Tham vọng mở rộng lãnh thổ Mỹ của ông Trump
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục khuấy động truyền thông và mạng xã hội bằng những tuyên bố táo bạo về mở rộng lãnh thổ, từ mua hòn đảo Greenland, kiểm soát kênh đào Panama cho đến sáp nhập Canada thành tiểu bang của Mỹ.
Sóng gió ý tưởng mua Greenland, kiểm soát kênh đào Panama
Trong những ngày gần đây, ông Trump đã nhắc lại mong muốn trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình là mua hòn đảo Greenland, một lãnh thổ của Đan Mạch mà ông đã để mắt đến từ lâu, đồng thời tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, tuyến đường thủy do Mỹ xây dựng và từng quản lý trong một phần tư thế kỷ.
Các tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không chỉ khiến dư luận dậy sóng, mà còn châm ngòi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và các nước láng giềng, khi cả Đan Mạch và Panama đều bác bỏ ý tưởng trên.
Ông Trump đã liên tục tuyên bố Mỹ có các mối quan tâm về an ninh, lợi ích thương mại và những điều này chỉ có thể được giải quyết hiệu quả nhất bằng cách đưa kênh đào Panama và hòn đảo Greenland nằm dưới quyền kiểm soát hoặc sở hữu hoàn toàn của Mỹ.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump từng nhiều lần đề xuất mua lại đảo Greenland của Đan Mạch. Chưa đầy một tháng trước khi quay lại Nhà Trắng, ông Trump một lần nữa nhắc lại ý định này trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social khi đề cử doanh nhân Ken Howery làm Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch.
Ông Trump viết: “Vì an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, việc Mỹ sở hữu và kiểm soát Greenland là yêu cầu cấp bách.”
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, có 80% diện tích bao phủ bởi băng, với dân số chưa tới 60.000 người. Tuy nhiên, Greenland được cho là sở hữu kho tài nguyên thiên nhiên đồ sộ bao gồm quặng sắt, chì, kẽm, kim cương, vàng, các nguyên tố đất hiếm, uranium và dầu. Trong những năm qua, Greenland đã trải qua cuộc khủng hoảng về khí hậu khiến băng trên đảo tan với tốc độ chưa từng có tiền lệ. Đây là một thông tin tiêu cực về góc độ môi trường nhưng về góc độ kinh tế nó cho thấy việc băng tan có thể giúp kế hoạch khai khoáng tại đây dễ thực thi hơn.
Tổng thống đắc cử Mỹ Trump được cho là đánh giá cao vị trí chiến lược về mặt hàng hải và quân sự của Greenland, đồng thời khát khao sở hữu trữ lượng khoáng sản đất hiếm ở đảo này, vốn cần thiết cho quá trình phát triển các công nghệ tiên tiến.
Đáng chú ý, ông Trump không phải là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên để mắt tới Greenland. Từ năm 1967, các đời chính phủ Mỹ đã có ít nhất 4 lần cân nhắc hoặc chính thức đặt vấn đề với Đan Mạch về thỏa thuận sang nhượng Greenland. Năm 1951, Mỹ xây căn cứ không quân Thule ở phía Tây Greenland, cách Vòng Bắc Cực khoảng 1.200 km. Căn cứ trang bị radar trong hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo sớm, có thể phát hiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bay về phía Mỹ.
Trong bối cảnh nhiều cường quốc đang cạnh tranh để giành quyền kiểm soát các tuyến đường Bắc Cực cho vận tải thương mại và tài sản hải quân, các chuyên gia đánh giá ý định của ông Trump về Greenland là hoàn toàn nghiêm túc.
Không chỉ muốn mua hòn đảo Greenland, ông Trump còn muốn giành quyền kiểm soát kênh đào Panama, với cáo buộc Panama đang áp “mức phí cắt cổ” đối với tàu hải quân và tàu chở hàng của Mỹ.
Kênh đào đã được Mỹ trao cho Panama và người dân Panama, nhưng nó có quy định. Nếu các nguyên tắc, cả đạo đức và pháp lý, của nghĩa cử cao đẹp này không được tuân thủ, thì chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại kênh đào Panama cho chúng tôi, đầy đủ, nhanh chóng và không thắc mắc.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy quan trọng nối Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, cho phép tới 14.000 tàu thuyền qua lại mỗi năm, chiếm 2,5% hoạt động giao thương đường biển toàn cầu. Mỹ là nước sử dụng kênh đào Panama nhiều nhất. Theo thống kê của hãng tin CNBC, trung bình khoảng 40% lưu lượng container của Mỹ đi qua kênh đào này mỗi năm, tương đương với khoảng 270 tỷ USD.
Trong khi đó, Mỹ cũng là nước đóng góp phần lớn nguồn lực để xây dựng kênh đào và quản lý lãnh thổ xung quanh trong nhiều thập kỷ. Việc xây dựng kênh đào Panama bắt đầu vào năm 1904 dưới thời cựu Tổng thống Teddy Roosevelt. Vào thời điểm đó, đây được coi là một trong những thành tựu quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ. Quyền kiểm soát kênh đào đã được chuyển giao từ Mỹ sang Panama vào năm 1999 theo một thỏa thuận được ký kết vào năm 1977 dưới thời cựu Tổng thống Jimmy Carter.
Mỹ là quốc gia sử dụng kênh đào Panama nhiều nhất với hơn 72% tổng số lượt quá cảnh đến hoặc đi từ các cảng của Mỹ. Kênh đào Panama đã mở cửa kinh doanh cách đây 110 năm và được xây dựng với chi phí rất lớn đối với Mỹ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Tổng thống đắc cử Trump còn ám chỉ kênh đào Panama đang có nguy cơ rơi vào sự kiểm soát của Trung Quốc - quốc gia sử dụng kênh đào nhiều thứ hai. Một công ty có trụ sở ở Hồng Kông, Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát hai trong số 5 hải cảng gần kênh đào Panama, mỗi cảng nằm ở một bờ của con kênh.
Hiện chưa rõ ông Trump có thể lấy lại quyền kiểm soát kênh đào Panama như thế nào. Theo đánh giá của các nhà phân tích, tuyên bố “gây sốc” của ông Trump dường như là để gây sức ép với chính quyền Panama giảm chi phí đối với các tàu của Mỹ sử dụng tuyến đường biển này. Hiện khoản phí qua kênh đào Panama thay đổi tùy theo kích thước và mục đích của tàu thuyền, dao động từ 0.5 đến 300.000 USD.
Những tuyên bố của ông Trump về việc giành quyền kiểm soát đối với kênh đào Panama và đảo Greenland đã nhanh chóng vấp phải phản ứng dữ dội từ chính phủ Panama và Đan Mạch. Đan Mạch tuyên bố Greenland không phải thứ để mang ra rao bán, và công bố kế hoạch tăng mạnh chi tiêu quốc phòng cho Greenland. Trong khi đó, Tổng thống Panama Jose Rael Mulino khẳng định chủ quyền và nền độc lập của đất nước không phải là vấn đề có thể thương lượng được: "Tôi muốn bày tỏ rằng mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama. Giá cước không phải là ý thích nhất thời. Chúng được thiết lập công khai, dựa trên các điều kiện thị trường, cạnh tranh quốc tế, chi phí vận hành và nhu cầu bảo trì và hiện đại hóa tuyến đường thủy liên đại dương.”
Sáp nhập Canada có phải trò đùa?
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump công khai ý tưởng mở rộng lãnh thổ. Trong những tuần gần đây, ông nhiều lần gợi ý biến Canada thành một tiểu bang của Mỹ, gọi Thủ tướng Canada là Thống đốc Justin Trudeau, thậm chí khẳng định rằng “nhiều người Canada” ủng hộ điều này. Đề xuất sáp nhập Canada của ông Trump có vẻ giống như một lời bông đùa. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đây có thể là một chiến lược chính trị sâu xa của nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ.
Ý tưởng sáp nhập Canada thành bang thứ 51 của Mỹ được Tổng thống đắc cử Trump đưa ra khi ông và Thủ tướng Canada Justin Trudeau dùng bữa tối gần đây tại Mar-a-Lago. Sau đó, ông Trump nhiều lần trêu chọc trên mạng xã hội.
Động thái của ông Trump xuất hiện vào thời điểm căng thẳng giữa hai nước gia tăng. Ông Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu tới 25% với hàng hóa từ Canada vì những vấn đề chưa giải quyết liên quan đến tình trạng nhập cư trái phép và buôn lậu ma túy vào xứ sở cờ hoa. Thủ tướng Trudeau cảnh báo sẽ đáp trả nếu chính quyền Trump hiện thực hóa biện pháp thuế quan.
Do đó, giới quan sát cho rằng phát ngôn của ông Trump mang tính “đe dọa” và là một phần trong chiến thuật nhằm gây áp lực cho Ottawa trong các cuộc đàm phán thương mại, đặc biệt liên quan đến thuế quan và các thỏa thuận như hiệp định thương mại tự do giữa Canada, Mexico và Mỹ. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Canada. Nếu một cuộc chiến thương mại toàn diện gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ, thì hậu quả nhanh nhất và nghiêm trọng nhất sẽ xảy ra ở Canada.
Mặt khác, việc gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau là “Thống đốc” của “tiểu bang thứ 51” làm giảm vị thế chủ quyền của Canada trên phương diện ngôn từ. Điều này phản ánh phong cách đàm phán của ông Trump, hiểu rõ đối thủ để gia tăng sức mạnh thương lượng, đồng thời gây ra căng thẳng chính trị nội bộ tại Canada.
Bằng chứng là giữa những ồn ào này, cựu Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland, một nhân vật trung thành lâu năm với Thủ tướng Trudeau, đã đệ đơn từ chức. Bà chỉ trích nặng nề những chính sách chi tiêu mà bà cho là “chiêu trò chính trị” của Thủ tướng Trudeau, có nguy cơ làm suy yếu năng lực đối phó của Canada trước các rủi ro kinh tế nghiêm trọng, như chiến tranh thương mại với Mỹ.
Tôi không cho rằng việc ông Trump sắp lãnh đạo nước Mỹ sẽ làm thay đổi chính phủ Canada, nhưng ông ấy chắc chắn đang thay đổi các cuộc đàm phán, thay đổi chương trình nghị sự của cuộc bầu cử tiếp theo và phản ứng của chính phủ Canada. Thậm chí có lẽ, ông Trump đang thay đổi thời điểm Thủ tướng Justin Trudeau sẽ ra đi.
Ông Matthew Lebo, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Mcgill, Canada.
Bình luận của ông Trump đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ nhiều chính trị gia Canada. Bà Elizabeth May, lãnh đạo Đảng Xanh của Canada, cho rằng ông Trump khiến người dân Canada ngày càng lo lắng. Bà kêu gọi các đảng tại Canada đoàn kết để bảo vệ hình ảnh của đất nước. Trong khi đó, trước những đe dọa từ ông Trump, chính phủ Canada đã công bố kế hoạch cải cách quản lý biên giới trị giá 900 triệu USD, đồng thời đề xuất thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung giữa Canada và Mỹ nhằm chống lại các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia.
Trước đây, Mỹ đã từng mở rộng lãnh thổ qua hàng loạt thương vụ mua đất chiến lược, từ việc mua lại Louisiana từ Pháp, Florida từ Tây Ban Nha, Quần đảo Virgin từ Đan Mạch cho đến mua Alaska từ Nga. Những quyết định mua bán này không chỉ giúp Mỹ gia tăng diện tích, góp phần quan trọng vào việc định hình nước Mỹ ngày nay, mà còn củng cố vị thế địa chính trị, mang lại tài nguyên thiên nhiên và lợi thế quân sự.
Người tiếp theo nằm trong tầm ngắm của ông Trump?
Tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cùng các cảnh báo ngầm phía sau một lần nữa nhắc nhở về chính sách “Nước Mỹ trên hết” đầy tham vọng, trong đó lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia được đặt lên hàng đầu, bất chấp những tranh cãi quốc tế. Nếu Canada, Greenland của Đan Mạch hay kênh đào Panama hiện đang nằm trong tầm ngắm của ông Trump, thì chắc chắn trong tương lai gần, chính trị gia này sẽ chuyển sang những gì ông coi là các mối quan hệ thương mại không công bằng khác, đặc biệt sau khi nhậm chức vào tháng 1 tới. Điều này dường như phù hợp với quan điểm của ông Trump về triển khai chính sách đối ngoại giống như một tranh chấp kinh doanh giữa hai đối thủ, mà chỉ có một bên giành chiến thắng.
Theo hãng tin CNN, châu Âu có thể sẽ là đối tượng tiếp theo mà ông Trump để mắt tới. Tổng thống đắc cử Mỹ có thể sẽ thử chiến lược “chia để trị” của mình đối với các quốc gia châu Âu, dựa trên những thành công bước đầu trong chiến thuật tạo ra sự bất hòa bên trong Canada.
Dù các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) được hưởng sự bảo vệ của sức mạnh thương mại tập thể, nhưng ông Trump có vẻ như đang ở thời điểm thuận lợi khi chính phủ nhiều nước đang lục đục. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vướng vào một cuộc khủng hoảng chính trị khi phải bổ nhiệm đến 3 Thủ tướng trong năm nay. Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa sụp đổ với cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới. Công đảng của Thủ tướng Anh Keir Starmer dù nắm đa số phiếu tại Quốc hội, nhưng Vương quốc Anh không còn được EU bảo vệ sau sự kiện Brexit. Từ cách ông Trump ứng phó với Canada, có thể thấy các đồng minh nhỏ hơn, dù trung thành, cũng không thể tránh khỏi quỹ đạo của các lời đe dọa.
Ngoài châu Âu, Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ ở châu Á có thể nằm trong danh sách “hăm dọa” của ông Trump. Với tình trạng hỗn loạn chính trị và chia rẽ nội bộ, Seoul sẽ gặp nhiều khó khăn để chống trả trước các đòn chính sách của ông Trump.
Mục tiêu lớn nhất của ông Trump có lẽ là Trung Quốc. Ông cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ và bán phá giá hàng hóa giá rẻ vào thị trường nước này. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump áp thuế 10% đối với nhôm, 30% với tấm pin mặt trời và máy giặt, cùng 25% thuế với tất cả các sản phẩm khác từ Trung Quốc. Còn giờ đây, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung thêm 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức.
Những diễn biến này cho thấy chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ dịch chuyển mạnh mẽ trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump - người vốn không ngại đe dọa các nước đồng minh và sử dụng những lời “đao to búa lớn” với các nước đối tác. Lập trường quyết liệt của ông còn thể hiện bản năng của một nhà phát triển bất động sản nắm trong tay quyền lực quân đội lớn nhất thế giới để hỗ trợ chiến lược đàm phán.
Có thể nói, dù các tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đôi khi được trình bày ngẫu hứng như lời đùa vui, nhưng phù hợp với một chiến lược rộng lớn hơn nhằm gây áp lực kinh tế, thúc đẩy chính sách quốc phòng và định hình vị thế địa - chính trị. Chiến thuật này phản ánh phong cách đàm phán của ông Trump khi kết hợp sự hài hước, phóng đại và lời đe dọa ngầm nhằm gây bất an cho đối thủ, trong khi theo đuổi các lợi ích chiến lược của Mỹ. Ông Trump sẽ trở lại Phòng Bầu dục vào ngày 20/1 tới. Sự khó lường trong tính cách và chính sách của nhà lãnh đạo này được dự báo sẽ mang đến những thay đổi lớn trên chính trường Mỹ và quan hệ quốc tế trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều so với lần đầu tiên ông điều hành Nhà Trắng.