Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia. Qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sáng 03/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp tục tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 25 để thẩm tra, cho ý kiến đối với các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh chủ trì Phiên họp.
Tham dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, các thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách; đại biểu đại diện cho Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Tài chính và các Bộ ngành, đơn vị hữu quan.
Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Bộ Tài chính, các đơn vị hữu quan đã tập trung vào việc thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (1 Luật sửa 7 Luật) theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đề cập về sự cần thiết của dự án luật sửa 7 luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về tài chính cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật trong lĩnh vực tài chính – ngân sách và đã xác định 07 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản luật có quy định liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách như Luật Đất đai năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Đầu tư công,... Do đó, cần phải rà soát, nghiên cứu để quy định cho đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Mục đích, quan điểm xây dựng dự án 1 luật sửa 7 luật gồm 10 điều nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin – cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của 7 luật trên nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc tại các quy định pháp luật hiện hành. Kế thừa và phát huy những quy định hiện hành đã được thực tiễn chứng minh đem lại các tác động tích cực đến kinh tế-xã hội của đất nước; những nội dung cần sửa đổi, bổ sung phải có quy định rõ ràng, minh bạch, có đánh giá tác động cụ thể. Đảm bảo sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam; đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nhấn mạnh sự cần thiết của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật trên nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đảm bảo các quy định của từng luật phù hợp, đồng bộ với các luật khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp để tham mưu xây dựng các báo cáo chính thức của Chính phủ, gửi cơ quan thẩm tra rà soát, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp thứ 38 tới./.
Một số hình ảnh tại Phiên họp: