Lái xe, xếp dỡ hàng nguy hiểm phải có chứng chỉ tập huấn
Dự thảo của Bộ GTVT quy định đối tượng phải được tập huấn an toàn hàng nguy hiểm gồm có người điều khiển phương tiện, người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ.
Vừa qua, Bộ GTVT đã đăng tải Dự thảo Nghị định quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng nguy hiểm trên trang điện tử của Bộ.
Theo đó, Dự thảo kế thừa một số nội dung từ Nghị định 34/2024 ngày 31-3-2024 quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa. Đồng thời, Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp với quy định mới của Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Dự thảo cũng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho người áp tải vận tải, người lái xe nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trên các tuyến đường cũng như đảm bảo cạnh tranh, công bằng và minh bạch giữa các đơn vị kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm.
Lái xe, người xếp dỡ hay thủ kho đều phải có giấy chứng nhận?
Tại Điều 8 của Dự thảo quy định về tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm. Trong đó, Dự thảo quy định đối tượng phải được tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm gồm: Người điều khiển phương tiện, người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ.
Cụ thể, tổ chức tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm gồm: Người thuê vận tải hoặc người vận tải có trách nhiệm tổ chức tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm hoặc cử các đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều này tham gia khóa tập huấn do đơn vị được cơ quan quản lý danh mục hàng hóa nguy hiểm hoặc cơ quan cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm giao nhiệm vụ tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm, định kỳ 2 năm một lần;
Hoạt động tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm được tổ chức riêng hoặc kết hợp với hoạt động tập huấn an toàn khác;
Người đã được tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm phải được tập huấn lại trong các trường hợp sau đây: Khi có sự thay đổi chủng loại hàng hóa nguy hiểm trong quá trình vận chuyển; khi người đã được tập huấn thay đổi vị trí làm việc; sau 2 lần kiểm tra người đã được tập huấn không đạt yêu cầu; khi hết thời hạn 2 năm từ kể từ lần được tập huấn trước.
Đối tượng phải được tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm gồm: Người điều khiển phương tiện, người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ.
Đơn vị thực hiện việc tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm: Người thuê vận tải hoặc người vận tải hoặc đơn vị được cơ quan quản lý danh mục hàng hóa nguy hiểm hoặc cơ quan cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm giao nhiệm vụ.
Nội dung tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm như sau:
Nội dung tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm phải phù hợp với vị trí, trách nhiệm của người được tập huấn; tính chất, chủng loại, mức độ nguy hiểm của các loại hàng hóa nguy hiểm.
Tài liệu tập huấn do đơn vị thực hiện tập huấn biên soạn và phát hành, nội dung tài liệu được biên soạn theo loại và nhóm loại quy định tại Điều 4 của Nghị định này;
Nội dung tập huấn gồm: Tên hàng nguy hiểm, tính chất nguy hiểm, phân loại và ghi nhãn; các nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển hàng nguy hiểm; quy trình bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển phù hợp với vị trí làm việc; quy định về an toàn hàng hóa nguy hiểm; các quy trình ứng phó sự cố: Sử dụng các phương tiện cứu hộ xử lý sự cố cháy, nổ, rò rỉ, phát tán chất nguy hiểm, sơ cứu người bị nạn trong sự cố, sử dụng, bảo quản, kiểm tra trang thiết bị an toàn, phương tiện, trang thiết bị bảo vệ cá nhân để ứng phó sự cố, quy trình, sơ đồ liên lạc thông báo sự cố, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để huy động nguồn lực để ứng phó, khắc phục sự cố, ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm lan rộng ra môi trường, thu gom chất nguy hiểm bị tràn đổ, khắc phục môi trường sau sự cố.
Người tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm phải có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm công tác phù hợp với chuyên ngành tập huấn.
Thời gian tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm: Tối thiểu 16 giờ cho mỗi loại và nhóm hàng nguy hiểm, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
Đánh giá kết quả và lưu giữ hồ sơ tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm: Đơn vị thực hiện tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm chịu trách nhiệm kiểm tra để đánh giá kết quả tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm;
Kiểm tra nội dung tập huấn: Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung tập huấn. Thời gian kiểm tra tối đa là 2 giờ. Bài kiểm tra đạt yêu cầu phải đạt điểm trung bình trở lên;
Trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ khi kết thúc tập huấn và kiểm tra kết quả tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm, đơn vị thực hiện tập huấn, kiểm tra ban hành quyết định công nhận kết quả kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm cho những người có bài kiểm tra đạt yêu cầu theo mẫu tại Phụ lục số....
Hồ sơ tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm gồm: Nội dung tập huấn; danh sách người được tập huấn với các thông tin: Họ tên, ngày tháng năm sinh, chức danh, vị trí làm việc, chữ ký xác nhận tham gia tập huấn; thông tin về người tập huấn bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, trình độ học vấn, chuyên ngành được đào tạo, kinh nghiệm công tác, kèm theo các tài liệu chứng minh; nội dung và kết quả kiểm tra tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm; quyết định công nhận kết quả kiểm tra tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm của tổ chức, cá nhân.
Đơn vị thực hiện tập huấn có trách nhiệm lưu trữ đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 7 Điều này trong thời gian 3 năm và xuất trình khi cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu.