Phải niêm yết giá!

Dịp Tết vừa qua, nhiều chợ hoa xuân vẫn giữ cách bán hàng không công khai giá, nói thách cao để khách trả giá… khiến nhiều người tiêu dùng e ngại

Dù việc niêm yết giá và không được bán cao hơn giá niêm yết là quy định bắt buộc với hầu hết hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nhưng nhiều nơi vẫn chưa tuân thủ, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh truyền thống. Cũng vì thiếu minh bạch trong giá cả mà chợ hoa Tết năm nào cũng xảy ra tình trạng xả lỗ, bán rẻ như cho vào sát giờ giao thừa.

Nhìn mặt báo giá

Ông Võ Đắc Thọ, quản lý vựa cây giống Huyền Linh Garden (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), có nhiều năm bán hoa Tết tại các chợ hoa truyền thống, cho biết tại các chợ hoa tất cả tiểu thương thường thống nhất giá bán nhưng không niêm yết. Họ để cho khách hàng đi dạo một vòng thăm dò, khi thấy giá giống nhau sẽ chọn mua ở nơi nào thấy hoa đẹp nhất. "Các thương lái không niêm yết giá vì có thể tăng giá khi khách tỏ ra thích thú với sản phẩm và có thời gian trao đổi để thuyết phục khách hàng. Những năm gần đây, ngày cận Tết một số vựa hoa sẽ treo bảng bán xổ để hút khách, ít nơi niêm yết từ đầu" - ông Thọ nhận xét.

Cũng vì không niêm yết giá rõ ràng mà trong những ngày Tết đã xảy ra vụ việc lùm xùm 3 tô bún riêu ở Hà Nội có giá tới 1,2 triệu đồng (400.000 đồng/tô) gây bức xúc dư luận. Chủ quán sau đó mới lên tiếng giải thích rằng "báo giá đùa và không kiểm tra tài khoản sau khi khách thanh toán".

Theo chủ quán bún riêu, tô bún riêu ngày thường chỉ 30.000 đồng, Tết thêm phụ thu 10.000 đồng thành 40.000 đồng chứ không phải giá 400.000 đồng/tô nhưng chỉ là thông báo miệng. Nếu cửa hàng niêm yết giá rõ ràng thì chuyện lùm xùm đã không diễn ra.

Tại nhiều chợ truyền thống, cửa hàng ở TP HCM và những địa phương khác, tình trạng không niêm yết giá hoặc niêm yết giá cho có vẫn còn rất phổ biến. Do không biết giá, khách hàng đến hỏi, nghe tiểu thương báo giá không vừa túi tiền thì bỏ đi vẫn hay bị tiểu thương hành xử phản cảm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khách hàng ngày càng ít đi chợ. Ban quản lý các chợ cho biết thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra việc niêm yết giá, thậm chí ký cam kết "không chèo kéo khách và niêm yết giá khi bán", xử lý nghiêm các vi phạm nhưng đến nay, nhiều tiểu thương vẫn chưa thực hiện niêm yết giá hoặc niêm yết giá theo kiểu đối phó.

Là chuyên gia trong ngành dịch vụ ăn uống (F&B), ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director và Horeca Business School, nhận xét tình trạng không niêm yết giá bán công khai trong ngành vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là tại các cửa hàng ẩm thực truyền thống. Việc này không chỉ vi phạm quy định pháp luật về niêm yết giá mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với quyền lợi của khách hàng. "Trong lĩnh vực ẩm thực, việc niêm yết giá về mặt hình thức tương đối đơn giản - có thể được thể hiện trên menu in sẵn, bảng menu treo tường, bảng đen viết tay... Chi phí để thực hiện không cao nhưng thực tế nhiều nơi chỉ báo giá bằng miệng hoặc áp dụng mức giá linh hoạt tùy theo khách hàng" - ông Thanh nêu.

Người dân mua hoa Tết vào trưa 29 Tết Ất Tỵ tại Công viên 23 Tháng 9 (TP HCM) Ảnh: Quang Liêm

Người dân mua hoa Tết vào trưa 29 Tết Ất Tỵ tại Công viên 23 Tháng 9 (TP HCM) Ảnh: Quang Liêm

Lợi ích khi niêm yết giá

Ông Võ Đắc Thọ cho hay từ khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, việc niêm yết giá là bắt buộc và ông thấy điều này giúp thu hút khách hàng. "Niêm yết giá bán từ sớm, thậm chí là rẻ hơn một số nơi bán trực tiếp, mùa Tết vừa rồi chúng tôi bán được hơn 10.000 chậu cúc mâm xôi, các nhà vườn liên kết nghỉ Tết từ 16 tháng chạp trong khi những nhà vườn truyền thống đến đêm giao thừa vẫn chưa được về nhà" - ông Thọ so sánh.

Theo ông Thọ, việc bắt buộc toàn bộ vựa hoa Tết niêm yết giá là hoàn toàn khả thi, chỉ là do các chủ vựa chưa quen nên ít người chủ động làm. Việc niêm yết giá rõ ràng giúp người tiêu dùng đỡ phải đi hỏi giá từng vựa, không lo bị kê giá, còn người bán hoa Tết cũng có thể bán xong hàng sớm hơn, tránh đợi đến gần đêm giao thừa.

Thực tế, ghi nhận tại một số chợ hoa có niêm yết giá rõ ràng dịp Tết vừa qua ở TP HCM, việc buôn bán diễn ra khá thuận lợi. Không đợi đến cuối giờ mới xả lỗ.

Chuyên gia Đỗ Duy Thanh đánh giá vụ việc "3 tô bún riêu 1,2 triệu đồng" ở Hà Nội tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh cho các chủ F&B về sự thiếu hiểu biết hoặc lơ là trong việc tuân thủ pháp luật. Điều này không chỉ tiềm ẩn rủi ro pháp lý mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu.

Điều này tạo ra sự thiếu minh bạch, dẫn đến tâm lý e ngại từ khách hàng, ảnh hưởng đến trải nghiệm dịch vụ và làm suy giảm uy tín thương hiệu. Đồng thời, cũng tiềm ẩn nguy cơ bị xử phạt theo các quy định của pháp luật về quản lý giá.

Đối với giá dịp Tết (cao hơn ngày thường), chủ quán có thể tạo menu riêng trong những ngày áp dụng hoặc thông báo phụ thu (không nên quá 20%) để khách hàng có thể chủ động trong quyết định chi tiêu.

Việc minh bạch giá cả rất có lợi, không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, tránh rủi ro bị xử phạt mà còn tạo sự tin tưởng và thiện cảm từ khách hàng. Việc niêm yết giá cũng giúp tối ưu hóa hoạt động vận hành, vì nhân viên không phải liên tục giải thích hoặc thương lượng giá với khách hàng, giúp quy trình bán hàng trở nên chuyên nghiệp và thống nhất hơn.

Theo Sở Công Thương TP HCM, thành phố có 233 chợ truyền thống. Từ sau đại dịch COVID-19, lượng khách đến mua sắm tại các chợ giảm mạnh so với trước. Lý do một phần là vì xu hướng tiêu dùng ngày nay khách hàng chú trọng hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, được khuyến mãi thường xuyên (như cách các siêu thị đang làm - PV); một phần do tâm lý e ngại hàng hóa ở chợ bán không đúng giá niêm yết, hàng nhái, hàng giả, hàng không có nguồn gốc rõ ràng…

Những bất cập trong kinh doanh lẫn quản lý chợ đã góp phần kéo giảm sức hút của chợ truyền thống. TP HCM đang xây dựng chiến lược phát triển hệ thống chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mới đây nhất, vào dịp cuối năm 2024 và cận Tết Nguyên đán, Sở Công Thương TP HCM đã đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà nước về giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích... trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh sai sót, hỗ trợ hoạt động của mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn theo các nội dung: treo băng rôn, niêm yết giá, bán đúng giá đăng ký. Sở cũng yêu cầu ban quản lý các chợ tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, việc cân, đong hàng hóa, niêm yết giá trong phạm vi quản lý.

Đặc thù chợ đầu mối khó niêm yết giá

Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết thương nhân tại chợ có niêm yết giá nhưng chưa được đầy đủ theo quy định dù công ty thường xuyên nhắc nhở. Tuy nhiên, ông cũng giải thích do giá ở chợ thay đổi từng giờ và tốc độ giao dịch rất nhanh nên thương nhân không cập nhật kịp.

Gắn bó với chợ hoa tươi Đầm Sen (quận 11, TP HCM) hàng chục năm, ông Lý Phú Quí, Giám đốc HTX Dịch vụ Đầm Sen (chợ hoa Đầm Sen), cho biết kinh doanh hoa ở chợ đầu mối có đặc thù riêng, tiểu thương phải rất linh động trong bán hàng vì có thể 1 giờ trước còn là hoa, 1 giờ sau đã trở thành rác. "Tại chợ đầu mối, hàng hóa giao dịch theo kiểu gối đầu - bán hàng trước, thu tiền sau. Tiểu thương và bạn hàng hầu hết đều quen biết, cùng nắm giá thị trường nên giao dịch theo quy luật thị trường chứ không có chuyện làm giá, hét giá. Chưa kể, người bán sỉ luôn có ưu đãi về giá, vận chuyển... cho đơn hàng lớn" - ông Quí nói thêm.

Ngọc Ánh - Thanh Nhân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phai-niem-yet-gia-196250204201534009.htm
Zalo