Thắm thiết nghĩa tình quân dân
BHG - Trong dòng ký ức của những cựu chiến binh (CCB) đã từng có mặt ở cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tại mặt trận Vị Xuyên còn vẹn nguyên cảm xúc, hình ảnh về năm tháng hào hùng, gian khổ và chắc hẳn có một điều không quên là tấm lòng của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang dành cho người lính. Ngày ấy cho đến tận bây giờ, những tình cảm đó vẫn rất đỗi quen thuộc, thân thương, ấm áp và vượt mọi khoảng cách xa xôi.
Ngược thời gian 46 năm trở về trước, để góp sức mình cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi trên khắp các tỉnh, thành phố của cả nước đã không ngại xung phong lên tuyến biên giới huyện Vị Xuyên giữ từng tấc đất, bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Dù có biết bao nhiêu khó khăn, những người lính đó vẫn luôn giữ vững tinh thần anh dũng, kiên cường, bất khuất. Sự mất mát và hy sinh cao cả của lớp cha anh đi trước đã hòa cùng tình yêu quê hương, đất nước, để cho Nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc như ngày hôm nay. Không hẹn mà gặp, Hà Giang đã trở thành nơi tìm về của những người lính Vị Xuyên năm xưa.

Cựu chiến binh thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên.
Trong ký ức của CCB Phạm Kim Hoàn, thị xã Phú Thọ (Phú Thọ), mặt trận Vị Xuyên trong suốt những năm diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã hứng chịu rất nhiều pháo, đạn, hỏa lực mạnh, có những điểm cao bị đạn cày đi xới lại thành một màu xám xịt, có điểm cao đá hóa thành vôi. Với vai trò của người Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát C20, Sư đoàn 356, ông đã chỉ huy lực lượng trong đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan sát nắm chắc tình hình đối phương, báo cáo cấp trên để triển khai các mũi tấn công vững chắc. Hướng làm nhiệm vụ chính của đơn vị là điểm cao 685, nơi được gọi là lò vôi thế kỷ, có những trận đánh rất ác liệt.
Sau những trận đánh và dưới sức ép của pháo, đạn, ông Hoàn bị chấn thương sọ não và lồng ngực. Mỗi khi trái gió, trở trời, cơ thể ông lại đau nhức. Vượt qua nỗi đau bệnh tật và với tinh thần lạc quan của người lính, năm nào ông cũng cùng đồng đội hành hương trở về thăm biên giới Vị Xuyên để ôn lại kỷ niệm xưa và thắp nén tâm nhang cho người anh em đã hy sinh trên mảnh đất này. Biên cương nay đã đổi thay rất nhiều, song ông vẫn nhớ rõ từng địa chỉ, con phố, tên đường để tìm về những gia đình đã từng cưu mang, giúp đỡ, nhường cơm sẻ áo cho bộ đội suốt mấy năm ròng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Cựu chiến binh Phạm Kim Hoàn (thứ 2 từ phải sang trái) và đồng đội gặp gỡ gia đình ông Phạm Đức Quyền, tổ 8, phường Quang Trung (thành phố Hà Giang).
CCB Phạm Kim Hoàn xúc động kể: “Đơn vị của tôi tham gia huấn luyện ở doanh trại Biên phòng sát cạnh gia đình ông Phạm Đức Quyền, tổ 8, phường Quang Trung (thành phố Hà Giang). Vào khoảng giữa tháng 7.1984, mặt trận Vị Xuyên vô cùng khốc liệt. Vợ và con nhỏ ông Quyền phải đi sơ tán, chỉ mình ông ở lại để thực hiện nhiệm vụ của lực lượng dân quân hỏa tuyến mở đường phục vụ chiến đấu. Ông đã nhường căn nhà gỗ 3 gian cho bộ đội ở, có bất cứ lương thực, rau củ nào đều chia cho chúng tôi. Không chỉ riêng ông Quyền, bà con đồng bào biên cương cũng vậy. Với tình cảm quân dân chung sức một lòng, bộ đội như được tiếp sức mạnh để góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới.
Theo dấu chân lịch sử, đoàn CCB Đại đội Trinh sát C20 tiếp tục hành trình đến thăm các địa điểm từng gắn bó máu thịt tại khu vực Thanh Thủy (Vị Xuyên). Ngày trở lại, nhìn thấy biên giới bình yên, cuộc sống người dân ổn định, ruộng nương xanh mướt, ai cũng thấy ấm áp như thể sự hy sinh của đồng đội đã được đền đáp xứng đáng. Người dân vẫn luôn đón tiếp anh em bằng tình cảm thân thiết, bằng nụ cười, bữa cơm thắm đượm nghĩa tình. Nhiều gia đình ở Hà Giang vẫn thường xuyên giữ liên lạc với các CCB, lưu giữ những kỷ vật như một phần ký ức không thể phai. Các thế hệ trẻ nơi biên cương lớn lên trong lời kể của ông bà, cha mẹ về những ngày không thể nào quên, về những người lính đã cùng đồng bào làm nên huyền thoại Vị Xuyên.
Tháng Tư, khi cả nước tưởng nhớ những người con ưu tú đã hy sinh vì nền độc lập, chủ quyền dân tộc, những đoàn CCB vẫn âm thầm trở về thắp nén hương thơm cho đồng đội, gửi lời tri ân cho những mái nhà đã từng mở cửa, đùm bọc người lính trong lửa đạn tại mặt trận Vị Xuyên. Tình quân dân như dòng suối nguồn chảy mãi và được tiếp nối bằng những việc làm cụ thể, sự gắn bó keo sơn, bởi như lời CCB Phạm Kim Hoàn: “Chúng tôi có thể không nhớ hết tên đồng đội, nhưng không bao giờ quên được tấm lòng nhân hậu của bà con Hà Giang, đó là điều đã giúp chúng tôi vượt qua những năm tháng gian khổ nhất của cuộc đời”.