Tháng ba trẩy hội chùa Đọi

Tháng 3 trong cái se lạnh của mùa Xuân và sắc đỏ rực rỡ hoa gạo, mọi người lại nô nức trẩy hội chùa Đọi – Di tích quốc gia đặc biệt tại xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên. Theo nhiều nghiên cứu, lễ hội chùa Đọi được bắt đầu tổ chức vào năm 1840. Về với lễ hội ngoài việc tham quan vãng cảnh và lễ Phật còn là dịp tưởng nhớ ngày mất của Hòa thượng Thích Chiếu Thường Nhục Thân Bồ Tát vào ngày 21 tháng Ba âm lịch - người có công lớn nhất trong việc trong việc xây dựng và phát triển chùa.

Chùa Đọi là trung tâm hoạt động văn hóa tâm linh của cả xứ Sơn Nam xưa. Vì vậy, lễ hội chùa Đọi không chỉ là lễ hội của nhân dân Tiên Sơn mà còn là lễ hội lớn của vùng và được nhiều người biết đến. Lễ hội chùa Đọi xưa được bắt đầu bằng lễ cáo yết xin mở hội vào sáng ngày 19 tháng Ba âm lịch. Liền sau đấy là lễ rước nước, nơi xin nước là giếng Hàm Long, một trong 9 giếng nằm dưới chân núi Đọi. Nước xin về sẽ được sử dụng cho lễ “mộc dục” (lau rửa tượng thần phật) và dùng làm nước cúng trong suốt 3 ngày lễ hội. Ngày 21 là ngày chính hội với nhiều nghi thức quan trọng được tiến hành. Sáng sớm, từ sân đình các thôn Đọi Tam, Đọi Trung, Đọi Lĩnh, Đọi Tín các kiệu rước đã sẵn sàng. Đến giờ đã định, các đoàn rước kiệu đi đến tam quan chùa Đọi thì nhập thành một đám rước chung. Lên đến chùa, các kiệu đưa bài vị của các vị thần vào tòa tiền đường để nghe kinh Phật và chứng kiến lễ dâng hương và đại lễ kỳ phúc, kỳ yên.

Theo lệ xưa truyền lại, chùa Đọi thờ “tiền Phật hậu thần”. Vì vậy, nghi thức đầu tiên trong ngày chính hội là dâng hương cúng Phật, lễ vật dâng là lễ chay. Sư chủ trì với tư cách chủ lễ, vừa đọc kinh vừa múa và chạy đàn theo chiều ngược kim đồng hồ. Tín đồ Phật tin rằng, cứ mỗi vòng chạy ngược chiều kim đồng hồ là thêm nhiều lộc, nhiều phúc, giải trừ nhiều điều xấu, tai ương. Sau lễ dâng hương, chạy đàn là lễ tế trời đất và lễ tạ Linh Nhân Thái hậu (Nguyên phi Ỷ Lan) và vua Lý Nhân Tông – người có công xây dựng chùa.

Du khách và nhân dân xã Tiên Sơn trẩy hội chùa Đọi.

Du khách và nhân dân xã Tiên Sơn trẩy hội chùa Đọi.

Lễ hội chùa Đọi nay vẫn được tiến hành từ ngày 19 – 21 tháng Ba âm lịch. Tuy nhiên, lễ rước nước đã được thực hiện tại Lễ hội Tịch điền (mùng 5 - 7 tháng Giêng) nên nghi thức này không thực hiện ở lễ hội chùa Đọi nữa. Đoàn rước cũng có thay đổi khi vào sáng ngày 19, tại sân UBND xã Tiên Sơn, đội hình dâng hương gồm lãnh đạo xã, thôn, đại diện các hội đoàn thể, các cụ cao tuổi, nhân dân và phật tử tề tựu đông đủ. Một chiếc kiệu long đình đã được chuẩn bị sẵn trên đó không phải là bát hương hay ngai thờ của một vị thần thánh nào mà là ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nghi thức mới được đưa vào lễ hội gần đây thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ. Người dân đón Bác về cùng dự vui lễ hội của quê hương và mong muốn Bác chứng kiến sự đổi thay và đang ngày càng phát triển của xã Tiên Sơn ngày nay.

Đi đầu đoàn dâng hương là đội múa lân rồng theo nhịp trống hội, theo sau là đoàn rước cờ thần, cờ phật và đoàn rước các mâm lễ do các bà, các cô thực hiện, tiếp đó là các đội tế nam, tế nữ, phật tử, nhân dân và du khách thập phương. Đoàn rước dừng chân tại sân lễ dưới chân chùa Đọi làm lễ khai mạc, sau các nghi thức khai mạc và màn biểu diễn trống hội của đội trống nữ làng Đọi Tam đoàn vào dâng lễ, dâng hương tưởng niệm thần Phật, các đội tế tiến hành nghi thức tế lễ dưới sự hướng dẫn của sư chủ trì.

Lễ hội xưa, ngoài phần lễ, phần hội vô cùng phong phú với nhiều trò vui được tổ chức như: nấu cơm thi, thi dệt vải, hát chèo, hát giao duyên, hát đối, hội chọi gà, tổ tôm điếm, múa tứ linh, đấu vật, đấu cờ người, cờ tướng…, trong đó sôi động và thu hút nhiều người chơi là hội đấu cờ người, đặc biệt là các cụ cao tuổi thạo cờ từ khắp nơi về đây dự lễ hội. Hội cờ người được tổ chức liên tục trong 3 ngày diễn ra lễ hội. Khi vào trận đấu mỗi bên chơi có một người cầm trống bỏi gõ liên hồi nhằm cho đối phương khó tập trung suy tính các nước cờ. Tuy vậy, mọi người đều vui vẻ vì cuộc đấu không bị tác động bởi tâm lý thắng thua mà mục đích vui chơi là chính nên có tiếng trống cho thêm phần sôi động.

Ngoài cờ người, cờ tướng cũng thu hút nhiều người tham gia. Cờ tướng được gắn trên một chiếc gậy cao khoảng 1m50 và được di chuyển trong khi chơi cắm vào các lỗ đã có sẵn dưới mặt sân. Người tham gia chơi cờ tướng gồm hai người chơi, hai người phục vụ (nhổ và cắm cờ thay thế vị trí khi người chơi điều khiển) và một trọng tài. Xem cờ tướng mọi người thường trầm lặng, chỉ trầm trồ thán phục khi hai bên trình diễn những nước cờ cao, đẹp…

Đến với không gian lễ hội chùa Đọi, ngoài thực hiện các nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng, du khách còn được thưởng ngoạn cảnh chùa trong sắc xuân, tìm hiểu những giá trị lịch sử, văn hóa của chùa thông qua những di vật quý thời Lý còn lưu giữ đến ngày nay như những pho tượng Kim Cương, tượng đầu người mình chim, các mảng chạm khắc bằng đất nung và đặc biệt là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh – Bảo vật quốc gia, được đặt trong nhà bia phía trước tòa tiền đường chùa Đọi.

Chu Bình

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/le-hoi/thang-ba-tray-hoi-chua-doi-156031.html
Zalo