Tháng 5 nhớ Bác - lan tỏa điển hình học tập và làm theo Bác Hồ
Cứ mỗi độ tháng 5 về, cả dân tộc Việt Nam lại bồi hồi nhớ về Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Vị Cha già dân tộc - Người đã cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước, dẫn dắt Đảng, nhân dân Việt Nam làm nên những thắng lợi vẻ vang.
Tháng 5 nhớ Bác
Đối với cán bộ, nhân dân huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nơi có Đền thờ Bác Hồ, tháng 5 lại càng trở nên ý nghĩa hơn với những hoạt động tri ân, tưởng nhớ Người.
Đền thờ Bác Hồ tọa lạc tại ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung), trước đây là Xóm 6, ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh 2 (huyện Long Phú cũ). Ngày 28/12/2001, Đền thờ Bác Hồ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (là 1 trong 8 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của tỉnh Sóc Trăng).
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh cùng Đảng bộ, chính quyền, dân và quân huyện Cù Lao Dung tề tựu về đây, trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để bày tỏ lòng thành kính biết ơn vô hạn và kính cẩn dâng lên Bác những bông hoa tươi thắm, những nén hương thơm, báo cáo đến Bác những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, dân và quân huyện Cù Lao Dung đã đạt được trong năm qua.
Những năm tháng chiến tranh, huyện Cù Lao Dung đã hứng chịu nhiều trận mưa bom, bão đạn nhưng người dân nơi đây vẫn kiên trì, dũng cảm chống giặc, xây dựng được Ðền thờ Bác Hồ đầy tự hào. Nay chiến tranh đã lùi xa, quê hương ngày càng đổi mới, phát triển; phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cù Lao Dung tiếp tục vượt khó, nỗ lực hàn gắn những vết thương chiến tranh, lao động sáng tạo để kiến thiết quê hương trở thành huyện nông thôn mới.

Cầu Đại Ngãi 2 dự kiến sẽ thông xe vào tháng 6/2025, đem lại niềm vui rất lớn cho người dân huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) và kỳ vọng mai sau kinh tế sẽ phát triển hơn nữa. Ảnh: PHƯƠNG ANH
Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã và đang được triển khai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Điển hình là Dự án cầu Đại Ngãi nối liền Quốc lộ 60, Dự án Nâng cấp mở rộng Đường huyện 12A, 13, 14; Dự án công trình Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện; Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Đường tỉnh 933B đoạn qua thị trấn Cù Lao Dung… khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần đưa huyện trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhân dân huyện Cù Lao Dung xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao; công tác giảm nghèo được thực hiện tốt, đến nay toàn huyện chỉ còn 0,73% hộ nghèo, 2,84% hộ cận nghèo; diện mạo của huyện đã có những thay đổi đáng kể khi triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Trần Văn Thọ là cựu chiến binh ở ấp An Phú A, xã An Thạnh Tây (huyện Cù Lao Dung) từng tham gia chiến đấu, từng trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, ông Thọ luôn tự hào, chia sẻ: “Bản thân tôi là người cựu chiến binh cũng là người lính Cụ Hồ, hết sức tự hào vì đất nước này có Bác Hồ, đất nước này có một vị lãnh tụ, một vị Cha già dân tộc đưa Tổ quốc ta từ một đất nước lầm than đen tối, trở thành một đất nước xã hội chủ nghĩa, bây giờ đang trên đà phát triển vươn mình trong kỷ nguyên mới. Nối bước quê hương với truyền thống anh hùng, Cù Lao Dung đang phát triển vượt bậc, càng phấn khởi hơn là cầu Đại Ngãi 2 dự kiến sẽ thông xe vào tháng 6, tôi rất vui mừng và kỳ vọng mai sau kinh tế sẽ phát triển hơn nữa”.
Nhân lên, lan tỏa điển hình học tập và làm theo Bác Hồ
Với tấm lòng kính yêu đối với Bác Hồ, từng cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Cù Lao Dung xây dựng, nhân lên, lan tỏa mô hình hay, các tấm gương điển hình học tập, làm theo Bác Hồ hiệu quả, bình dị, cao quý các lĩnh vực, nhiều ngành, địa bàn khác nhau, góp phần xây dựng con người mới, thể hiện tinh thần kiên định đổi mới, sáng tạo, đương đầu với khó khăn và có hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, là hạt nhân dẫn dắt việc học tập và làm theo Bác trở thành nhu cầu tự thân của mọi người, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong xã hội.
Toàn huyện có 2.394/2.394 đảng viên xây dựng bản cam kết, kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đạt 100%. Qua 10 năm (2016 - 2025) triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW,ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đến nay có 12 cá nhân, 4 tập thể nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ, 2 tập thể nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương); 65 cá nhân, 29 tập thể nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 185 cá nhân, 42 tập thể nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện đạt thành tích trong học tập, làm theo Bác.

Phụ nữ Tổ hợp tác “Liên kết tiêu thụ trái cây sạch” ở ấp An Trung, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) chia sẻ kỹ thuật chăm sóc vườn mận hồng ST. Ảnh: CHÍ BẢO
Đồng chí Nguyễn Lộc Băng Xuân - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung cho biết: “Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW,ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, việc học tập và làm theo Bác một cách thực chất của các tập thể, cá nhân điển hình đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Điển hình như mô hình “Đảng viên phụ trách khu dân cư, giúp đỡ hộ nghèo” của Chi bộ ấp Vàm Hồ. Sau 2 năm thực hiện mô hình đã giúp hàng chục hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đảng viên được giao phụ trách khu dân cư đã phối hợp với các ban nhân dân ấp tiến hành rà soát, đánh giá nguyên nhân, nguyện vọng của các hộ nghèo; rồi sau đó xây dựng phương án giúp đỡ, theo từng trường hợp cụ thể, có giải pháp giúp đỡ phù hợp và hiệu quả như: hướng dẫn cách làm ăn, vận động tham gia học nghề, đi làm tại công ty, doanh nghiệp, lao động làm việc nước ngoài, hỗ trợ nhà ở… để có thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Những năm gần đây, thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, trên địa bàn xã An Thạnh 1 nói riêng và huyện Cù Lao Dung nói chung đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân với mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả. Nổi bật nhất là mô hình Tổ hợp tác “Liên kết tiêu thụ trái cây sạch cho hội viên phụ nữ” ở ấp An Trung, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung đã góp phần rất lớn trong việc tiêu thụ các sản phẩm trái cây (chủ yếu là mận hồng ST).
Chị Nguyễn Thị Hồng Diễm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Thạnh 1 cho biết: “Tổ hợp tác có 10 hội viên phụ nữ tham gia, chị em hùn vốn để giúp nhau phát triển vườn cây ăn trái sạch, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc, giúp nhau đổi công khi đến mùa thu hoạch để tiết kiệm chi phí và liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Mô hình tổ hợp tác chỉ mới thành lập được gần 2 năm, nhưng đem lại hiệu quả rất lớn, sản phẩm mận hồng ST do các chị em trồng được người tiêu dùng ưa thích, thương lái đến tận vườn tìm mua với giá dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg”.
Qua những tấm gương, mô hình tiêu biểu học tập, làm theo Bác ở mọi cấp, ngành, địa phương cho thấy đó là những tấm gương bình dị, nhưng dám nghĩ, dám làm, kiên trì học tập, làm theo Bác nên có hiệu quả, lan tỏa, thuyết phục trong xã hội; có những việc rất khó, nhưng người dân lo liệu cũng xong.
Chính vì thế, việc học tập và làm theo Bác đã có nhiều chuyển biến rõ nét, tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng, hành động, trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện Cù Lao Dung. Từ phong trào thi đua học tập và làm theo Bác, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, những điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực, góp phần lan tỏa, nhân lên những giá trị tốt đẹp ở mảnh đất cù lao nơi có Đền thờ Bác Hồ.