Tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công được hơn 10.000 tỉ đồng
Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31.1.2025 là 10.382,3 tỉ đồng, đạt 1,18% kế hoạch, đạt 1,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31.1.2025 là 10.382,3 tỉ đồng, đạt 1,18% kế hoạch, đạt 1,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2024 đạt 2,46% kế hoạch và đạt 2,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
![Giải ngân vốn đầu tư công tháng 1.2025 đạt 1,26% - Ảnh: IT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_287_51479366/e1935ce36ead87f3debc.jpg)
Giải ngân vốn đầu tư công tháng 1.2025 đạt 1,26% - Ảnh: IT
Theo đó, tổng số vốn năm 2025 được Quốc hội quyết nghị và phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 829.365 tỉ đồng (không bao gồm 19.480 tỉ đồng chi cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển không thuộc phạm vi của Luật Đầu tư công (bao gồm thanh toán bù giá cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn; cấp vốn cho Quỹ hỗ trợ đầu tư) và 520 tỉ đồng kinh phí bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp quốc phòng), bao gồm: vốn ngân sách trung ương (NSTƯ) là 353.638 tỉ đồng (bao gồm: vốn trong nước là 329,038 tỉ đồng, vốn nước ngoài là 24.600 tỉ đồng) và vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 475.727 tỉ đồng. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 25.405 tỉ đồng (bao gồm: vốn trong nước là 25.200 tỉ đồng, vốn nước ngoài là 205 tỉ đồng).
Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 825.922,3 tỉ đồng (chưa giao 3.443,2 tỉ đồng), bao gồm: vốn NSTƯ là 350.195 tỉ đồng và vốn NSĐP là 475.727 tỉ đồng. Trong đó, số vốn tối thiểu NSTƯ phải bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là 132.323,37 tỉ đồng; bố trí cho dự án, nhiệm vụ thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là: 21.962 tỉ đồng.
Kế hoạch vốn cân đối NSĐP năm 2025 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (theo số liệu cập nhật đến thời điểm báo cáo) là 52.393,9 tỉ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch giao năm 2025 (kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng) là 878.316,2 tỉ đồng.
Đối với kế hoạch vốn đã triển khai phân bổ là 793.475,7 tỉ đồng, đạt 96,07% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (825.922,3 tỉ đồng). Bao gồm NSTƯ là 310.112,9 tỉ đồng (vốn trong nước là 288.014 tỉ đồng, vốn nước ngoài là 22.098,9 tỉ đồng), NSĐP là 483.362,8 tỉ đồng. Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 52.394 tỉ đồng.
Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối NSĐP các địa phương giao tăng, tổng số vốn đã phân bổ là 741.081,77 tỉ đồng, đạt 89,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao. Trong quá trình phân bổ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là 116.965,06 tỉ đồng.
Có 26/47 bộ, cơ quan trung ương và 50/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 84.840,5 tỉ đồng, chiếm 10,27% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn NSTƯ là 40.082,1 tỉ đồng, vốn cân đối NSĐP là 44.758,4 tỉ đồng.
Đối với nguồn vốn NSTƯ: Vốn theo ngành, lĩnh vực chưa phân bổ là 37.411,9 tỉ đồng của 27/47 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương; trong đó: vốn trong nước là 34.967,4 tỉ đồng; vốn nước ngoài là 2.444,5 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do: Nhiều dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn; dự án chờ điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị trả vốn (bao gồm cả vốn trong nước và vốn nước ngoài) do không có nhu cầu sử dụng; dự án chưa được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện; một số dự án mới chưa ký kết hiệp định vay nước ngoài.
Vốn CTMTQG chưa phân bổ là 2.670,1 tỉ đồng: Một số địa phương phân bổ chi tiết danh mục dự án đầu tư (không phân cấp theo cơ chế đặc thù): dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, do đó chưa phân bổ vốn. Một số địa phương phân bổ đến các đơn vị trực thuộc: hiện nay đang rà soát lại đối tượng, nội dung hỗ trợ, sẽ tiếp tục phân bổ khi đủ điều kiện theo quy định.
Đối với nguồn vốn NSĐP: Vốn cân đối NSĐP là 44.758,4 tỉ đồng của 26/63 địa phương do địa phương để lại phân bổ sau, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, xổ số, bội chi NSĐP.
Về việc đảm bảo bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển: Tổng số vốn NSTƯ Bộ Giao thông vận tải đã bố trí cho các quan trọng quốc gia, dự án cao tốc là 48.809 tỉ đồng, đạt 101,14% số vốn tối thiểu phải bố trí là 48.260 tỉ đồng. Tuy nhiên, tổng số vốn NSTƯ các địa phương đã bố trí cho nhóm các dự án này là 68.156,06 tỉ đồng, chưa đạt số vốn tối thiểu phải bố trí là 84.063,3 tỉ đồng.
Đối với một số dự án chưa đủ điều kiện phân bổ do chưa được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn, Bộ Tài chính đề nghị căn cứ quy định tại Điều 57 Luật Đầu tư công năm 2024, khẩn trương quyết định theo thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện dự án sang năm 2025 đối với các dự án đã hết thời gian bố trí vốn (nếu có) để các dự án đủ điều kiện được phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn năm 2025 theo quy định.
Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư tập trung, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn được giao để hoàn thành các dự án trong năm 2025, tránh trường hợp phải tiếp tục gia hạn dẫn tới cơ quan chủ quản dự án phải kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án.