Thận trọng với thông tin sức khỏe trên mạng xã hội

Việc người dân tin tưởng và áp dụng những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Tràn lan thông tin sức khỏe sai lệch trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Tràn lan thông tin sức khỏe sai lệch trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Tràn lan phương pháp phòng bệnh kỳ lạ

Thời gian gần đây, tình hình cúm diễn biến phức tạp với nhiều ca bệnh nặng khiến người dân lo lắng về sức khỏe của bản thân và gia đình. Để chủ động phòng ngừa cúm, nhiều người áp dụng các phương pháp đặc hiệu và không đặc hiệu được khuyến cáo bởi Bộ Y tế và chuyên gia y tế như: tiêm vaccine, đeo khẩu trang, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, tăng cường sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc nơi đông người,… Tuy nhiên, bên cạnh những phương pháp nói trên, mạng xã hội cũng lan truyền những phương pháp phòng bệnh kỳ lạ, nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Một trong số đó là hàng loạt bài viết trên mạng xã hội với tiêu đề “Giúp bé tăng đề kháng, vượt ốm tự nhiên với máy sấy tóc” thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác và chia sẻ. Theo bài viết, việc sử dụng máy sấy tóc không chỉ giúp làm ấm cơ thể mà còn hỗ trợ trẻ vượt ốm không kháng sinh nhờ tác động nhiệt giúp tăng tuần hoàn máu, làm loãng đờm, kích thích hệ miễn dịch và hỗ trợ tiêu hóa. Bài viết còn bao gồm các hướng dẫn đi kèm như khuyến nghị đặt máy sấy trong áo, sấy dọc sống lưng, hai bên phổi, gan bàn chân để phòng ngừa cảm lạnh. Ngoài ra, việc sấy gan bàn chân và lòng bàn tay trong 3 - 5 phút được cho là giúp trẻ ngủ ngon, sấy quanh rốn theo chiều kim đồng hồ giúp kích thích tiêu hóa,...

Cũng rộ lên trên mạng xã hội là phương pháp trồng hành tây để “hút” virus cúm và diệt khuẩn, làm sạch không khí. Bài viết cho biết có thể đuổi virus cúm bằng việc trồng củ hành tây trong nước, đặt rải rác khắp nhà. Để tăng độ tin cậy, bài viết còn trích dẫn một câu chuyện liên quan đến đại dịch cúm năm 1919, theo đó, một bác sĩ được người nông dân chia sẻ bí quyết phòng bệnh bằng cách đặt một củ hành tây trên bàn. Khi mang củ hành tây này về soi dưới kính hiển vi, ông phát hiện bên trong bám đầy siêu vi trùng.

“Gạn đục, khơi trong” khi tiếp cận thông tin

Có thể thấy, dù chỉ xuất phát từ những bài đăng trên mạng xã hội, không có cơ sở khoa học hay xác nhận từ các chuyên gia y tế, nhưng hai phương pháp trên vẫn được nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh chia sẻ và tham khảo để áp dụng cho gia đình. Tuy nhiên, việc tin tưởng và áp dụng những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Đơn cử như phương pháp dùng máy sấy tóc giúp trẻ “tăng đề kháng, vượt ốm tự nhiên”, theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh - Thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, việc tăng đề kháng cho trẻ không liên quan gì đến dùng máy sấy tóc làm ấm tay chân, gáy, lưng… Máy sấy tóc thực chất chỉ là một thiết bị hỗ trợ sưởi ấm, không có tác dụng điều trị bệnh. Bên cạnh đó, các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản do vi khuẩn chứ không phải do lạnh gây ra, nên việc sấy lưng hay sấy huyệt sẽ không có tác dụng.

Tương tự, phương pháp trồng hành tây để “hút” virus cúm cũng được nhận định là phương pháp phản khoa học. Thông tin về việc hành tây chữa cúm đã xuất hiện từ lâu và thường được lan truyền trên mạng xã hội, tuy nhiên các chuyên gia y tế khẳng định hành tây không có tác dụng trong việc ngăn ngừa hay tiêu diệt virus cúm.

Trên trang fanpage của Thông tin Chính phủ đã đăng tải ý kiến của bác sĩ Trần Hải Long, chuyên khoa Y học cổ truyền, Học viện Y Dược cổ truyền khẳng định, phương pháp trên hoàn toàn không chính xác, không có chứng cứ khoa học. Dùng hành tây để xua đuổi virus cúm chỉ là hành động “câu view”, “câu like” trên mạng xã hội. Theo bác sĩ Long, về bản chất thì hành tây sẽ không gây hại. Tuy nhiên thay vào đó, mọi người nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa cúm đã được chứng minh hiệu quả, như: Tiêm phòng cúm đầy đủ; Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc khi tiếp xúc với người bệnh; Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh hô hấp, những người ho, sổ mũi nên nghỉ làm, nghỉ học, không ra ngoài;...

Thực tế, mỗi ngày trên mạng xã hội xuất hiện vô số thông tin về sức khỏe chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học và không bảo đảm độ chính xác, được đăng tải với mục đích “câu like”, “câu view”. Những thông tin này không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Trước thực trạng này, người dân cần tỉnh táo, chọn lọc thông tin từ những nguồn chính thống, đáng tin cậy như các trang web, nền tảng mạng xã hội của Chính phủ, ban, ngành, cơ quan báo chí, bệnh viện và trung tâm y tế.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/than-trong-voi-thong-tin-suc-khoe-tren-mang-xa-hoi-post540078.html
Zalo