Thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Sáng 25.4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 2, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Tham dự có: các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ và một số bộ, ngành liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu
Theo Tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều; sửa đổi cơ bản các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) nhằm chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp như hiện nay (gồm: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) thành 2 cấp (gồm: cấp tỉnh và cấp xã), bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp xã.
Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc 4 nhóm vấn đề: việc tổ chức đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã; tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương; giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.

Quang cảnh phiên họp
Các ý kiến Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhất trí việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành; cơ bản tán thành với việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã khi không tổ chức cấp huyện trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần làm rõ cơ sở của việc đề xuất số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã như trong dự thảo Luật, vì nếu quy định HĐND cấp xã có tối đa là 35 đại biểu (tương đương với số lượng đại biểu tối đa của HĐND cấp huyện theo Luật hiện hành) là chưa thật sự hợp lý. Hơn nữa, việc đề xuất số lượng đại biểu HĐND cũng cần bảo đảm tương quan giữa các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp và các đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang phát biểu
Có ý kiến đề nghị không quy định UBND cấp xã có thể phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình như tại khoản 1 Điều 13 vì chính quyền cấp xã là cấp gần dân, sát dân nên UBND cấp xã cần trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Việc phân công cho các cơ quan chuyên môn, công chức ở cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã thực tế là công việc nội bộ, không nên coi là hình thức phân cấp.
Tờ trình dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) nêu rõ, việc ban hành luật nhằm thực hiện chủ trương, yêu cầu của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 52 điều, giảm 35 điều so với luật hiện hành. Trong đó, sửa đổi, bổ sung khái niệm cán bộ, công chức để bổ sung cán bộ, công chức cấp xã thay cho cán bộ, công chức cấp huyện. Đồng thời, lược bỏ khoản 3 Điều 4; Chương V về cán bộ, công chức cấp xã; thẩm quyền quản lý công chức của UBND cấp huyện tại khoản 2 Điều 67 Luật hiện hành.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung, làm rõ một số nội dung liên quan đến cơ chế quản lý, bố trí, sử dụng công chức; đổi mới phương thức tuyển dụng theo vị trí việc làm; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá thường xuyên trong năm trên cơ sở kết quả thực hiện từng nhiệm vụ, công việc được giao. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; cơ chế loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung.

Các đại biểu dự phiên họp
Cho ý kiến về dự thảo Luật, các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã cũng như chính sách thu hút đối với người có tài năng vào làm việc cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ nội hàm thế nào là “người có tài năng”.
Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về đánh giá cán bộ, công chức để khắc phục hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ, công chức thời gian qua; rà soát các quy định về xếp loại, đánh giá và kỷ luật cán bộ, công chức để bảo đảm sự phù hợp, công bằng.