Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu - Tín hiệu vui cho dòng phim trinh thám Việt

Hai năm sau Người vợ cuối cùng không thật sự thành công như kỳ vọng, Victor Vũ quay trở lại với Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu vào cuối tháng 4 vừa qua. Sau chưa đầy 10 ngày công chiếu, bộ phim đã nhanh chóng cán mốc doanh thu trăm tỉ, đạt điểm hòa vốn và vẫn đang tiếp tục kéo khán giả ra rạp với hiệu ứng truyền miệng đa phần là tích cực của những khán giả đã trải nghiệm xem phim.

Được xem là bộ phim cổ trang, trinh thám, tâm lý, kinh dị đầu tiên của điện ảnh Việt, thành công của bộ phim là một tín hiệu vui, đánh dấu bước tiến đáng lưu ý của dòng phim này trong đời sống điện ảnh Việt Nam đương đại.

Poster phim “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”. Ảnh: Internet

Poster phim “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”. Ảnh: Internet

Án lồng trong án

Nội dung Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu tiếp nối sau các sự kiện trong Người vợ cuối cùng. Sau khi chồng bị bắt, Hai Mẫn (Đinh Ngọc Diệp) về quê với người cháu gái tên Nga (Đoàn Minh Anh). Song thời gian gần đây, người dân trong vùng phải chịu sự quấy phá của ác linh. Tám người bị ác linh ăn mất đầu, xác nổi trên sông. Một ngày kia, Nga đột ngột mất tích. Một chiếc hài của Nga được tìm thấy bên bờ sông. Phải chăng Nga là nạn nhân tiếp theo của ác linh mà người dân hay gọi là ma da? Hai Mẫn viết thư nhờ đến sự giúp đỡ của thám tử Kiên (Quốc Huy). Từ khi có sự xuất hiện của thám tử Kiên, những bí mật kinh hoàng dần được hé lộ.

Một số nhận xét của khán giả cho rằng cốt truyện, tình tiết phim có phần dễ đoán, làm cho trải nghiệm xem phim giảm đi ít nhiều sự hứng thú. Điều này cũng dễ hiểu, khi mà trinh thám không phải là thế mạnh của văn học lẫn điện ảnh Việt. Lựa chọn trinh thám cho dự án điện ảnh này có thể xem là một bước đi khá mạo hiểm của Victor Vũ, chưa kể khán giả Việt đã quá quen thuộc với các tác phẩm trinh thám kinh điển của thế giới. Thử thách về mặt kịch bản - yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của một tác phẩm điện ảnh - đã được vượt qua bằng một kịch bản có cốt truyện phức tạp nhưng chặt chẽ, logic, có thể thuyết phục được số đông khán giả.

Với kết cấu và cốt truyện án lồng trong án, triển khai vừa song song, vừa đan cài chặt chẽ án mất tích và án xác không đầu vào nhau, bộ phim đã tạo ra được sự phức tạp, kịch tính, gay cấn và bí ẩn vừa đủ để lôi cuốn phần lớn khán giả dõi theo hành trình phá án của thám tử Kiên một cách say mê. Không cố tình tạo sự bí ẩn quá đà, hé lộ các manh mối của vụ án một cách từ tốn, bộ phim dường như còn mời gọi khán giả trải nghiệm hành trình làm thám tử của riêng mình, tham gia sâu vào câu chuyện và cảm thấy hứng thú hơn trong quá trình xem phim.

Thù chất chồng thù

Lần theo từng manh mối, thám tử Kiên cùng “phụ tá” Hai Mẫn dần dần phát hiện ra chân tướng của sự thật. Khi các tội ác được đưa ra ánh sáng, chân dung các hung thủ cùng căn nguyên của tội ác cũng được hé lộ. Dù xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau, song suy cho cùng, nguyên nhân cốt lõi, sâu xa nhất vẫn là lòng tham của con người. Vì tham, người ta sẵn sàng hủy hoại cuộc đời của kẻ khác. Và cũng vì muốn được sống sung sướng, có kẻ chấp nhận làm tay sai cho quỷ dữ. Án lồng trong án là bởi thù chồng chất thù - những mối thù truyền kiếp vì chưa được ánh sáng công lý soi xét thấu đáo và giải quyết triệt để.

Việc viết tiếp câu chuyện từ Người vợ cuối cùng, kết thúc lại mở ra một câu chuyện chưa được giải quyết xong xuôi, hứa hẹn một sự tiếp nối trong tương lai của bộ phim này được khán giả kỳ vọng về một series phim phá án, trinh thám cổ trang mang đậm màu sắc Việt của Victor Vũ.

Có thể nói, từ kỳ án không đầu, bộ phim đã vạch trần cái ác, lòng thù hận. Cái ác sẽ sinh ra cái ác. Nếu dùng cái ác để tiêu diệt cái ác, thì vòng quay tội lỗi, hận thù không bao giờ chấm dứt. Tác phẩm cũng là tiếng nói bênh vực cho kẻ yếu, thể hiện khát khao công lý và công bằng cho mọi người. Ở một góc độ khác, bộ phim cũng đặt ra vấn đề về việc tuân thủ nguyên tắc hay linh hoạt, nhạy bén trong quá trình điều tra. Cứng nhắc đảm bảo sự chặt chẽ trong quy trình, song có thể bỏ lỡ những thời điểm quan trọng, nhất là khi tính mạng của nạn nhân đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Lựa chọn nào thì tốt hơn? Đó thật sự là một nan đề với những người thực thi công lý như thám tử Kiên.

Nhìn chung, cách lý giải nguồn gốc cái ác không mang tính đột phá, mới mẻ, đi vào những ngóc ngách sâu thẳm đầy phức tạp của tâm lý con người khiến cho việc giải thích động cơ gây án không thật sự ấn tượng, bất ngờ để làm hài lòng những khán giả khó tính. Mặc dù vậy, việc chạm đến vấn đề muôn thuở là cái ác, mối quan hệ giữa lòng tham và cái ác, bộ phim vẫn khiến người xem suy tư và được “thanh lọc” để biết cảnh giác với cái ác luôn có nguy cơ hình thành và hiển hiện bên trong lẫn bên ngoài mỗi người.

Điểm cộng của sự vừa đủ

Về mặt hình ảnh, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu tiếp tục cho thấy phong cách làm phim duy mỹ của Victor Vũ. Cảnh sắc non nước Cao Bằng, Tuyên Quang trong phim hiện ra thật hùng vĩ, khoáng đạt, tuyệt đẹp khi được quay đại cảnh. Phục trang và hóa trang của diễn viên cho thấy sự đầu tư cẩn thận, tỉ mỉ với nước vải in màu thời gian, màu vải hài hòa với bối cảnh và nhân vật, với phần tạo hình kinh dị kỹ lưỡng. Phần xử lý ánh sáng và màu sắc khá tốt khi không quá lạm dụng bóng tối u ám, ma mị, huyền bí, gây nặng nề và ức chế nơi người xem, đồng thời vẫn có những thước phim tươi sáng, rực rỡ làm dịu mắt lẫn tâm lý xem phim của khán giả. Những cú dọa bất ngờ không quá nhiều, hợp lý và vừa đủ để tạo ra hiệu ứng thị giác, dẫn đến sự sợ hãi nhưng không quá ám ảnh cho người xem.

Bộ phim cũng ghi dấu sự đột phá về mặt diễn xuất của diễn viên trẻ Quốc Huy trong vai thám tử Kiên. Anh đã lột tả được khí chất của một mệnh quan triều đình luôn thượng tôn pháp luật, thông minh tài trí, đĩnh đạc đường hoàng nhưng không lạnh lùng mà giàu lòng trắc ẩn, thi thoảng lại hài hước, trẻ trung. Bên cạnh Quốc Huy, phần diễn xuất của các diễn viên khác cũng khá tròn trịa, ngay cả với diễn viên trẻ 17 tuổi Đoàn Minh Anh vai Nga. Có thể nói, đạo diễn đã chọn đúng vai cho từng diễn viên, và họ đã tỏa sáng với vai diễn của mình, dù là vai chính hay vai phụ, tạo nên một tổng thể diễn xuất đồng đều đáng được khen ngợi.

Victor Vũ cũng chứng tỏ khả năng của mình khi kết hợp nhiều thể loại trong phim. Các yếu tố tâm linh, kinh dị, tâm lý, trinh thám và cả hài hước đều xuất hiện với liều lượng vừa phải, vừa hỗ trợ vừa làm nổi bật lẫn nhau. Huyền thoại về ma da đã khiến cho màu sắc trinh thám thêm khó đoán, mơ hồ. Các màn đấu trí làm cho phim thêm kịch tính và sâu sắc. Những mảng miếng hài hước, bất ngờ và duyên dáng giúp mềm hóa, giảm độ căng thẳng của vụ án và tạo được “quãng nghỉ” cần thiết. Sự tiết chế, vừa đủ của các yếu tố thật sự làm cho bộ phim tuy đa dạng về sắc thái những không hề làm khán giả bội thực và khó chịu.

Thành công của Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu cho thấy Victor Vũ vẫn là một cái tên có tính bảo chứng cho chất lượng sản phẩm, ngay cả khi anh từng có một số bước lùi với những bộ phim không tạo được cơn sốt phòng vé. Việc viết tiếp câu chuyện từ Người vợ cuối cùng, kết thúc lại mở ra một câu chuyện chưa được giải quyết xong xuôi, hứa hẹn một sự tiếp nối trong tương lai của bộ phim này được khán giả kỳ vọng về một series phim phá án, trinh thám cổ trang mang đậm màu sắc Việt của Victor Vũ. Còn hiện tại, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu vẫn đang tiếp tục là một lựa chọn của nhiều khán giả khi ra rạp, ngay cả với các suất chiếu muộn vào cuối ngày.

BÍCH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/van-nghe/202505/tham-tu-kien-ky-an-khong-dau-tin-hieu-vui-cho-dong-phim-trinh-tham-viet-1a51989/
Zalo