Phó thủ tướng: Tổng rà soát, giải quyết bất cập hệ thống biển báo, đèn tín hiệu

Sau khi rà soát, giải quyết những bất cập của hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, kết quả sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3.

Chiều 19/2, Văn phòng Chính phủ ban hành có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc rà soát, xử lý các tồn tại, bất cập trong tổ chức giao thông đường bộ.

Ảnh minh họa (Nguồn: Châu Tuấn).

Ảnh minh họa (Nguồn: Châu Tuấn).

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về những bất cập trong hệ thống biển báo chỉ dẫn, đèn tín hiệu giao thông, cấp phép, bố trí các điểm dừng, đỗ, trông giữ xe, gây xung đột giao thông.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, cùng với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng rà soát, giải quyết những bất cập trong hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, cấp phép, bố trí các điểm dừng, đỗ, trông giữ xe... gây xung đột giao thông; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3.

Trước đó, đầu tháng 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 12/2024.

Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao hiệu ứng của quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo Nghị định 168/2024, đồng thời đề nghị quan tâm bảo trì hệ thống tín hiệu đèn giao thông.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, ý thức của người dân tốt hơn.

"Cần phối hợp các cấp, ngành kiểm tra điều kiện kỹ thuật của hệ thống đèn tín hiệu, không để người dân bị oan. Đây là nội dung được các đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri rất quan tâm", ông Trần Quang Phương nói.

Giữa tháng 1, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, lực lượng CSGT trên cả nước đang kiểm tra, rà soát tổng thể hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Việc này để có cơ sở kiến nghị thay thế, sửa chữa những cụm đèn hư hỏng, lỗi.

Trong quá trình vận hành, cơ quan chức năng cũng sẽ điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu phù hợp tình hình của từng địa bàn. Mục tiêu là đảm bảo cho người dân đi lại thông suốt; công tác xử lý vi phạm chính xác, đúng hành vi, người vi phạm "tâm phục khẩu phục".

Cũng theo Cục CSGT, lực lượng CSGT sẽ theo dõi, kiểm tra tình hình hoạt động của đèn tín hiệu giao thông để báo cáo, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền bảo dưỡng, thay thế kịp thời khi phát hiện hư hỏng.

Từ đó, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, liên tục, tránh gây oan sai khi xử phạt liên quan đến việc chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu; không xử phạt các tình huống không rõ ràng hoặc có sự cố trong hệ thống đèn tín hiệu.

Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ 1/1/2025. Nhiều lỗi bị tăng mạnh mức xử phạt như: tài xế ô tô tham gia giao thông vượt đèn đỏ bị phạt 18-20 triệu đồng, gấp hơn 3 lần so với quy định trước. Tài xế vi phạm nồng độ cồn mức 0,25-0,4 mg/lít khí thở hoặc 50-80 mg/100ml máu bị phạt 18-20 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng.

Đối với xe mô tô, lái xe vượt đèn đỏ, thay vì bị phạt 800.000 - 1 triệu đồng, thì từ 1/1/2025, lỗi này từ 4-6 triệu (tức gấp 5-6 lần).

Người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/lít khí thở sẽ bị phạt 6 - 8 triệu (tăng 2-3 triệu so với hiện hành).

Ngoài ra, một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp từ 3-30 lần so với hiện hành.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/pho-thu-tuong-tong-ra-soat-giai-quyet-bat-cap-he-thong-bien-bao-den-tin-hieu-19225021918211996.htm
Zalo