Thận trọng với các bệnh do thời tiết nắng nóng

Những ngày gần đây, thời tiết tại TP Hồ chí Minh và khu vực Nam Bộ đang bước vào giai đoạn nắng nóng gay gắt khiến số người đến khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện liên tục tăng. Các bệnh lý thường gặp trong mùa nắng nóng là viêm đường hô hấp, tiêu hóa, say nắng, bỏng da, viêm da cơ địa…

Nhiều người đổ bệnh vì nắng nóng

Ngồi đợi lấy thuốc tại Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), bà Ng. Th. B. (67 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết, bà có bệnh nền là tăng huyết áp, mấy ngày nay thời tiết nắng nóng khiến bà hay bị mệt, ăn uống kém, đau họng...

“Mấy ngày nay, cứ nhìn ra ngoài đường thấy trời nắng là tôi chóng mặt, khó thở. Tôi bị đau họng, ho cả tuần nay mà uống thuốc không hết. Hôm nay tôi đã đến bệnh viện khám, bác sĩ nói tôi bị viêm phế quản”, bà Ng. Th. B nói.

Mỗi ngày Bệnh viện Thống Nhất có khoảng từ 2.200 - 2.500 lượt khám bệnh.

Mỗi ngày Bệnh viện Thống Nhất có khoảng từ 2.200 - 2.500 lượt khám bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Anh Vũ, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Thống Nhất cho biết, hàng năm, khi thời tiết thay đổi hoặc vào mùa nắng nóng gay gắt, người cao tuổi thường đến khám bệnh đông hơn. Tính từ đầu mùa nóng đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng khoảng 20% so với trước đó. Trung bình mỗi ngày, khoa Khám bệnh Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận khoảng 2.200 - 2.500 lượt bệnh nhân. Số bệnh nhân đến khám chủ yếu là nhóm bệnh lý liên quan đến hô hấp, tai mũi họng, tim mạch. Bên cạnh đó, bệnh nhân nhồi máu cơ tim, đột quỵ não cũng tăng.

Còn theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, số bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan về hô hấp cũng tăng, trong đó có cả trẻ em và người lớn. Bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi ngày có trên 200 trường hợp đến khám các bệnh viêm mũi, họng, tăng 25% so với trước Tết. Phần lớn, người bệnh bị viêm mũi họng cấp, viêm amidan, viêm mũi xoang cấp.

Trẻ em cũng là nhóm đối tượng dễ mắc các bệnh trong mùa nắng nóng.

Trẻ em cũng là nhóm đối tượng dễ mắc các bệnh trong mùa nắng nóng.

Lý giải nguyên nhân khiến bệnh nhân bị viêm đường hô hấp sau Tết tăng, bác sĩ Nguyễn Thị Hương cho rằng, phần lớn người bệnh chủ yếu di chuyển từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào TP Hồ Chí Minh sau Tết, do đó cơ thể đối diện với sự thay đổi nhiệt độ từ lạnh sang nóng và chênh lệch mức nhiệt quá cao nên sức đề kháng cơ thể không kịp thích nghi, dẫn đến “hệ thống phòng vệ đầu tiên” là đường mũi họng bị bệnh trước tiên.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hương, nắng nóng, oi bức, nhiệt độ tăng cao khiến cơ thể khó thích ứng; đồng thời cũng làm cho cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, sức đề kháng suy giảm, nguy cơ mắc bệnh rất cao. Tuy nhiên, không ít trường hợp người bệnh viêm đường hô hấp tự uống kháng sinh dẫn đến kháng thuốc hoặc uống các bài thuốc dân gian dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm khiến virus, vi khuẩn tấn công sâu xuống đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản. Chưa kể, về mặt y khoa, uống kháng sinh không tiêu diệt được virus gây bệnh. Lúc này, việc điều trị tốn kém và kéo dài.

Nhiều người bệnh đợi đến lượt khám các bệnh về mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh. Ảnh: BV

Nhiều người bệnh đợi đến lượt khám các bệnh về mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh. Ảnh: BV

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân M. T (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bị sốt, ho, đau họng từ trước Tết nhưng tự uống thuốc tại nhà. Đến khi tình trạng ho kéo dài, bệnh nhân mệt mỏi, uống thuốc không hết, anh đã đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, khó thở, đau ngực. Kết quả chụp X-quang ghi nhận người bệnh đã bị viêm phổi.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng như say nắng, say nóng hay đột quỵ do nắng nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước hoặc là do thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do nắng nóng là người già, trẻ em, phụ nữ; những người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, đái tháo đường, gan, ung thư… Những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng...

Nổi mề đay, bỏng da do nắng nóng

Chị Ng. Th. H (ngụ thành phố Thủ Đức) cho biết, sau Tết, chị lên TP Hồ Chí Minh đi làm lại, tay và chân của chị bỗng dưng nổi các mụn nhỏ li ti và ngứa. “Mới đầu chỉ có một vài mụn ở cánh tay, tôi ra hiệu thuốc thì họ nói tôi bị dị ứng thời tiết. Uống thuốc dị ứng không hết mà các nốt mụn này càng nổi nhiều hơn, ngứa ngáy rất khó chịu, gãi chảy cả máu. Lo lắng nên tôi đến bệnh viện khám và các bác sĩ nói tôi bị viêm da cơ địa, cho thuốc về bôi và uống”, chị Th. H kể.

Một trường hợp bệnh nhân nổi mề đay khám tại Bệnh Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: BV

Một trường hợp bệnh nhân nổi mề đay khám tại Bệnh Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: BV

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu tháng 2/2024 đến nay, ghi nhận số ca mắc các bệnh da liễu liên quan đến thời tiết nắng nóng như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã nhờn, mẩn ngứa, mề đay… tăng 30% so với trước Tết. Bệnh nhân khám ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn.

Tương tự, bác sĩ Trần Vũ Anh Đào, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, thời tiết nắng nóng làm gia tăng các bệnh về da như viêm da cơ địa, bị bỏng da do đi ngoài trời nắng. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 100 trường hợp liên quan đến các bệnh lý về da do thời tiết nắng nóng.

Chẳng hạn, một trường hợp bệnh nhân nữ 45 tuổi ngụ TP Hồ Chí Minh đến bệnh viện khám trong tình trạng bỏng rát vùng da mặt, cổ do trước đó đi ngoài trời nắng. Qua thăm khám, bệnh nhân nữ này có nhiều hồng ban, bong tróc da. Bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm da do nắng.

Khi phải ra ngoài, mọi người nên che chắn cơ thể khỏi ánh nắng bằng cách đeo khẩu trang, váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay và vớ chân...

Khi phải ra ngoài, mọi người nên che chắn cơ thể khỏi ánh nắng bằng cách đeo khẩu trang, váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay và vớ chân...

Theo bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, khi thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng, độ ẩm cao gây nhiều ảnh hưởng trên da, làm tăng nhiệt độ da, thay đổi độ pH, tăng tiết mồ hôi và bã nhờn, từ đó dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông, dễ viêm da, rối loạn hệ vi sinh vật trên da (nấm, vi khuẩn) khiến da nhạy cảm hơn. Thêm nữa, các yếu tố môi trường khác như bụi, phấn hoa, ô nhiễm, hóa chất… dễ gây kích ứng da, tạo các phản ứng không có lợi, từ đó làm bùng các bệnh da liễu.

Thời tiết nóng còn khiến lỗ chân lông giãn nở khiến cho bụi bẩn dễ dàng xâm nhập và tích tụ lại, làm bít tắc lỗ chân lông tạo thành mụn.

Trẻ nhỏ đổ mồ hôi nhiều khiến các vùng như bẹn, mông, nách; các nếp gấp ở cổ, khuỷu tay, khóe chân kém thông thoáng, ẩm ướt, thiếu vệ sinh càng dễ bị nhiễm nấm, rôm sảy, mụn, viêm da. Khi ngứa ngáy, trẻ gãi nhiều hơn là yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng bệnh, bội nhiễm (nhiễm thêm vi khuẩn, virus khác) hoặc khiến bệnh lan ra các vùng khác của cơ thể.

Theo bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, các bệnh da liễu không gây nguy hiểm tới tính mạng nên dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, một số bệnh có thể trở thành mạn tính như mề đay, viêm da cơ địa, viêm da… ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh.

Bác sĩ Bích khuyến cáo, khi có các triệu chứng bất thường trên da như ngứa nhiều, phát ban, mẩn đỏ, nổi mụn nước kéo dài hoặc có dấu hiệu nặng hơn, người bệnh cần tới bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt, người bệnh không nên tự điều trị tại nhà bằng các loại lá cây, thuốc gia truyền để tránh biến chứng.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh nắng nóng, cụ thể:

Uống đủ nước: Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.

Hạn chế tiếp xúc với nắng nóng: Tránh ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Khi phải ra ngoài hãy che chắn cơ thể khỏi ánh nắng bằng cách đeo khẩu trang, váy chống nắng, áo khoác dài tay, găng tay và vớ chân. Chọn những chất liệu vải thông thoáng và dễ thấm hút mồ hôi.

Nghỉ ngơi và thích nghi với nhiệt độ: Nếu đang ở trong phòng điều hòa, hãy tạo khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài trước khi ra ngoài trời.

Ăn uống hợp lý: Tăng cường ăn rau xanh và hoa quả, có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt, hãy uống đủ nước và tránh uống quá nhiều cà phê hoặc đồ uống có cồn.

Rèn luyện thân thể và tăng cường sức đề kháng: Thường xuyên tập thể dục để cơ thể luôn khỏe mạnh.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/than-trong-voi-cac-benh-do-thoi-tiet-nang-nong-20240302200358276.htm
Zalo