Thần đồng sinh non ở tháng thứ 7 lập kỷ lục Guinness khi 5 tuổi tự lái máy bay, 11 tuổi tốt nghiệp đại học hiện ra sao?
Thần đồng Hà Nghi Đức sinh non ở tháng thứ 7 lập kỷ lục Guinness khi 5 tuổi tự lái máy bay, 11 tuổi tốt nghiệp đại học nhờ phương pháp 'giáo dục đại bàng' khắc nghiệt của người bố.
Thần đồng sinh non ở tháng thứ 7 lập kỷ lục Guinness khi 5 tuổi tự lái máy bay, 11 tuổi tốt nghiệp đại học

Hình ảnh cởi trần chạy dưới tuyết, nhiệt độ -13 độ C của Hà Nghi Đức từng gây tranh cãi. (Ảnh: QQ)
Năm 2010, cậu bé 5 tuổi tên Hà Nghi Đức gây chấn động Trung Quốc khi trở thành phi công trẻ nhất thế giới. Cậu lái một chiếc máy bay siêu nhẹ trong 47 phút, thiết lập kỷ lục Guinness. Cậu tiếp tục gây kinh ngạc khi vào đại học danh tiếng lúc 8 tuổi. Hà Nghi Đức trở thành thần đồng và hình mẫu "con nhà người ta" trong mắt nhiều người. Con đường học vấn và cuộc sống hiện tại của cậu tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng quốc gia tỷ dân, theo Sohu.
Để chuẩn bị cho buổi lái máy bay, cậu bé 5 tuổi phải tập luyện trong nửa năm với thời gian biểu khắc nghiệt. Cũng trong năm đó, ông bố đồng hành cùng con đi bộ qua sa mạc. Nhiều cha mẹ xót xa cho cậu bé nhưng với ông Hà Liệt Thắng, chuyến đi đã "rèn luyện cho con trai tôi kỹ năng sinh tồn khi tự tìm kiếm thức ăn và nước uống trên đường".
Nhiều người, khi biết những gì Hà Nghi Đức làm được, đều cho rằng cậu bé hẳn phải có sức mạnh phi thường. Nhưng ít ai biết rằng Hà Nghi Đức từng được sinh non khi mẹ của em mới mang thai 7 tháng.
Thời điểm cậu bé mới ra đời, bác sĩ cảnh báo nguy cơ bị bại não. Cú sốc này khiến ông Hà Liệt Thắng, một doanh nhân ở Nam Kinh, quyết định rèn luyện con theo cách khác biệt và khắc nghiệt.
Để rèn luyện vóc dáng và tâm lý cho con trai, ông Hà Liệt Thắng lập ra một loạt kế hoạch tập luyện cho con. Theo đó, Hà Nghi Đức thức dậy lúc 6h45 và đi ngủ khi 20h30.
Năm 2012, một đoạn video chia sẻ cảnh Hà Nghi Đức, khi đó mới 4 tuổi, cởi trần chạy dưới tuyết ở New York (Mỹ) khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Cậu bé 4 tuổi chỉ mặc một chiếc quần cộc màu vàng, nhiệt độ ngoài trời -13 độ C. Nghi Đức vừa chạy vừa gào khóc gọi bố mẹ nhưng ông Hà Liệt Thắng động viên con tiếp tục chạy, rèn luyện trong thời tiết giá lạnh.
Video nhận được hơn 200.000 lượt chia sẻ chỉ sau vài ngày kèm theo hàng nghìn bình luận từ cộng đồng mạng. 80% trong số đó phản đối, tỏ ra bất bình với hành động của ông bố.
Tuy nhiên, đáp trả lại những chỉ trích, ông Hà Liệt Thắng chia sẻ với Global Times: "Tôi yêu con bằng cả trái tim. Con trai tôi sinh non vào tháng 7 với nhiều chứng bệnh. Bác sĩ còn nói con có thể bị bại não. Tôi không thể để điều đó xảy ra".
Triết lý dạy con của vị doanh nhân là "Giáo dục đại bàng". "Giống như một con đại bàng, tôi đẩy con mình tới giới hạn để nó học cách bay", ông nói.
Dưới sự giáo dục hà khắc của cha mẹ, 2 tuổi, Hà Nghi Đức tập luyện leo núi cùng bố, chạy bộ 2 km mỗi ngày. Cậu bé còn được huấn luyện đi xe đạp, tập võ…

Hà Nghi Đức trở thành phi công trẻ nhất thế giới khi 5 tuổi. (Ảnh: QQ)
Tháng 8/2012, cậu bé tham gia cuộc đua thuyền quốc tế. Tháng 9/2012, cậu là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn leo núi Fujiyama ở Nhật Bản trong suốt 15 giờ. Năm 5 tuổi, He Yide hoàn thành toàn bộ chương trình học cấp tiểu học.
Năm 9 tuổi, cậu bé đăng ký thi Đại học Nam Kinh. Đến năm 11 tuổi, Hà Nghi Đức vượt qua 18 môn học của trường với điểm trung bình là 70.3. Cậu đủ điều kiện thi tốt nghiệp của trường.
Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh cách giáo dục con của gia đình Hà Nghi Đức, nhưng không thể phủ nhận những điều mà cậu bé làm được.
11 tuổi, người ta không thể tưởng tượng đây là đứa trẻ sinh non từng được chẩn đoán có nguy cơ bị bại não. Từ những bài tập khắc nghiệt của bố, Hà Nghi Đức giành được nhiều kỷ lục thế giới như: Phi công trẻ nhất thế giới, Thủy thủ trẻ nhất thế giới...
Thần đồng Hà Nghi Đức hiện ra sao?

Chàng trai thừa nhận rằng tuy không có tuổi thơ hạnh phúc như em gái nhưng cậu vẫn cảm thấy thời thơ ấu của mình có ý nghĩa. Ảnh: Baidu
Hà Nghi Đức không tự mãn sau khi vào Đại học Nam Kinh mà tiếp tục duy trì kỷ luật nghiêm khắc trong học tập. Năm 2019, cậu tốt nghiệp cử nhân và sau đó tham gia nhiều chương trình trí tuệ của Trung Quốc.
Thành công của Hà Nghi Đức tiếp tục được nhiều người ngưỡng mộ nhưng cũng đặt ra những câu hỏi về hạnh phúc thật sự của một thần đồng.
Trong một cuộc phỏng vấn, Hà Nghi Đức chia sẻ: "Thực ra, cháu chưa bao giờ thích cách giáo dục của cha. Ông ấy quá nghiêm khắc và cháu muốn có một cuộc sống bình thường".
Dù vậy, trong một cuộc trò chuyện sau này, chàng trai thừa nhận tuy không có tuổi thơ hạnh phúc như em gái nhưng cậu vẫn cảm thấy thời thơ ấu của mình có ý nghĩa. Mỗi lần nói về cha, cậu vẫn nhìn ông với ánh mắt kính trọng nhưng cũng xen lẫn sự dè dặt.
Hiện tại, Hà Nghi Đức tiếp tục học tập tại nhà, duy trì lịch trình nghiêm ngặt và chuẩn bị theo đuổi bằng thạc sĩ và tiến sĩ cùng lúc.
Khi Hà Nghi Đức đạt những thành tích đáng nể, dư luận Trung Quốc vào thời điểm ấy có nhiều phản ứng trái chiều. Một số người ca ngợi cậu như một thiên tài, minh chứng cho hiệu quả của phương pháp "giáo dục đại bàng". Tuy nhiên, không ít người lo ngại rằng việc đào tạo con trẻ theo cách quá khắc nghiệt có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý và xã hội của chúng giai đoạn sau này.