'Thần linh pháp quyền' trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về pháp luật có giá trị soi đường cho công tác lập pháp và hoàn thiện thể chế nhằm tạo đà cho đất nước vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, không chỉ là người khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà còn là người đặt nền móng cho hệ thống pháp luật hiện đại Việt Nam. Trong di sản tư tưởng mà Người để lại, pháp luật giữ một vị trí hết sức quan trọng, gắn liền với lý tưởng phụng sự nhân dân, với tinh thần dân chủ, kỷ cương và đạo đức cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật là sự kết tinh giữa truyền thống pháp lý dân tộc, tinh hoa pháp lý nhân loại và chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời phản ánh sâu sắc điều kiện lịch sử, văn hóa và yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội, là nền tảng cho sự phát triển của quốc gia.

Ngay từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện tầm nhìn vượt thời đại về vai trò của pháp luật trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Không phải ngẫu nhiên mà toàn bộ 8 điều trong "Bản yêu sách của Nhân dân An Nam" gửi tới Hội nghị Versailles năm 1919 đều xoay quanh vấn đề pháp lý – từ quyền tự do báo chí, quyền lập hội, đến bình đẳng trước pháp luật. Đó là một "yêu sách pháp quyền" đúng nghĩa, khi Người đặt nền móng cho tư tưởng coi pháp luật là công cụ bảo vệ dân quyền, là hàng rào chắn chống lại mọi áp bức chuyên chế. Sau đó, chính bản yêu sách này đã được Nguyễn Ái Quốc dịch ra tiếng Việt theo thể thơ lục bát chuyển về phổ biến rộng rãi với đồng bào trong nước dưới nhan đề "Việt Nam yêu cầu ca" cũng tiếp tục nhấn mạnh: "Bảy xin hiến pháp ban hành / Trăm điều phải có thần linh pháp quyền". "Thần linh" ở đây không phải bóng dáng của một thế lực siêu nhiên, mà chính là biểu tượng cho sự thiêng liêng và bất khả xâm phạm của luật pháp – nơi mà mọi người, không trừ ai, đều phải sống, hành động trong khuôn khổ của pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách công bằng. Tư tưởng đó không chỉ là khát vọng, mà là lời hiệu triệu cho một thể chế mà ở đó, luật pháp không còn là đặc quyền của một thiểu số, mà là nền tảng cho tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu phải xây dựng pháp luật một cách toàn diện, không chỉ quy định về tổ chức nhà nước mà cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh…Tư tưởng pháp luật của Người không dừng ở những quy định cụ thể mà còn bao trùm tầm nhìn chiến lược: xây dựng một hệ thống pháp luật có khả năng kiến tạo phát triển, thúc đẩy đổi mới, bảo đảm an sinh xã hội và chủ động hội nhập quốc tế. Đây là kim chỉ nam cho công cuộc cải cách thể chế hiện nay, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu cao hơn về chất lượng thể chế, hiệu lực thi hành pháp luật và năng lực quản trị quốc gia.

Ngày 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Ảnh: TTXVN).

Ngày 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Ảnh: TTXVN).

Thứ hai, pháp luật là công cụ bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.

Một trong những luận điểm cốt lõi của Hồ Chí Minh là mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, Người nói: "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ". Theo Người, pháp luật không đơn thuần là công cụ để quản lý nhà nước, mà trước hết là phương tiện để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Bởi vậy, chỉ 1 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, giữa bộn bề các công việc cần giải quyết của một chính thể vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày trước Hội đồng Chính phủ Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó nhiệm vụ thứ ba được đề cập là xây dựng một Hiến pháp dân chủ. Hiến pháp năm 1946 do Hồ Chủ tịch chỉ đạo soạn thảo đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập một Nhà nước của nhân dân, thiết lập trật tự xã hội trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháp luật không phải để áp đặt mà để tạo điều kiện cho nhân dân tham gia xây dựng và kiểm soát quyền lực nhà nước. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Dân là chủ thì pháp luật phải đảm bảo cho dân có quyền kiểm soát nhà nước. Vì thế, điều 6 Hiến pháp năm 1959 ghi rõ: "Tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân". Thậm chí, dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng. Hồ Chí Minh thấu hiểu, "nhân quyền" và "đặc quyền" luôn đối lập nhau; khi đặc quyền tồn tại thì nhân quyền bị vi phạm, khi nhân quyền được thực thi thì đặc quyền bị xóa bỏ nên để bảo vệ quyền lợi của dân, tất yếu pháp luật phải chống các căn bệnh "cố hữu" của Nhà nước như tham ô, lãng phí, quan liêu. Vì lẽ đó, Hồ Chí Minh đã ban bố Quốc lệnh mà ở đó, tội tham ô cũng phải chịu án "tử hình". Tóm lại, đảm bảo vị thế "là chủ", "làm chủ" và mọi lợi quyền của nhân dân là sứ mệnh của pháp luật.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu pháp luật phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, gắn liền với thực tiễn.

Một điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh là pháp luật phải gần gũi với nhân dân. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, pháp luật sinh ra không vì một cái gì khác hơn là vì dân, không được thể hiện cái gì khác ngoài ý nguyện của nhân dân. Vì dân chính là nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng hệ thống pháp luật của nước ta. Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Cách mạng tháng Tám thành công ta lập ra Chính phủ mới với pháp luật mới của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân". Theo Bác, tính dân chủ của pháp luật không chỉ thể hiện ở chỗ nội dung các đạo luật ghi nhận quyền và lợi ích của nhân dân mà còn thể hiện ở chỗ nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng các đạo luật. Việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ sáng kiến của nhân dân, có sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân. Trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 1959, việc bảo đảm sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân vào xây dựng pháp luật đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Để đảm bảo pháp luật thực sự của nhân dân, trong quá trình xây dựng Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: "Bản Hiến pháp mà chúng ta đã thảo ra… phải tiêu biểu được các nguyện vọng của nhân dân... Sau khi thảo xong chúng ta cần phải trưng cầu ý kiến của nhân dân cả nước một cách thật rộng rãi. Có như thế bản Hiến pháp của chúng ta mới thật sự là bản Hiến pháp của chế độ dân chủ".

Trong thực tiễn lãnh đạo đất nước, Người không viết những văn bản pháp lý dài dòng, rườm rà mà ưu tiên các sắc lệnh, chỉ thị ngắn gọn, rõ ràng, súc tích, phù hợp với trình độ tiếp nhận của đại đa số nhân dân. Người phê phán mạnh mẽ thói quan liêu, hình thức, xa rời thực tế trong việc ban hành và thực thi pháp luật, nhấn mạnh rằng pháp luật phải "thấm vào lòng người" chứ không chỉ nằm trên giấy. Quan điểm "pháp luật cho dân, vì dân" ấy vẫn mang giá trị sống động trong công cuộc hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật hiện nay, đặc biệt khi Đảng, Nhà nước nhấn mạnh việc xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam.

“Lấy dân làm gốc” - luận điểm quan trọng hàng đầu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật.

“Lấy dân làm gốc” - luận điểm quan trọng hàng đầu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật.

Thứ tư, Người nhấn mạnh đến sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp luật và đạo đức trong quản lý nhà nước và xã hội.

Là người theo lập trường mácxít về nhà nước và pháp luật, hiển nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đề cao pháp luật. Tư tưởng và hành động của Người đã chứng minh điều ấy. Nhưng là một người Á Đông vốn thấu hiểu bản chất và những giới hạn vốn có của pháp trị cũng như thấu hiểu sự trường tồn và vai trò của đức trị nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không tuyệt đối hóa một trong hai công cụ quản lý nhà nước ấy. Người chủ trương xây dựng nền chính trị đạo đức được đảm bảo bởi sức mạnh của luật pháp, ở đó, pháp luật là "đạo đức tối thiểu", đạo đức là "pháp luật tối đa"; đạo đức là "gốc", pháp luật là "chuẩn". Coi đạo đức là gốc của luật pháp nên khi giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, trước hết Hồ Chí Minh dùng phương pháp nêu gương, làm gương; chỉ khi "làm gương không xong, thì sẽ dùng luật pháp mà trị". Tư tưởng pháp luật và đạo đức phải hòa quyện "làm một" đã được thể hiện trong lời căn dặn của Người về đạo đức công dân: "Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là: Tuân theo pháp luật Nhà nước". Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, coi việc cán bộ đảng viên không tuân thủ pháp luật là một trong những nguy cơ gây mất lòng tin của nhân dân, dẫn đến suy thoái chính trị và xã hội. Chính vì vậy, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là tấm gương sáng ngời về tinh thần đề cao, tôn trọng pháp luật song song với việc kiên trì và bền bỉ trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Thứ năm, yêu cầu pháp luật Việt Nam phải phù hợp với các giá trị tiến bộ của luật pháp quốc tế và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Khi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, luôn tiến bước cùng trào lưu thế giới thì tất yếu, luật pháp Việt Nam không thể đối lập với luật pháp thế giới. Hơn nữa, Hồ Chí Minh luôn chủ trương duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước khác trên thế giới nên pháp luật Việt Nam phải là kim chỉ nam cho công tác xây dựng pháp luật về đối ngoại và hội nhập. Vì thế, mặc dù được xây dựng gấp rút nhưng Lời nói đầu của bản Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định hiến pháp Việt Nam "cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại". Sau này, khi chỉ đạo xây dựng Hiến pháp năm 1959, vượt qua những định kiến hẹp hòi về vấn đề ý thức hệ đang rất nặng nề lúc đó, Hồ Chí Minh đã đặt yêu cầu không chỉ phải nghiên cứu kỹ tình hình đất nước, nghiên cứu lại bản Hiến pháp năm 1946 mà còn phải "tham khảo Hiến pháp của các nước bạn và của một số nước tư bản có tính chất điển hình". Kế thừa pháp lý nhân loại, kể cả pháp lý tư sản, là tầm nhìn và tư duy rộng mở của Hồ Chí Minh vì suy cho cùng, văn minh pháp lý tư sản cũng là thành tựu chung của nhân loại.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/than-linh-phap-quyen-trong-tu-tuong-ho-chi-minh-204250518095631326.htm
Zalo