năm 2023.

“Trung Quốc đang mắc một sai lầm lớn khi sản xuất hàng hóa gấp 2 đến 3 lần nhu cầu trong nước ở nhiều lĩnh vực từ sắt thép, robot, xe điện cho đến pin lithium-ion, tấm pin mặt trời, rồi xuất khẩu hàng dư thừa ra khắp thế giới”, R. Nicholas Burns, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc bình luận.

Tại một cuộc họp báo hôm 13-1, Cục phó Tổng Cục Hải quan Trung Quốc Wang Lingjun bác bỏ những lời chỉ trích này.

“Về cơ bản, đây là quan điểm của chủ nghĩa bảo hộ nhằm chống lại sự phát triển của Trung Quốc”, ông nói.

Brad Setser, học giả cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington cho biết, kể từ năm 2021, Trung Quốc đã chuyển hướng mạnh mẽ trở lại sang hoạt động xuất khẩu. Học giả này cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng gây tổn hại đến các nền kinh tế sản xuất lớm khác trên thế giới.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đóng góp đến một nửa tăng trưởng kinh tế của toàn bộ đất nước vào năm ngoái. Đầu tư vào các nhà máy mới để xuất khẩu chiếm phần lớn phần tăng trưởng còn lại.

Theo Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), Trung Quốc hiện cung cấp khoảng 1/3 hàng hóa sản xuất công nghiệp trên thế giới. Con số này lớn hơn tổng sản lượng hàng hóa công nghiệp của Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Anh cộng lại.

Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu thông qua các khoản đầu tư lớn vào giáo dục, nhà máy và cơ sở hạ tầng trong khi vẫn duy trì mức thuế quan khá cao và các rào cản khác đối với hàng nhập khẩu. Mỗi năm, các trường đại học ở nước này đào tạo ra số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật và các chuyên ngành liên quan hơn nhiều hơn tổng số sinh viên tốt nghiệp tất cả các chuyên ngành từ các đại học ở Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều nhà nhập khẩu của Mỹ thấy rằng, Trung Quốc vẫn là nơi cạnh tranh nhất để mua hàng hóa.

Eric Poses, chủ sở hữu kiêm CEO của All Things Equal, một công ty ở bang Florida chuyên phát minh và phân phối trò chơi cờ bàn và trò chơi điện tử trên bàn, sử dụng các nhà cung cấp ở Thượng Hải. Chi phí sản xuất cờ bàn ở Mỹ cao gấp đôi so với Trung Quốc. Mỹ thậm chí không sản xuất nhiều thiết bị điện tử cần thiết cho trò chơi trên bàn.

“Tôi ước mình có thể sản xuất ở đây theo cách tiết kiệm chi phí, nhưng không thể”, ông nói.

Theo New York Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thang-du-thuong-mai-1-000-ti-do-la-cua-trung-quoc-khien-nhieu-nuoc-e-ngai/
Zalo