Tham vọng tích hợp vũ khí laser trên phương tiện chiến đấu chiến thuật của Mỹ

Là một trong những lĩnh vực phát triển vũ khí chùm năng lượng cao của tương lai, sử dụng nguyên lý phi truyền thống, vũ khí laser đang là một trong những trọng tâm phát triển của Quân đội Mỹ. Đặc biệt, Lầu Năm Góc đang định hướng phát triển các tổ hợp vũ khí laser nhỏ gọn, phù hợp để đặt trên khung gầm xe dã chiến.

Mặc dù có rất nhiều lợi thế, nhưng hàng loạt vấn đề về công nghệ, đặc biệt là vật liệu và nguồn năng lượng chuyển đổi đã khiến quá trình phát triểnviệc thu nhỏ và triển khai vũ khí laser chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Giới chuyên gia quân sự vẫn hoài nghi về dòng vũ khí năng lượng cao này và chúng chưa thể đáp ứng khả năng thay thế vũ khí truyền thống trong ngắn hạn.

Rào cản công nghệ

Hướng phát triển vũ khí laser chính của Quân đội Mỹ hiện tại là các tổ hợp vũ khí phòng không hỗn hợp, kết hợp giữa pháo, tên lửa phòng không truyền thống với các hệ thống laser quân sự mang năng lượng cao. Vũ khí phòng không kết hợp mới có tiềm năng đối phó với nhiều loại mục tiêu trên không, từ các phương tiện bay tới các loại đạn pháo, tên lửa của đối phương. Giới chức Lầu Năm Góc kỳ vọng, mẫu vũ khí laser mới được kỳ vọng tạo ra cuộc cách mạng trong lưới phòng không tầm thấp của Quân đội Mỹ.

 Quân đội Mỹ đang tìm cách tích hợp vũ khí laser lên khung gầm phương tiện dã chiến để tạo ra vũ khí cấp chiến thuật hiệu quả cao.

Quân đội Mỹ đang tìm cách tích hợp vũ khí laser lên khung gầm phương tiện dã chiến để tạo ra vũ khí cấp chiến thuật hiệu quả cao.

Toàn bộ hệ thống vũ khí laser mới với tên gọi SHORAD được thiết kế để lắp đặt được trên xe bọc thép bánh hơi Stryker, vốn là khung gầm cơ sở của nhiều dòng vũ khí hiện có của Quân đội Mỹ. Trong biên chế, chúng sẽ đảm nhiệm vai trò của vũ khí phòng không tầm thấp Avenger. Trong các bài thử nghiệm mới đây, SHORAD đã thể hiện khả năng chiến đấu với tên lửa đối không AIM-9X Sidewinder và trong tương lai sẽ là hệ thống vũ khí laser có công suất 50 Kilowatt.

Các nhà phát triển nhấn mạnh, SHORAD sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực vũ khí phòng không chiến thuật. Vũ khí laser có nhiều ưu điểm hơn so với vũ khí truyền thống. Với tốc độ chiếu xạ tương đương ánh sáng, vũ khí laser có thể tiêu diệt mục tiêu gần như ngay lập tức.

Cùng với vũ khí laser lục quân, Quân đội Mỹ cũng tích cực phát triển vũ khí laser trang bị cho các quân, binh chủng khác. Hải quân Mỹ trong thời gian dài đã thử nghiệm hệ thống vũ khí laser trên tàu hải quân USS Portland. Do không bị giới hạn về không gian triển khai, vũ khí laser trên hạm có công suất phát tới 150 Kilowatt. Chúng không chỉ đủ khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay, mà thậm chí các tàu cao tốc của đối phương cũng có thể bị laser đốt cháy.

Bắt đầu từ năm 2015, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm hệ thống laser XN-1 LaWS trên chiến hạm USS Ponce với nhiều điều kiện chiến đấu khác nhau tại Vịnh Ba-tư. Hệ thống vũ khí laser này ngoài chức năng phòng thủ, còn được dùng với mục tiêu phi sát thương là vô hiệu hóa hoặc phá hủy các thiết bị quan sát quang-điện tử của đối phương.

Dù có rất nhiều tiềm năng, nhưng triển vọng vũ khí laser có thể thay thế vũ khí truyền thống khó có thể diễn ra trong một sớm, một chiều. Chuyên gia quân sự Victor Murakhovsky, Tổng biên tập Tạp chí Sức mạnh quân sự quốc gia Nga đánh giá, ở thời điểm hiện tại, vũ khí laser mới chỉ đáp ứng ở khả năng tác chiến hạn chế.

Đối với vũ khí năng lượng cao như laser, nguồn cung cấp năng lượng điện là tối quan trọng. Thực tế, tổ hợp vũ khí laser có thể nhỏ gọn, nhưng hệ thống cung cấp điện cho chúng thường rất cồng kềnh. Đây chính là hạn chế khi biến laser thành vũ khí ở điều kiện dã chiến. Cùng với đó, vũ khí năng lượng cao này hiện tại chỉ đáp ứng được khả năng chiến đấu trong tầm nhìn (khoảng dưới 10km).

“Năng lượng của chùm tia laser sẽ bị suy hao đáng kể do mây mưa hoặc sương mù, thậm chí là cả khói bụi. Chúng không có khả năng xuyên qua các đám mây”, ông Victor Murakhovsky cho biết.

Một vấn đề kỹ thuật quan trọng khác là vũ khí laser phát sinh nhiệt lượng rất lớn và chưa có vật liệu nào đáp ứng tần suất hoạt động liên tục của tổ hợp trong thời gian dài. Chính vì thế, vũ khí laser áp dụng các phương pháp tản nhiệt truyền thống vẫn chưa đáp ứng được khả năng hoạt động thực chiến.

“Xét về nhiều khía cạnh, vũ khí laser có thể đối phó tốt với các thiết bị bay không người lái. Tuy nhiên, để thay thế các loại vũ khí truyền thống sử dụng hóa năng thì chưa đáp ứng được”, Tổng biên tập Tạp chí Sức mạnh quân sự quốc gia Nga nhận định.

Dù có năng lượng rất lớn, nhưng chùm laser lại rất dễ mất năng lượng khi gặp các điều kiện bất lợi như mây mù, khói bụi.

Dù có năng lượng rất lớn, nhưng chùm laser lại rất dễ mất năng lượng khi gặp các điều kiện bất lợi như mây mù, khói bụi.

Một hướng phát triển vũ khí tương lai

Với xu thế phát triển hiện tại, vũ khí laser chính là tương lai. Điều này có thể thấy rõ ràng qua việc nhiều quốc gia trên thế giới đã để mắt và bắt đầu phát triển dòng vũ khí năng lượng cao này. Không chỉ có Mỹ, nhiều quốc gia khác trên thế giới như Nga, Trung Quốc và châu Âu cũng đang tích cực phát triển nhiều dạng vũ khí laser sử dụng các nguyên tắc vật lý khác nhau.

Trong lĩnh vực vũ khí laser, Mỹ chính là quốc gia đi đầu với các chương trình phát triển tiên phong từ những năm 1970. Tuy nhiên, những giới hạn công nghệ và hiệu quả trong chiến đấu kém đã khiến chúng bị hủy bỏ hoặc chậm tiến độ.

Một trong dự án vũ khí laser đầy tham vọng của Lầu Năm Góc trong quá khứ chính là laser hàng không với mục tiêu vô hiệu hóa và phá hủy các tên lửa đạn đạo của đối phương ngay sau khi chúng rời bệ phóng. Trong các thử nghiệm thực tế, laser hàng không đã không chứng minh được hiệu quả và nền tảng phòng thủ tên lửa của Mỹ vẫn phải dựa vào các loại vũ khí truyền thống như Aegis và tên lửa đánh chặn SM-3.

Vũ khí laser là định hướng của tương lai, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu chiến trường ở thời điểm hiện tại.

Vũ khí laser là định hướng của tương lai, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu chiến trường ở thời điểm hiện tại.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế có chung nhận định, vũ khí laser là tương lai, nhưng với nền tảng công nghệ hiện tại, việc áp dụng chúng trong thực chiến vẫn cần một chặng đường dài. Các chương trình phát triển vũ khí laser của Mỹ rất tiềm năng. Tuy nhiên, để dòng vũ khí laser này xuất hiện như một loại vũ khí thực sự, Lầu Năm Góc sẽ phải tiêu tốn hàng tỷ USD và nhiều năm nữa.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo Topwar, DefenseTalk…)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tham-vong-tich-hop-vu-khi-laser-tren-phuong-tien-chien-dau-chien-thuat-cua-my-722638
Zalo