Phú Yên quyết tâm đưa chính quyền mới vào hoạt động đúng tiến độ

Chiều 25/4, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức hội nghị lần thứ 19 để thảo luận, cho ý kiến 7 nội dung quan trọng. Đáng chú ý, các đại biểu đã tập trung thảo luận Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và Đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Quang cảnh hội nghị lần thứ 19 Tỉnh ủy Phú Yên 2025.

Quang cảnh hội nghị lần thứ 19 Tỉnh ủy Phú Yên 2025.

Theo ông Trương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên, tỉnh sắp xếp 106 đơn vị hành chính cấp xã hiện có để thành lập 34 xã, phường mới (gồm 7 phường và 27 xã), tỷ lệ giảm 67,92%. Tỷ lệ cử tri đồng ý với chủ trương sắp xếp đạt 98,04% (cao nhất là phường 2, tỷ lệ 100%); tỷ lệ cử tri không đồng ý với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đạt 1,31%.

Tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã đồng ý với chủ trương hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên đạt 93,86%. Tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện đồng ý với chủ trương hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên là 95,74%.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đảm bảo theo mục tiêu chung là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Chính quyền cấp xã mới sẽ chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/8/2025 theo đúng tiến độ Trung ương yêu cầu.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, Đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh (Phú Yên-Đắk Lắk) là một trong những nội dung mang tính chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và lâu dài trong định hướng phát triển không gian hành chính quốc gia. Đề án được xây dựng hết sức cẩn trọng, chắc chắn, khoa học, dân chủ, có lộ trình rõ ràng.

Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến tại hội nghị.

Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến tại hội nghị.

Việc hợp nhất giữa tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk không chỉ đơn thuần là thay đổi địa giới hành chính mà còn là quá trình tái cấu trúc không gian phát triển, tối ưu hóa các nguồn lực, tạo ra một đơn vị hành chính mới có quy mô lớn hơn, tiềm lực mạnh hơn, có sức lan tỏa và cạnh tranh cao hơn trong khu vực và cả nước. Đồng thời, có ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống chính trị, cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, nguồn lực phát triển, cũng như tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân hai tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên Cao Thị Hòa An đề nghị Đảng ủy Ủy ban nhân tỉnh chỉ đạo tiếp thu, hoàn chỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, cho ý kiến theo thẩm quyền, đảm bảo đúng tiến độ. Quá trình tổ chức thực hiện phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; bảo đảm ổn định tình hình chính trị-xã hội, không làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và tâm tư của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh phải đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, chặt chẽ và thực tiễn. Đặc biệt, cần quan tâm đến tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ hợp lý, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau sáp nhập. Sau hội nghị này, đề án sẽ được trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét thông qua trước khi trình Chính phủ”, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Cao Thị Hòa An nhấn mạnh.

Hội nghị cũng đã thảo luận, cơ bản thống nhất các nội dung liên quan việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Phú Yên và tỉnh Bình Định; việc bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh, điều chỉnh, bổ sung và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025; báo cáo kết quả kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy năm 2024; báo cáo công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giữa hai kỳ hội nghị Tỉnh ủy.

PHƯƠNG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phu-yen-quyet-tam-dua-chinh-quyen-moi-vao-hoat-dong-dung-tien-do-post875293.html
Zalo