11 tuổi đi bộ 3 tháng đường rừng sang Trung Quốc học

Cách đây 72 năm, cậu bé Trần Xuân Hoài, khi đó mới 11 tuổi, là một trong những đứa trẻ đi bộ suốt 3 tháng qua đường rừng, khởi hành từ huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh, cuối cùng đến được ngôi trường ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

GS.TSKH Trần Xuân Hoài (84 tuổi), nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Thực hành, chia sẻ với phóng viên Tiền Phong về quãng thời gian học tập ở Quảng Tây, để nói về ý nghĩa của mối liên kết, giao lưu nhân dân giữa hai nước Việt - Trung.

GS Trần Xuân Hoài (hàng hai, thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự cuộc gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam-Trung Quốc qua các thời kỳ tại Hà Nội ngày 20/3. Ảnh: TTXVN

GS Trần Xuân Hoài (hàng hai, thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự cuộc gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam-Trung Quốc qua các thời kỳ tại Hà Nội ngày 20/3. Ảnh: TTXVN

Tình người trong gian khó

Trong căn phòng nhỏ với bộ bàn ghế đơn giản và nhiều giá sách bao quanh, nhà khoa học - nhà văn (tác giả tiểu thuyết lịch sử “Kim thiếp Vũ Môn”) cho biết, ông vẫn nhớ như in giai đoạn cực kỳ khó khăn nhưng cũng vô cùng quan trọng đó, tạo nên nền tảng cơ bản để ông sau này phát triển và ghi dấu ấn trong sự nghiệp của mình.

GS Trần Xuân Hoài quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh, nhưng sinh ra ở Đà Lạt, nơi bố của ông làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng trong những năm 1945 - 1946. Khi giặc đánh lên Đà Lạt, mẹ của ông đưa các con về quê, còn bố vào Nam tiếp tục làm cách mạng. Nhà đông con mà chỉ có mình mẹ xoay xở, ông Hoài được bộ đội nuôi. Đến năm ông 11 tuổi, ông được tập hợp vào Đoàn 10 (gồm những đứa trẻ có bố mẹ đang bận đi chiến đấu) để sang Quảng Tây học tập.

Đoàn của ông đi bộ suốt 3 tháng từ Hương Khê, sau đó nhập với các đoàn khác để sang nước bạn. Giờ nghĩ lại, GS Hoài cho biết ông không nghĩ mình có thể vượt qua chặng đường dài như vậy, và lúc đến nơi ông chỉ còn nặng 18kg.

Ban đầu, ông và các bạn được học ở Trường Thiếu nhi Lư Sơn, tỉnh Giang Tây, nhưng ở đó thời tiết quá lạnh nên sau khoảng 1 năm thì chuyển đến Trường Thiếu nhi Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây (sau thường được gọi chung là Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm).

Khi đó, học sinh Việt Nam từ lớp vỡ lòng đến lớp 6 được giáo viên Việt Nam dạy Toán và Tiếng Việt, giáo viên Trung Quốc dạy các môn nghệ thuật và thể thao. Ông cho biết, khi đó người dân Trung Quốc vẫn rất khổ nhưng vẫn ưu tiên trẻ em Việt Nam.

“Ở Quế Lâm, chúng tôi còn giấu bánh màn thầu mang ra cho các bạn người Trung Quốc chăn trâu cạnh trường ăn. Người Trung Quốc thương chúng tôi và chúng tôi cũng thương họ”, ông kể.

GS.TSKH Trần Xuân Hoài trong cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong. Ảnh: Thu Loan

GS.TSKH Trần Xuân Hoài trong cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong. Ảnh: Thu Loan

Ông cho biết, các học sinh Việt Nam ở đó được học đầy đủ về văn thể mỹ, và nhiều người trong số họ sau này thành đạt, trở thành bác sĩ, nhà khoa học, nhà quản lí… “Tôi cảm thấy rất biết ơn vì khi đất nước khó khăn như vậy, các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc vẫn dành cho chúng tôi điều kiện đặc biệt. Các bạn bè tôi đều trưởng thành rất tốt”, ông chia sẻ.

Ở Trung Quốc 5 năm rồi ông Hoài về Việt Nam tiếp tục học ở Hà Nội và đi học tập, làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Những năm sau này, ông vài lần quay lại thăm trường cũ, nơi đã trở thành khu lưu niệm nằm trong khuôn viên của Đại học Sư phạm Quế Lâm, Quảng Tây. Một đài tưởng niệm đã được dựng lên ở đó. GS Hoài cũng có dịp gặp lại những người Trung Quốc gắn bó với trường, như cô giáo Hùng Đệ Minh, bác sĩ Đặng Hải Đường, y tá Hồ Khải Hoa…

Tháng 2 vừa qua, Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc và Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội tổ chức buổi gặp gỡ giữa đoàn đại biểu tỉnh Quảng Tây với đại diện học sinh và lưu học sinh Việt Nam từng học tại Quảng Tây. Trong cuộc gặp đó, GS Hoài giới thiệu với ông Trần Cương, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, về ông Hồ Sỹ Tá, người từng suýt chết đuối khi đang học ở Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm). Nam sinh Tá khi đó đã ngưng tim, nhưng được bác sĩ Đặng cứu sống. Sau này, ông Tá nhận bác sĩ Đặng làm mẹ nuôi.

Tình yêu tiếng Việt

Tại chương trình Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc qua các thời kỳ diễn ra hôm 20/3, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, chia sẻ câu chuyện của ông về bức ảnh ông chụp cùng nhóm học sinh Việt Nam đang được treo trong nhà lưu niệm của ĐH Sư phạm Quảng Tây. Ông Nhân là lớp sau của lớp GS Trần Xuân Hoài, đã học ở Việt Nam rồi sơ tán cùng cả trường sang Trung Quốc.

Cũng tại sự kiện này, ông Lý Tiên Hiền, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Quảng Tây, cho biết Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm đã đào tạo cả ngàn học sinh Việt Nam - những người sau này về nước đảm nhận nhiều vai trò khác nhau.

Bên cạnh các hoạt động hợp tác chính trị và kinh tế, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương, văn hóa, giáo dục, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng sôi động. Hiện nay, số lượng lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc đạt mức kỷ lục với gần 24.000 sinh viên, trong khi hơn 2.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam.

Chị Hoàng Hiểu Long (37 tuổi, quê Quảng Tây) vừa nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học tại ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, sau khi tốt nghiệp, chị sẽ về trường đại học Quảng Tây để cống hiến cho ngành giáo dục, giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Trung Quốc.

Chị Hoàng nói rằng, trong 8 năm ở Việt Nam, chị đã chứng kiến rất nhiều thay đổi ở Hà Nội, có nhiều kỷ niệm với những người bạn ở Việt Nam, như cùng nhau khám phá ẩm thực phố cổ, thưởng thức cà phê gần Nhà thờ Lớn… Chị cho biết, trong thời gian học tập, chị và bạn bè người Trung Quốc luôn nhận được sự giúp đỡ và ưu ái của thầy cô Việt Nam, được dạy nấu món ăn Việt Nam, được cô giáo đưa đi khám bệnh…

Chia sẻ về lý do sang Việt Nam học tiếng Việt, chị Hoàng cho biết chị hay nhìn thấy hình ảnh thướt tha, duyên dáng của phụ nữ Việt Nam. Dịp tham quan cửa khẩu Đông Hưng - Móng Cái nhiều năm trước và câu chuyện của mẹ chị về tình bạn thân thiết với những người Việt Nam đã thôi thúc chị chọn ngành học tiếng Việt.

“Tình cảm khăng khít coi nhau như ruột thịt”

Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong ngày 10/4, bà Trần Minh Nguyệt, sinh năm 1943, kể rằng, tháng 7/1953, cô bé Nguyệt 10 tuổi cùng một số trẻ em khác đi bộ từ Gia Lâm (Hà Nội) tới Thái Nguyên, rồi Lạng Sơn, lội suối qua biên giới rồi được phía Trung Quốc điều xe lửa mới đưa đến Lư Sơn, rồi gần 1 năm sau chuyển trường tới Quế Lâm.

Bà Trần Minh Nguyệt cười sảng khoái khi kể về kỷ niệm đẹp khi học tại Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm (1953-1957). Ảnh: Thái An

Đến khi giải thể (năm 1957), Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm tiếp nhận hơn 1.000 học sinh và hơn 100 giáo viên. Trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng và Nhà nước ta quyết định đưa một số thiếu sinh quân, con em cán bộ sang học tập tại Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho việc đào tạo cán bộ sau này.

Trở về nước, bà Nguyệt theo học tại Trường Nguyễn Gia Thiều cùng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; bà học giỏi môn Hóa, nhưng cuối cùng theo học ngành tài chính-ngân hàng, làm việc tại chi nhánh ngân hàng nhà nước ở Quảng Ninh.

“Cô có nhiều kỷ niệm không quên với bạn bè, thầy cô ở Quế Lâm. Năm 2003, cô thăm lại trường rồi năm 2012, một số người Trung Quốc, trong đó có bác sĩ Đặng, y tá Chung sang thăm Việt Nam. Tình cảm, tình hữu nghị giữa người dân Việt Nam và Trung Quốc nhiều năm qua vẫn thắm thiết, không thay đổi, chỉ có hợp tác thương mại, đầu tư, giáo dục… là thay đổi nhưng theo hướng rất tích cực”, bà Nguyệt nói.

“Hiện nay, con gái cô là hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc, con trai mở công ty ở TPHCM, nhập đồ điện, nguyên liệu từ tỉnh Chiết Giang về lắp ráp, bán ở TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Campuchia”.

Kết thúc buổi trò chuyện, người phụ nữ 82 tuổi hát liền mấy bài hát bằng tiếng Việt và tiếng Trung, trong đó có “Mặt trời không lặn trên thảo nguyên” bằng chất giọng cao vút, truyền cảm. “Tình cảm người Việt Nam và Trung Quốc càng ngày càng khăng khít, coi nhau như ruột thịt. Mong rằng trong quan hệ hai nước sẽ không còn khúc mắc gì hợp tác phát triển càng ngày càng sâu rộng, dân thêm giàu, nước thêm mạnh”, bà Nguyệt nói lúc chia tay.

Thu Loan - Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/11-tuoi-di-bo-3-thang-duong-rung-sang-trung-quoc-hoc-post1733343.tpo
Zalo