Thẩm quyền của tòa án các cấp theo lãnh thổ trong tố tụng hình sự quy định như thế nào?

* Bạn đọc Đào Văn Tuấn ở xã Tân Minh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, thẩm quyền của tòa án các cấp theo lãnh thổ trong tố tụng hình sự được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 269 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2021. Cụ thể như sau:

1. Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì tòa án có thẩm quyền xét xử là tòa án nơi kết thúc việc điều tra.

2. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao ra quyết định giao cho Tòa án Nhân dân TP Hà Nội hoặc Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh hoặc Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng xét xử.

Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự thì tòa án quân sự cấp quân khu xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.

* Bạn đọc Trần Thị Thơm ở xã Tuy Lộc, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái, hỏi: Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng” đối với dân quân tự vệ được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 13 Thông tư số 57/2020/TT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng về dân quân tự vệ. Cụ thể như sau:

1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng” xét tặng cho cá nhân giữ chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ, chiến sĩ dân quân tự vệ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ; cá nhân có nhiều công lao, đóng góp đối với dân quân tự vệ Việt Nam, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Cá nhân giữ chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ có thời gian công tác liên tục trong lực lượng dân quân tự vệ từ đủ 10 năm trở lên; không vi phạm kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

b) Đối với cá nhân không thuộc thành phần dân quân tự vệ, phải có từ đủ 15 năm trở lên trực tiếp làm công tác dân quân tự vệ, được cấp có thẩm quyền công nhận;

c) Chiến sĩ dân quân tự vệ có thời gian công tác liên tục trong lực lượng dân quân tự vệ từ đủ 6 năm trở lên; không vi phạm kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

d) Cá nhân giữ chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ, chiến sĩ dân quân tự vệ được Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ khen thưởng về thành tích thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng;

đ) Người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có nhiều công lao, đóng góp đối với dân quân tự vệ Việt Nam, được cấp có thẩm quyền công nhận.

2. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng” chỉ tặng một lần cho mỗi cá nhân.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/tham-quyen-cua-toa-an-cac-cap-theo-lanh-tho-trong-to-tung-hinh-su-quy-dinh-nhu-the-nao-802971
Zalo