Tham vọng thay đổi địa chính trị hay thúc đẩy thỏa thuận kinh tế

Theo hãng tin CNN, Nhà Trắng coi chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump là cơ hội để ông chứng tỏ mình là một bậc thầy đàm phán, có thể làm xáo trộn bức tranh ghép địa chính trị tại khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Mohammed bin Salman - Ảnh: Internet

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Mohammed bin Salman - Ảnh: Internet

Đảo ngược truyền thống

Ngày 14/5, ông Trump đã đến Qatar sau khi có nhiều hoạt động quan trọng tại Ả Rập Xê-út, bao gồm dự hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp lãnh đạo Syria trong 25 năm qua.

Chuyến công du bốn ngày chỉ tập trung vào ba quốc gia vùng Vịnh là Ả Rập Xê-út, UAE và Qatar - đi ngược lại với truyền thống ngoại giao của Mỹ và làm dấy lên nhiều tranh cãi về mối quan hệ giữa chính sách đối ngoại và lợi ích kinh doanh của gia đình Trump.

Trong bối cảnh Trung Đông đang đối mặt với nhiều thách thức an ninh, bao gồm chiến sự ở Gaza leo thang, Hamas vẫn giữ con tin và đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran đang diễn ra tại Oman, ông Trump không có kế hoạch thăm Israel hay tham gia các nỗ lực giải quyết xung đột. Thay vào đó, truyền thông Mỹ nhận định chuyến đi này chủ yếu nhằm thúc đẩy các thỏa thuận kinh tế. Tổng thống Trump kỳ vọng sẽ công bố các hợp đồng trị giá hơn 1.000 tỉ USD trong các lĩnh vực hàng không, năng lượng hạt nhân và trí tuệ nhân tạo. Nhà Trắng tiết lộ Ả Rập Xê-út sẽ đầu tư 600 tỉ USD vào Mỹ.

Các nhà phân tích chỉ ra sự trùng hợp đáng chú ý, khi điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Mỹ diễn ra tại chính khu vực mà hoạt động kinh doanh của gia đình ông đã mở rộng đáng kể trong những tháng gần đây.

Năm ngoái, Tập đoàn Trump Organization đã công bố kế hoạch phát triển Tháp Trump ở thành phố Jeddah của Ả Rập Xê-út. Ông Eric Trump, con trai của Tổng thống và là phó Chủ tịch Trump Organization, cho biết tập đoàn cũng có kế hoạch xây dựng một dự án khác mang thương hiệu Trump tại Riyadh.

Trước khi ông Trump đến Ả Rập Xê-út, ông Eric Trump đã phát biểu tại Dubai về kế hoạch xây dựng một tòa tháp khách sạn và căn hộ cao 80 tầng.

Tổng thống Trump đã ký thỏa thuận hợp tác kinh tế với Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman và đồng chủ trì Diễn đàn đầu tư Ả Rập Xê-út - Mỹ 2025 tại Riyadh.

Trong khuôn khổ diễn đàn, ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành của Aramco, cho biết gã khổng lồ nhà nước Ả Rập Xê-út hôm nay đang ký một thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD để mở rộng nhà máy lọc dầu Motiva ở Texas nhằm kết hợp sản xuất hóa chất.

Aramco cũng sẽ ký kết các thỏa thuận với các công ty NextDecade và Sempra của Mỹ, ông Nasser cho biết tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, Mỹ cũng đã đồng ý bán cho Ả Rập Xê-út gói vũ khí trị giá gần 142 tỷ USD và gọi đây là "thỏa thuận hợp tác quốc phòng lớn nhất" của Washington.

Và không chỉ thành công ở Ả rập Xê-út, ông Trump cũng đã chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận mà Nhà Trắng mô tả là "tạo ra một giao dịch kinh tế trị giá ít nhất 1.200 tỉ USD". Theo tóm tắt từ Nhà Trắng, một trong số thỏa thuận là thương vụ Qatar Airways mua tới 210 máy bay Boeing 787 Dreamliner và 777X với động cơ GE Aerospace có giá 96 tỷ USD.

Ẩn ý nào sau chuyến công du?

Cũng có ý kiến trái chiều từ giới phân tích cho rằng, chuyến công du Trung Đông có nhiều ý nghĩa đối với nhà lãnh đạo nước Mỹ Donald Trump, hơn là việc ký kết các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD, hay nhận một chuyên cơ mới từ Qatar.

Trên thực tế, bất kể điểm đến là nơi nào, ông Trump vừa có thể mang tới sự gián đoạn và vừa có thể tạo ra các cơ hội. Vị Tổng thống Mỹ cũng chấp nhận rủi ro. Điển hình như, trong chuyến đi Trung Đông lần này, ông đã quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria nhằm tạo cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, quyết định trên làm nảy sinh câu hỏi về toàn bộ chính sách đối ngoại và thương mại của ông Trump. Liệu ông có nỗ lực đủ để đạt được những đột phá thực sự từ các cơ hội do chính ông tạo ra?

Nỗ lực thay đổi bức tranh địa chính trị tại Trung Đông của ông Trump không chỉ dừng lại ở Syria. Ông cũng dùng chuyến đi này để gây áp lực mới lên Iran nhằm buộc nước này phải đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của họ. Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo sẽ có hành động quân sự nếu Iran từ chối, song rõ ràng là ông đang cố gắng ngăn chặn viễn cảnh tồi tệ về một cuộc chiến mới tại khu vực.

Một số ý kiến cho rằng, ông Trump chọn tới Trung Đông là vì "lợi ích tài chính cá nhân". Khu vực này là nơi đế chế kinh doanh của gia đình ông có những hoạt động đầu tư lớn.

Nhà Trắng đã ngay lập tức bác bỏ những lập luận này.

"Tổng thống Trump tuân thủ mọi quy định về xung đột lợi ích và chỉ hành động vì lợi ích tốt nhất của nước Mỹ" - Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt khẳng định.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tham-vong-thay-doi-dia-chinh-tri-hay-thuc-day-thoa-thuan-kinh-te-727527.html
Zalo