Kinh tế Đức rơi vào suy thoái năm thứ hai liên tiếp

Số liệu vừa công bố cho thấy mức giảm GDP của Đức năm 2024 là 0,2%, đây là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái. Trước đó, năm 2023, kinh tế Đức đã giảm 0,3%.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong một cuộc họp báo ở Berlin hồi tháng 7/2024. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong một cuộc họp báo ở Berlin hồi tháng 7/2024. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 15/1, Cục Thống kê liên bang Đức (Destatis) thông báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 0,2% trong năm 2024.

Đức đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và nhu cầu xuất khẩu giảm. Số liệu thống kê sơ bộ vừa công bố với mức giảm GDP 0,2%, đây là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái. Trước đó, năm 2023, kinh tế Đức đã giảm 0,3%.

Số liệu thống kê sơ bộ quý IV/2024 cũng cho thấy nền kinh tế đã giảm 0,1% so với quý 3. Đức phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong vài năm qua, một phần do giá năng lượng tăng cao liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Từng là một khách hàng lớn mua khí đốt giá rẻ của Nga, Đức đã phải vật lộn để tìm kiếm các nguồn cung mới sau khi Moskva ngừng cấp năng lượng. Xung đột cùng với biến đổi khí hậu và các yếu tố khác trong chuỗi cung ứng quốc tế cũng góp phần làm tăng lạm phát và tăng chi phí cho các mặt hàng thiết yếu như hàng tạp hóa và đồ dùng vệ sinh.

Mặc dù lạm phát đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, nhưng đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến Đức do giá hàng tạp hóa tương đối thấp của nước này trong những năm trước. Bên cạnh đó, theo truyền thống, với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhu cầu giảm đối với các sản phẩm của Đức là yếu tố quyết định tác động đến kinh tế.

Cụ thể, ôtô điện giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc tràn vào đã làm giảm nhu cầu đối với ôtô Đức. Ngoài ra, Đức cũng đang phải đối mặt với cơ sở hạ tầng cũ kỹ và khả năng cạnh tranh chậm chạp trong ngành công nghiệp và công nghệ.

Cuộc tranh cãi về cái gọi là “phanh nợ”, một cơ chế kiểm soát nợ mà chính phủ được phép, đã dẫn đến sự sụp đổ của liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz hồi đầu tháng 11 năm ngoái, khiến chính phủ nước này phải tiến hành bầu cử trước thời hạn.

Tranh cãi xảy ra khiến ông Scholz yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner từ chức.

Ông Lindner và đảng Dân chủ Tự do (FDP), một đối tác trong liên minh cầm quyền của ông đã từ chối nhượng bộ trong việc thay đổi “phanh nợ” để cho phép vay và chi tiêu nhiều hơn. Sau đó, FDP đã rút khỏi liên minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kinh-te-duc-roi-vao-suy-thoai-nam-thu-hai-lien-tiep-post1007717.vnp
Zalo