Thẩm tra chủ trương đầu tư dự án cao tốc 43.734 tỷ đồng

Theo nghị trình, chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ được trình Quốc hội vào đầu tuần tới, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào cuối tuần này.

Toản cảnh phiên họp - Ảnh: TQ.

Toản cảnh phiên họp - Ảnh: TQ.

Trong phiên họp toàn thể lần thứ 3, chiều 15/5, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Tại tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc mới, chiều dài khoảng 125 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế Vtk = 100 km/h, chia thành 2 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ: khoảng 942,15 ha, gồm đất trồng lúa khoảng 189,92 (trong đó đất lúa trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên khoảng 181,31ha); đất lâm nghiệp khoảng 257,35 ha (trong đó đất rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 94 ha); các loại đất khác theo quy định của pháp luật đất đai khoảng 494,88 ha. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến quy mô 4 làn xe theo quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 43.734 tỷ đồng,

Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 -2030.

Về tiến độ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2025, hoàn thành Dự án năm 2029.

Chính phủ cũng trình Quốc hội phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác khoảng 257,35 ha để thực hiện Dự án. Giao hội đồng nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xác định số liệu chính xác để thực hiện công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định.

Cùng với đó, Chính phủ đề xuất áp dụng một số cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù để triển khai Dự án.

Tham gia thẩm tra, các ý kiến tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính và một số ủy ban khác của Quốc hội đều thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án. Song, một số đại biểu đề nghị bổ sung, làm rõ hơn tính cấp thiết của Dự án, khi tuyến Quốc lộ 19 trên hành lang kết nối từ Gia Lai xuống Bình Định mới được đầu tư nâng cấp, cải tạo đã cơ bản đáp ứng yêu cầu và lưu lượng xe hiện hữu của hành lang này là chưa cao.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị rà soát, tối ưu hướng tuyến của Dự án để giảm thiểu nhu cầu chuyển đổi sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn, đất rừng sản xuất lớn, đất trồng lúa và quan tâm có chính sách đền bù hợp lý, thỏa đáng cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của việc thu hồi đất phục vụ cho Dự án.

Liên quan đến một số cơ chế đặc thù (như thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần, thẩm định khả năng cân đối vốn…) , Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang chỉ rõ đã được thể chế hóa ở 1 số luật tại kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của Quốc hội.

Cần cập nhật, rà soát kỹ lưỡng, tránh trường hợp một chính sách vừa được quy định trong luật vừa được quy định trong nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý.

Về nguồn vốn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh ý kiến đại biểu cần làm rõ hơn tính khả thi khi đề xuất bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, bởi nhiều dự án khác cũng đang đề nghị được sử dụng nguồn này.

Theo nghị trình, chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ được trình Quốc hội vào đầu tuần tới, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào cuối tuần này.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tham-tra-chu-truong-dau-tu-du-an-cao-toc-43734-ty-dong-d284202.html
Zalo