Thẩm phán và kỹ năng điều hành phiên tòa văn minh

Tại phiên tòa, những ứng xử khéo léo của thẩm phán giúp phiên tòa diễn ra đúng luật, thuận lợi, phiên tòa văn minh thể hiện nét văn hóa chốn pháp đình.

Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử. Thẩm phán giỏi là những thẩm phán có bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức tốt; giỏi về nghiệp vụ; tiêu biểu trong rèn luyện…(theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 10/QĐ-TANDTC-TĐKT ngày 5-5-2020 của Chánh án TAND Tối cao).

Việc giỏi về nghiệp vụ của thẩm phán được thể hiện qua nhiều khía cạnh, trong đó kỹ năng điều khiển phiên tòa sao cho đúng luật và thấu tình đạt lý. Một phiên tòa nghiêm minh, được vận hành khéo léo là một phiên tòa văn minh, thể hiện nét văn hóa chốn pháp đình.

 Hình minh họa.

Hình minh họa.

Những lời chia sẻ đầy thấu hiểu của thẩm phán

Tại một phiên tòa xét xử vụ án giết người, phòng xử án của TAND TP.HCM tràn ngập không khí căng thẳng với số đông là gia đình bị hại. Người mẹ cầm di ảnh con trai xấu số vào phòng xử. Gương mặt, ánh mắt của bà đầy căm hận đối với bị cáo - người đã tước đi mạng sống của con bà.

Khi HĐXX hỏi đến đại diện hợp pháp của bị hại, người mẹ cầm di ảnh con đứng lên. Vị chủ tọa hỏi: Bà cầm di ảnh con trai đến đây để làm gì? Người mẹ nước mắt ngắn dài nhìn về phía bị cáo nói "muốn đòi mạng cho con trai".

Vị chủ tọa nhẹ nhàng nói: Tôi và HĐXX rất chia sẻ về mất mát mà bà và gia đình phải gánh chịu. Hôm nay chúng tôi ở đây là để xét xử đòi lại công lý cho con trai của bà. HĐXX sẽ xem xét hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo. Bị cáo có tội thì sẽ có mức phạt thích đáng theo quy định. Sau khi chúng tôi xét xử, nếu không đồng tình với phán quyết này, pháp luật vẫn dành cho bà được quyền kháng cáo lên tòa án cấp trên. Bà không cần phải cầm di ảnh con trai vào phiên tòa, nó làm mất đi sự uy nghiêm của phiên tòa. Bà có thấy mọi người trong phòng xử án không được thoải mái không?

Lúc này người mẹ im lặng nhưng vẫn không chịu cất di ảnh con trai. Vị chủ tọa tiếp lời: Tôi sẽ không nói về quy định của pháp luật có cho phép bà cầm di ảnh vào phòng xử án hay không. Tôi chỉ muốn nói với bà là người đã mất rồi hãy để họ an nghỉ. Chẳng lẽ bà không muốn con mình được yên nghỉ hay sao?

Nghe thẩm phán nói đến đây, người mẹ khóc òa lên như một đứa trẻ; bà ghì chặt di ảnh con trai vào lòng.

Vị thẩm phán lại nói: Chúng tôi rất chia sẻ về nỗi đau mất con của một người mẹ. Giờ thì bà hãy cất di ảnh con trai và ngồi xuống để HĐXX bắt đầu phiên tòa xét xử. Bà phải giữ bình tĩnh để có thể trả lời các câu hỏi của HĐXX cũng như tranh luận với phía bị cáo để đòi lại công bằng cho con trai bà.

Người phụ nữ tóc đã lấm tấm bạc gạt đi dòng nước mắt và cất di ảnh con trai vào túi. Rồi bà lặng lẽ ngồi xuống và theo dõi phiên tòa. Những ồn ào, lao xao ban đầu của không khí phiên tòa đã lắng xuống, nhường chỗ cho HĐXX thực thi công lý...

Làm dịu căng thẳng giữa đôi bên

Một phiên tòa cố ý gây thương tích được TAND huyện Củ Chi, TP.HCM tiếp tục đưa ra xét xử sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Vụ án phức tạp bởi hành vi đánh nhau không có camera ghi lại, các bị cáo không nhận tội. Việc truy tố dựa trên nhiều chứng cứ như lời khai của bị cáo, bị hại và những người làm chứng.

Trong vụ án này, tòa đã triệu tập 14 người làm chứng, trong đó một số người làm chứng quan trọng không hợp tác đã bị tòa ra quyết định dẫn giải. Tại phần xét hỏi, HĐXX nhiều lần cách ly từng bị cáo, người làm chứng, bị hại để xét hỏi riêng về một số tình tiết còn mâu thuẫn trong vụ án.

Bị hại trong vụ án là ông C (54 tuổi) bị đánh gãy chân cùng một số thương tích khác. Từ một người khỏe mạnh, làm nghề thợ hồ giờ đây ông đi lại phải dùng nạng. Vụ án kéo dài nhiều năm, các bị cáo không nhận tội và không bồi thường cho ông nên ông vô cùng uất ức. Tại phiên tòa, các bị hại cùng một số người làm chứng cũng cho rằng luật sư của bị cáo hỏi nhiều câu hỏi lặp, một số câu hỏi vô lý… nên không trả lời; có lúc họ còn tỏ ra mất bình tĩnh và bức xúc với các câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo.

Nhận thấy sự căng thẳng, HĐXX liền giải thích: HĐXX cần lắng nghe các câu hỏi và các câu trả lời để tìm ra sự thật khách quan của vụ án; từ đó mới có phán quyết đúng pháp luật.

HĐXX nhắc luật sư có thể đặt câu hỏi thông qua HĐXX. Nếu HĐXX nhận thấy câu hỏi này cần thiết để làm rõ diễn biến vụ án thì sẽ hỏi. Nhìn về phía bị hại và một số người làm chứng, vị chủ tọa giải thích: "Luật pháp cho phép bị hại và người làm chứng được từ chối trả lời các câu hỏi của luật sư bên kia. Tuy nhiên, để vụ án nhanh chóng được sáng tỏ, giúp cho HĐXX có cái nhìn toàn diện thì bị hại cũng như người làm chứng hãy hợp tác và trả lời các câu hỏi mà HĐXX cho là cần thiết".

Nghe vị chủ tọa giải thích, cả hai bên đều gật đầu đồng ý. Và kể từ đó, việc xét hỏi trở nên thuận lợi hơn…

PHONG HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tham-phan-va-ky-nang-dieu-hanh-phien-toa-van-minh-post828270.html
Zalo